Cấp bách cũng vẫn phải… chờ!

Hải Triều
Hải Triều
20/03/2024 15:34 GMT+7

"Luật không theo kịp thực tiễn cuộc sống" là hạn chế đã được chỉ ra trong công tác lập pháp lâu nay, nhưng việc khắc phục rất chậm, nên trong nhiều trường hợp, thực tiễn có cấp bách đến mấy, luật cũng… chưa vội được.

Có một hạn chế muôn thuở trong công tác lập pháp thường được nhắc đến qua mỗi kỳ tổng kết là "luật không theo kịp thực tiễn cuộc sống". Thế nhưng, dù hạn chế đã được chỉ ra thì việc khắc phục còn rất chậm, nên trong nhiều trường hợp, thực tiễn có cấp bách đến mấy, luật cũng… chưa vội được.

Cấp bách cũng vẫn phải… chờ!- Ảnh 1.

Quyết toán thuế thu nhập cá nhân ở TP.HCM

T.N

Câu chuyện về sửa đổi luật Thuế thu nhập cá nhân là dẫn chứng điển hình, mà mới đây nhất, ngày 18.3, tiếp tục được các đại biểu đề cập trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Luật Thuế thu nhập cá nhân được ban hành năm 2007, áp dụng từ ngày 1.1.2009. Trải qua một số lần sửa đổi, đến nay nhiều quy định trong luật đã không còn phù hợp, như quy định tính khởi điểm chịu thuế, mức giảm trừ gia cảnh… Đây là những bất cập lớn của sắc thuế này, gây bức xúc nhiều nhất cho người chịu thuế khi cách tính không được cập nhật theo biến động của lương tối thiểu, giá cả, lạm phát.

Cụ thể, từ tháng 7.2020 đến nay, mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế vẫn duy trì là 11 triệu đồng và giảm trừ cho người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng. Mức tính tuyệt đối này rất lỗi thời trong bối cảnh hầu hết các mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ tăng chóng mặt, chi phí sinh hoạt đội lên. Trong khi lương tối thiểu của người lao động được chia thành 4 vùng khác nhau thì mức giảm trừ gia cảnh được áp dụng chung cho cả nước, không phân biệt vùng miền cũng không đảm bảo sự công bằng.

Bất cập là vậy, nhưng luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành lại quy định, trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ mới trình Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Như thế, theo tính toán của đại biểu Quốc hội, phải mất 5 - 7 năm mới tới thời điểm CPI thay đổi 20%, dù giá cả hàng hóa liên tục biến động.

Tương tự, quy định thu nhập dưới 1 triệu đồng/tháng mới được xem xét là người phụ thuộc khiến nhiều người đặt câu hỏi, những người già, có mức lương hưu vài triệu đồng/tháng, sẽ xoay xở thế nào nếu không có sự hỗ trợ từ con cái, nhất là ở những thành phố lớn có chi phí sinh hoạt cao như Hà Nội, TP.HCM…?

Nhìn nhận về những bất cập kể trên, đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) từng đánh giá, có những quy định đã "lạc hậu cả chục năm".

"Lạc hậu cả chục năm" là khoảng thời gian quá dài, ghi nhận sự chịu đựng bền bỉ của những người nộp thuế trước sự tác động trực tiếp, thường xuyên từ các quy định lỗi thời. Các chuyên gia, đại biểu Quốc hội nhiều lần nêu, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã thấy. Hơn một lần thừa nhận trước Quốc hội về các bất cập của luật, nhưng ông Phớc nói, theo kế hoạch thì phải đến năm 2025 mới sửa được.

"Lúc đấy, Bộ Tài chính mới nêu lên quan điểm và lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân, lấy ý kiến của các cơ quan và lúc đấy mới xây dựng lại yếu tố giảm trừ gia cảnh để trình Chính phủ, Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội. Sau khi Quốc hội sửa đổi luật Thuế thu nhập cá nhân thì lúc đấy sẽ thực hành theo đúng quy định mới của luật", theo lời ông Phớc.

Như thế, cái việc đang tác động đến hàng triệu gia đình đã, đang và sẽ lại đợi để được sửa đổi cho "đúng quy trình". Những quy định "lạc hậu cả chục năm" tiếp tục lạc hậu thêm năm nữa. Vấn đề có tính cấp bách, mang ý nghĩa nhân văn và bảo đảm công bằng cho người lao động là vậy lại thiếu "cơ chế" để "thoát ly" với "quy trình" là do đâu?

Có vẻ như lâu nay chúng ta vẫn quen với nếp chung khi sửa luật là phải xem xét để sửa đổi "tổng thể, toàn diện" nên muốn làm nhanh, muốn làm ngay cũng không được. Thực tế, Quốc hội từng vận dụng thành công quy định của luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là dùng 1 luật để sửa nhiều luật. 

Từ hiệu quả được chứng minh, có đại biểu Quốc hội đã đề xuất sửa đổi luật này theo hướng, Quốc hội sẽ xem xét, ban hành 1 luật chỉ để sửa 1 khoản trong 1 điều luật theo quy trình rút gọn 1 kỳ họp, nếu nhận thấy quy định đó không còn phù hợp với thực tiễn. Như vậy, luật mới nhanh chóng đi vào cuộc sống, đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn, góp phần ổn định xã hội, phát triển đất nước. Khi bức xúc trong dân được giải quyết ngay, các nhà làm luật cũng không còn bị ám ảnh bởi hạn chế muôn thuở kể trên.

Áp dụng vào câu chuyện sửa luật Thuế thu nhập cá nhân, khi bất cập không phải chờ "quy trình" thì những quy định "lạc hậu cả chục năm" kia cũng không còn cơ hội tồn tại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.