'Cao tốc thương mại' nối Việt Nam với thế giới

Vũ Hân
Vũ Hân
01/07/2019 07:21 GMT+7

Chiều 30.6, lễ ký kết Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa VN và Liên minh Châu Âu (EU) đã chính thức diễn ra tại Hà Nội sau 9 năm nỗ lực đàm phán.

Sự kiện được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ví như mở ra 2 tuyến cao tốc nối VN và EU, một thị trường lý tưởng của 28 quốc gia phát triển hàng đầu thế giới.

Nối EU với VN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, dù đang trong lịch trình tham dự G20 và thăm chính thức Nhật Bản (từ 27.6 đến 1.7), cũng đã trở về nước để tham dự sự kiện đặc biệt này. Dưới sự chứng kiến của các vị lãnh đạo, hơn 150 phóng viên trong nước và quốc tế cũng như đông đảo người dân VN và EU (sự kiện được đưa trực tiếp trên một số kênh thông tin), Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đã cùng Bộ trưởng Môi trường kinh doanh - thương mại và doanh nghiệp Romania Stefan-Radu Oprea, Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmstrom ký Hiệp định EVFTA; Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cùng ông Stefan-Radu Oprea và bà Cecilia Malmstrom ký Hiệp định EVIPA.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các lãnh đạo VN chứng kiến lễ ký Hiệp định thương mại tự do với EU

Ảnh: Ngọc Thắng

Phát biểu tại lễ ký kết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng sự kiện này sẽ mở ra chân trời mới hợp tác rộng lớn, toàn diện và phát triển mạnh mẽ hơn của VN và EU. “EU với tầm nhìn hướng Đông đã coi VN, một quốc gia đang phát triển nằm cách xa nửa vòng trái đất để làm đối tác. Là quốc gia giàu tiềm năng phát triển năng động hàng đầu tại Đông Nam Á, thực hiện chính sách đối ngoại đa phương, đa dạng hóa quan hệ, với tầm nhìn mạnh mẽ về hội nhập quốc tế sâu rộng, VN rất vui mừng hợp tác với EU ở phía Tây bán cầu, một nền văn minh tiên tiến, một khối kinh tế phát triển hiện đại, hùng mạnh hàng đầu thế giới, cũng như mở rộng hợp tác song phương với 28 nước thành viên”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Để 2 hiệp định sớm có hiệu lực, mang lại lợi ích to lớn cho người dân, doanh nghiệp (DN) hai bên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng Nghị viện châu Âu, nghị viện các nước thành viên EU và Quốc hội VN sẽ sớm phê chuẩn chính thức để EVFTA và EVIPA thực sự trở thành 2 “tuyến cao tốc quy mô lớn, hiện đại nối gần hơn nữa EU và VN và từ đây người dân hai bên dễ dàng hợp tác, giao lưu, các DN hai bên có thể tiếp cận thuận lợi thị trường của nhau”.

Hiệp định tốt nhất EU từng ký kết

Khi được hỏi về điểm khác biệt giữa hiệp định này với các hiệp định mà EU đã ký tại buổi họp báo quốc tế do hai bên đồng tổ chức sau lễ ký kết, Cao ủy Thương mại EU Malmstrom đã không ngần ngại trả lời: “This is the best, of course!” (Tất nhiên, đây là hiệp định tốt nhất - tạm dịch). Bà Malmstrom nhấn mạnh đây thực sự là FTA (hiệp định tự do thương mại) tham vọng nhất mà EU đã từng ký, và bày tỏ sự hài lòng lớn trước việc hai bên đã đạt được những mục tiêu rất xa trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là hợp tác năng lượng, phát triển bền vững.
“Đây thực sự là một cột mốc trong việc hợp tác giữa EU và khu vực, đặc biệt trong bối cảnh VN sẽ trở thành Chủ tịch ASEAN năm sau. Chúng tôi hy vọng qua đó sẽ mở rộng hợp tác của EU với khu vực ASEAN”, bà Malmstrom nhấn mạnh.
Bộ trưởng Stefan-Radu Oprea cũng nhấn mạnh về sự tin tưởng hai bên đã có được với nhau bằng việc ký kết được hiệp định này, nhưng cũng nhấn mạnh một điểm quan trọng rằng đây mới chỉ là khởi đầu, còn các DN mới là những người sẽ đầu tư, làm ăn với nhau và biến tất cả các tiềm năng từ hiệp định trở thành lợi ích.
Đây cũng là điều mà Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhắc đến nhiều lần: “Chúng ta đã có thuận lợi trong cắt giảm thuế quan, nhưng đây chỉ là khởi đầu. Thương mại thuận lợi sẽ mang lại những đóng góp to lớn cho xuất nhập khẩu, tăng trưởng có thể lên đến 20% ngay trong những năm đầu tiên và sẽ tiếp tục tăng lên. Nhưng ý nghĩa lớn hơn của các FTA là giúp VN có được những động lực và cơ sở pháp lý quan trọng để cải cách thể chế, tái cơ cấu hiệu quả nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh”. Bên cạnh đó, ông Trần Tuấn Anh cũng nhắc đến những “bài học cũ” mà VN phải rút kinh nghiệm trong hội nhập.

Vai trò nhạc trưởng

Trả lời Thanh Niên bên lề cuộc họp báo về những “bài học cũ”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết việc đầu tiên chúng ta cần làm là phải đưa được thông tin đến người dân và DN, vì một lần nữa, họ mới là người biến tiềm năng thành lợi ích. Vấn đề lớn thứ 2 là việc phối hợp thực hiện giữa các cơ quan, đặc biệt trong bối cảnh nhiều người cho rằng VN thiếu đi vai trò “nhạc trưởng” trong điều tiết hội nhập.
“Vai trò nhạc trưởng là của Chính phủ, Bộ Công thương làm đầu mối, phải đảm bảo có sự thống nhất trong nhìn nhận đánh giá và tổ chức thực hiện của tất cả các thành tố tham gia”, ông Trần Tuấn Anh nói và cho rằng “điều quan trọng hơn cả là chúng ta phải hiểu rằng mục tiêu cuối cùng hướng tới phải là người dân, DN, nên Chính phủ đang chỉ đạo cải cách bộ máy, thể chế để có môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch hơn, thông thoáng hơn, dự báo được hơn...”.
Điểm cuối cùng mà VN sẽ rút ra từ “bài học cũ” là việc tổ chức thực thi, hỗ trợ các DN trong xử lý tranh chấp. “Còn hàng loạt vấn đề để vượt qua các rào cản kỹ thuật và cả những tiêu chuẩn rất cao về sản phẩm, năng lực cạnh tranh gắn với thương hiệu. EU là một thị trường có tiêu chuẩn rất cao. Đó là điểm Chính phủ phải đồng hành, thậm chí đứng sau thúc đẩy DN, hướng dẫn, hỗ trợ DN, tạo ra một cơ chế tương tác 2 chiều”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Có đến 1.400 trang quy định

Nhiều lần nhấn mạnh EVFTA và EVIPA là các hiệp định thế hệ mới với các cam kết vô cùng mạnh mẽ, đặc biệt là những cam kết “phi truyền thống” như mua sắm công, cơ chế bảo hộ đầu tư hợp thông lệ quốc tế hơn thông qua hệ thống tòa án, đảm bảo nguyên tắc không phân biệt đối xử của cả hai bên với các DN của nhau, các lãnh đạo VN và EU đều nhấn mạnh những thách thức mà VN phải vượt qua trong việc tuân thủ các cam kết. Đó sẽ là những thông lệ hàng đầu thế giới về kinh tế thị trường, về bảo hộ đầu tư, về môi trường, về bảo vệ người lao động... mà VN phải tuân theo trong khuôn khổ hiệp định.
Trả lời câu hỏi của PV về “chế tài” nào VN sẽ phải chuẩn bị tinh thần để đối mặt nếu không tuân thủ được cam kết, bà Malmstrom nhấn mạnh mục tiêu lớn nhất của việc ký kết các hiệp định này là để tạo ra một khu vực tự do thương mại thuận lợi hơn, tạo ra “những điều có thể”.
“Tất nhiên, chúng ta cũng có đến 1.400 trang quy định những điều các bên phải tuân theo để chúng ta đảm bảo thực hiện đúng các cam kết, nhưng khi có những xung đột xuất hiện, chúng tôi cũng mong tìm giải pháp thông qua đối thoại hơn là trừng phạt”, bà Malmstrom nói và khen ngợi nỗ lực của VN trong việc phê chuẩn Công ước 98 của ILO về thương lượng tập thể và kế hoạch phê chuẩn 2 công ước còn lại (Công ước số 87 về quyền được tự do hiệp hội và quyền được tổ chức và Công ước số 105 về chống lao động cưỡng bức) trước 2023 của VN.

Kiểm soát chặt việc giả xuất xứ hàng Việt

Trở lại câu chuyện Tổng thống Donald Trump đã nhắc đến VN như một nước “lạm dụng” thương mại với Mỹ và nhiều quan ngại về việc hàng hóa nước ngoài giả xuất xứ VN để gian lận trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định: “VN đã có những biện pháp rất kiên quyết ngăn chặn chống lẩn tránh thuế, chuyển giá, tăng cường cơ chế giám sát việc chứng nhận xuất xứ từ VN”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.