Kiến nghị đầu tư 16 nút giao lớn ở TP.HCM

10/08/2022 18:00 GMT+7

Sở GTVT TP.HCM kiến nghị UBND TP sớm bố trí vốn đầu tư 16 nút giao lớn trong 3 năm tới để đồng bộ mạng lưới giao thông, giảm ùn tắc các khu vực.

pViệc sớm đầu tư các nút giao nhằm đảm bảo kéo giảm ùn tắc giao thông trong nội đô thành phố, tiến tới hoàn thành "Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP.HCM" và Chương trình đột phá phát triển hạ tầng TP.HCM theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI.

Các nút giao thông, điểm giao cắt chính là khởi nguồn phát sinh ùn tắc tại các đô thị, thành phố lớn

ĐẬU TIẾN ĐẠT

Đây là các dự án trong danh mục ưu tiên, theo lộ trình đầu tư phát triển hạ tầng giao thông thành phố. Trong đó, dự án cầu vượt ở khu vực Ngã tư Đình (quốc lộ 1 - Nguyễn Văn Quá, quận 12) đã được duyệt với tổng vốn khoảng 480 tỉ đồng.

5 dự án nút giao khác đã được HĐND TP thông qua chủ trương, với tổng kinh phí khoảng 4.000 tỉ đồng, gồm: Linh Xuân (quốc lộ 1 - 1K), Nguyễn Thị Định - Nguyễn Duy Trinh (TP.Thủ Đức); ngã tư Bốn Xã (Thoại Ngọc Hầu - Hương Lộ 2 - Lê Văn Quới, quận Tân Phú, Bình Tân); ngã bảy Điện Biên Phủ - Ngô Gia Tự - Lý Thái Tổ - Lê Hồng Phong và ngã sáu Nguyễn Tri Phương - Ngô Gia Tự - Nguyễn Chí Thanh (quận 10).

10 nút giao còn lại chưa được duyệt chủ trương đầu tư. Ngành giao thông kiến nghị được bố trí 5 tỉ đồng để thực hiện các bước chuẩn bị như lập, thẩm định, quyết định chủ trương... Trong đó, nhiều nút giao thường xuyên ùn tắc như ngã năm Đài Liệt sĩ (quận Bình Thạnh), Lạc Long Quân - Âu Cơ (Tân Phú), Nguyễn Kiệm - Phan Đăng Lưu (Phú Nhuận), quốc lộ 1 - đường Vườn Lài (quận 12)...

Theo Sở GTVT, đối với các dự án đã hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư, cần giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương rà soát, thực hiện các thủ tục bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 (khoảng 398 tỉ đồng); Kế hoạch đầu tư công năm 2022 (khoảng 10 tỉ đồng) để sớm triển khai thực hiện, phát huy mục tiêu và hiệu quả đầu tư các dự án.

Đối với các dự án đã được HĐND TP.HCM phê duyệt chủ trương đầu tư công, UBND TP giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông hoàn thiện. Từ đó, đề xuất chủ trương đầu tư công điều chỉnh các dự án và thực hiện các thủ tục theo quy định.

Theo các chuyên gia, nút giao thông, điểm giao cắt chính là khởi nguồn phát sinh ùn tắc tại các đô thị, thành phố lớn. Việc quy hoạch nút giao theo dạng vòng xuyến, các nút giao khác mức hay lập thể... phụ thuộc vào lưu lượng phương tiện lưu thông và địa hình. Trong đó, dạng vòng xuyến là nút giao thông có cấp độ thấp nhất, phù hợp với những nút giao có lưu lượng phương tiện thấp.

Hiện nay, mật độ phương tiện tại TP.HCM đã ở mức quá cao so với năng lực đáp ứng của hệ thống hạ tầng, không còn phù hợp để sử dụng dạng vòng xuyến tại các nút giao. Do đó, tại những vị trí nút giao cụ thể, phải đo đạc, nghiên cứu, đánh giá kỹ lưu lượng trong những năm lâu dài về sau để có quy hoạch hoàn chỉnh ngay từ ban đầu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.