Cấp bách phòng chống đuối nước: Cần xã hội hóa phong trào bơi lội

30/05/2023 05:10 GMT+7

Tuyến bài Cấp bách phòng chống đuối nước trên Báo Thanh Niên thời gian qua nhận được sự quan tâm lớn của bạn đọc, trong đó có các chuyên gia thể thao. Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao - Ủy ban TDTT (tên gọi cũ của Tổng cục TDTT), đã có bài viết về đề tài thời sự này.


Phát triển phong trào bơi lội trong quần chúng nhân dân, đặc biệt đối với trẻ em là con đường bền vững để phòng chống vấn nạn đuối nước hiện nay.

Cấp bách phòng chống đuối nước: Cần xã hội hóa phong trào bơi lội - Ảnh 1.

VN cần tạo ra những biểu tượng thể thao như Nguyễn Huy Hoàng, Hoàng Quý Phước, Trần Hưng Nguyên, Nguyễn Hữu Kim Sơn (từ trái qua)

HOÀNG QUỲNH

BƠI TỪNG LÀ MÔN BẮT BUỘC Ở TRƯỜNG HỌC GẦN AO HỒ

Phát triển phong trào bơi lội là nhu cầu khách quan, do đặc thù điều kiện lịch sử và địa lý VN. Nước ta ở khu vực nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều, có nhiều sông, hồ, suối, đầm và có biển bao quanh. Điều kiện địa lý tự nhiên như vậy nên người dân VN sống ở những nơi đấy phải thích ứng, tức là phải biết bơi, giỏi bơi để tồn tại, để lao động và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Năm 1954, trong phong trào phát triển thể dục thể thao nói chung và thể dục thể thao trong học sinh, sinh viên nói riêng, Chính phủ rất quan tâm đến việc nâng cao thể lực và phòng chống đuối nước. Năm 1958, Bộ Giáo dục xây dựng chương trình giáo dục thể chất theo hướng hiện đại, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Trong chương trình này, có một điểm đáng chú ý, đó là bắt buộc tất cả các trường học ở gần hồ, ao, sông, suối phải huấn luyện và giảng dạy môn bơi.

Cấp bách phòng chống đuối nước: Cần xã hội hóa phong trào bơi lội - Ảnh 2.

Trong những năm 1963 - 1964, môn bơi được đặt trọng tâm phát triển trong chương trình thể dục thể thao cho học sinh, sinh viên. Năm 1965, Đại hội bơi lội sinh viên đại học và trung học lần thứ nhất được tổ chức. Đối với lực lượng vũ trang, môn bơi là môn bắt buộc trong chương trình huấn luyện binh sĩ quân đội để chuẩn bị tham gia kháng chiến chống Mỹ và chiến đấu giải phóng miền Nam. Bơi vũ trang, bơi vượt sông đường dài, lặn... là những yêu cầu cấp thiết.

Ở các vùng nông thôn từ đồng bằng đến miền núi, phong trào tập luyện bơi lội phát triển rộng rãi, bao gồm bơi vượt sông, bơi vũ trang và các hoạt động có tính thích ứng với sông nước được tổ chức trên khắp mọi miền đất nước. Từ những chủ trương này, các đơn vị điển hình của phong trào toàn xã biết bơi, toàn dân biết bơi, điển hình là xã Nghĩa Phú, H.Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định). Nơi đây đã sản sinh ra 2 VĐV bơi ưu tú, đó là chị Vũ Thị Sen, cùng em ruột Vũ Thị Men. Hai chị em đều là thành viên đội tuyển bơi quốc gia, trong đó chị Vũ Thị Sen là VĐV VN đầu tiên giành HCV ở châu Á năm 1966.

Cấp bách phòng chống đuối nước: Cần xã hội hóa phong trào bơi lội - Ảnh 2.

Ánh Viên tạo hiệu ứng xã hội khi tham gia lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em

MINH TÂN

TẠI SAO KHÔNG TỔ CHỨC PHONG TRÀO BƠI NHƯ PHONG TRÀO CHẠY ?

Môn bơi lội gắn liền với lịch sử phát triển thể thao đất nước, đặc biệt là phong trào bơi vượt sông. Năm 1958, Hà Nội tổ chức bơi vượt sông Hồng. Những năm kháng chiến chống Mỹ hay về sau này, phong trào bơi được tổ chức ở nhiều con sông trên khắp cả nước như sông Hồng, sông Mã, sông Hương, sông Sài Gòn, sông Gianh... Môn bơi gắn liền với nhân dân ta, với thế hệ học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang và nhân dân lao động.

Sau thời kỳ dài, khi thể thao hiện đại và thể thao thành tích cao phát triển, dường như phong trào bơi lội trong học sinh, sinh viên hay trong các cơ sở đã lắng đi. Nhiều năm qua số tai nạn đuối nước gia tăng, gây thiệt hại về người và của, nhất là với đối tượng trẻ em. Nhiều năm qua, Bộ GD-ĐT và ngành thể thao đã phối hợp để thúc đẩy, phát triển và mở rộng trở lại việc tập bơi lội để phòng chống đuối nước.

Cần tạo ra được phong trào rộng khắp trong việc tổ chức huấn luyện bơi để phòng chống đuối nước cho nhân dân, đặc biệt cho học sinh. Với xu thế xã hội hóa như hiện nay, chúng ta đã chứng kiến các tổ chức, cá nhân cùng cơ quan nhà nước tạo ra những giải chạy thu hút tới 5.000, 10.000 người tham gia. Tại sao chúng ta không tổ chức phong trào bơi?

PHẢI CÓ NHỮNG BIỂU TƯỢNG THỂ THAO NHƯ Ánh VIÊN

Muốn tạo ra phong trào, phải huy động được sự đóng góp của tổ chức xã hội, tương tự như các giải chạy. Chúng ta cần những biểu tượng thể thao. Họ xuất phát từ những đứa trẻ, được huấn luyện thành những VĐV xuất sắc, trở thành thần tượng bơi lội như Nguyễn Thị Ánh Viên, Phạm Thanh Bảo, Trần Hưng Nguyên, Nguyễn Huy Hoàng...

Cấp bách phòng chống đuối nước: Cần xã hội hóa phong trào bơi lội - Ảnh 4.

Cấp bách phòng chống đuối nước: Cần xã hội hóa phong trào bơi lội - Ảnh 5.

Họ trưởng thành từ phong trào bơi lội, có tài năng và được tập trung. Những thần tượng là tấm gương để thế hệ trẻ noi theo. Thật đáng quý khi Ánh Viên mở trung tâm bơi để phát triển môn bơi trong trẻ em. Cần kêu gọi cá nhân, tổ chức phát huy phong trào bơi lội..., bởi điều này mang lại lợi ích to lớn, ý nghĩa thiết thực cho đời sống nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ như học sinh, sinh viên. Trong khi đó, công tác tổ chức phong trào bơi lội của các nhà quản lý phải gặp nhau ở một điểm: có chủ trương đúng và có biện pháp hợp lý. Hiện tại, biện pháp tổ chức theo con đường xã hội hóa là phù hợp nhất để phát triển bơi lội trên khắp mọi miền đất nước, đóng góp cho chiến lược phòng chống đuối nước trong học sinh, sinh viên nói riêng và nhân dân nói chung. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.