Cao tốc trục ngang đầu tiên ở ĐBSCL sẽ khởi công ngày 17.6

Đình Tuyển
Đình Tuyển
14/06/2023 08:59 GMT+7

Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có tổng mức đầu tư 44.691 tỉ đồng, là tuyến cao tốc trục ngang đầu tiên tại ĐBSCL, dự kiến khởi công ngày 17.6.

Kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển

Ngày 13.6, tin từ UBND TP.Cần Thơ cho biết đã ban hành kế hoạch tổ chức lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1, dự án thành phần 2, đoạn qua địa bàn Cần Thơ.

Cao tốc trục ngang đầu tiên ở ĐBSCL sẽ khởi công ngày 17.6 - Ảnh 1.

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là một trong 3 tuyến cao tốc trục ngang ở ĐBSCL

ÁI VY

Trước đó, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 4260/VPCP-CN gửi các tỉnh, thành An Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ về việc tổ chức khởi công các dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Theo đó, lễ khởi công 4 dự án thành phần của tuyến cao tốc trên sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại 4 điểm cầu thuộc 4 các địa phương trên vào ngày 17.6 tới đây; trong đó, điểm cầu chính tổ chức tại An Giang. Hiện tại, cả 4 địa phương  đang tích cực chuẩn bị cho ngày khởi công.

Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có tổng mức đầu tư 44.691 tỉ đồng, tổng chiều dài tuyến hơn 188 km. Trong đó, đoạn tuyến qua An Giang 56,7 km; TP.Cần Thơ 37,7 km; Hậu Giang 37,7 km và Sóc Trăng là 56,1 km. Giai đoạn 1 của dự án được đầu tư với quy mô 4 làn xe, bố trí làn xe dừng khẩn cấp không liên tục, sơ bộ nhu cầu sử dụng đất khoảng 1.205 ha. Tổng mức đầu tư 44.691 tỉ đồng.

Cao tốc trục ngang đầu tiên ở ĐBSCL sẽ khởi công ngày 17.6 - Ảnh 2.

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được kỳ vọng sẽ kết nối với các tuyến cao tốc trục dọc đang hình thành tạo động lực mạnh mẽ cho ĐBSCL phát triển

ĐÌNH TUYỂN

Việc khởi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng mang rất nhiều ý nghĩa với người dân vùng ĐBSCL khi hình thành trục cao tốc ngang đầu tiên kết nối TP.Cần Thơ - trung tâm vùng ĐBSCL - với các tỉnh An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng. Tuyến cao tốc được kỳ vọng sẽ kết nối các cao tốc trục dọc, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Tây Bắc - Đông Nam. Qua đó, tạo dư địa, động lực, không gian phát triển ĐBSCL với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại...

Sắp khởi công cao tốc trục ngang đầu tiên ở ĐBSCL

6 tuyến cao tốc thay đổi ĐBSCL

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ĐBSCL được quy hoạch 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 1.166 km, quy mô 4 - 6 làn xe. Trong đó có 3 tuyến cao tốc trục dọc với tổng chiều dài 575 km và 3 tuyến cao tốc trục ngang với chiều dài khoảng 591 km. Đây được xem là 6 tuyến cao tốc sẽ làm thay đổi hoàn toàn diện mạo hạ tầng giao thông tại ĐBSCL. 

Các trục ngang cao tốc của ĐBSCL sẽ gồm tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng nằm phía nam sông Hậu. Tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh dài 188 km nằm phía bắc sông Hậu. Tuyến cao tốc trục ngang cuối cùng sẽ kết nối Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu dài 212 km.

Cao tốc trục ngang đầu tiên ở ĐBSCL sẽ khởi công ngày 17.6 - Ảnh 3.

Tuyến cao tốc Bắc Nam đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ đang dần hoàn thành

ĐÌNH TUYỂN

Trong khi đó, tuyến cao tốc trục dọc đầu tiên là cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài 245 km (từ Long An đến Cà Mau), bao gồm các đoạn Bến Lức - Trung Lương; Trung Lương - Mỹ Thuận; cầu Mỹ Thuận 2; Mỹ Thuận - Cần Thơ; cầu Cần Thơ 2 và đường dẫn; đoạn Cần Thơ - Cà Mau.

Trục dọc thứ 2 là cao tốc Bắc - Nam phía Tây dài 180 km (từ Long An xuống Kiên Giang). Tuyến này gồm các đoạn Đức Hòa - Thạnh Hóa; Thạnh Hóa - Tân Thạnh (Long An); Tân Thạnh - Mỹ An; Mỹ An - Cao Lãnh; Cao Lãnh - Lộ Tẻ; Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (Kiên Giang).

Trục dọc thứ 3 là cao tốc từ TP.HCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng dài 150 km, là một trục dọc phía Đông, kết nối các tỉnh ven biển ĐBSCL.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.