Cao tốc thiếu trạm dừng

18/01/2024 04:06 GMT+7

Cao tốc và trạm dừng nghỉ lẽ ra phải đồng bộ, cao tốc đưa vào sử dụng thì trạm dừng cũng sẵn sàng đón xe, đón khách vào nghỉ ngơi sau một chặng đường dài di chuyển.

Thế nhưng mấy năm nay, trong khi cao tốc "chạy" khá nhanh thì trạm dừng vẫn ì ạch. Từ đó mới dẫn đến tình trạng tết này nhiều người vừa mừng vừa lo khi đường cao tốc về quê đã thông mà trạm dừng còn thiếu. Mừng vì có thể "chất" cả gia đình lên xe, chạy bon bon vài tiếng là về đến nhà. Không chỉ chủ động thời gian, phương tiện mà còn có thể ngắm quê hương một dải trên chặng đường quen mà lạ. Nhưng lo vì không có trạm dừng, đi "một lèo" quá dài với người lái đã cực thì trẻ em, người già chưa chắc chịu được.

Vấn đề cao tốc thiếu trạm dừng đã được nói đến lâu nay nhưng đến lúc này việc trạm dừng vẫn ì ạch đuổi theo cao tốc có nguyên nhân mang tính "lịch sử". Mấy năm trước, cao tốc của ta vừa ít, vừa chậm, các yêu cầu về môi trường, công nghệ cũng khác nên quy chuẩn về trạm dừng cũng khác. Còn hiện nay, theo Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành GTVT, đến năm 2040, từng bước hạn chế tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sử dụng trong nước. Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh; hoàn thiện hạ tầng sạc điện, cung cấp năng lượng xanh trên phạm vi toàn quốc đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Vì thế, quy chuẩn trạm dừng cũng thay đổi để đáp ứng yêu cầu này. Do đó, đến cuối năm 2023, Bộ GTVT vẫn còn đang lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Quy chuẩn quốc gia cho trạm dừng nghỉ đường bộ. Hiện bộ này cũng đã phê duyệt mạng lưới trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam, tổ chức đấu thầu mời thầu...

Biết vậy, nhưng cao tốc đã đi vào hoạt động thì trạm dừng phải tăng tốc để đồng bộ bởi đây là vấn đề liên quan đến an toàn, tính mạng của người dân. Chạy quá xa, quá lâu không được nghỉ ngơi sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng xử lý tình huống của tài xế cũng như nhu cầu giải quyết các vấn đề cá nhân, phương tiện... Chưa kể trong luật Đường bộ đang xây dựng, chính Bộ GTVT cũng muốn tài xế chạy đêm không quá 3 giờ để bảo đảm an toàn. Vậy nếu không có trạm dừng nghỉ, tài xế làm sao đáp ứng ?... Dẫn chuyện này để thấy, các quy định về đường bộ có liên quan mật thiết với nhau, cái này thiếu, chậm là ảnh hưởng đến việc thực hiện các quy định khác, không chỉ là trạm dừng - cao tốc.

Theo kế hoạch, năm 2024, sẽ có 14 dự án cao tốc được khởi công, chưa kể nhiều dự án giao thông trọng điểm khác cũng đã được phê duyệt, kéo theo nhu cầu trạm dừng càng trở nên bức thiết. Nhìn lại hiện trạng cao tốc cũ thiếu trạm dừng, cao tốc mới đưa vào sử dụng cũng thiếu trạm dừng, cao tốc sắp khởi công cần trạm dừng... Có thể nói, hệ thống cao tốc trên cả nước đang "nợ" gánh nặng trạm dừng rất lớn. Như nói trên, đây là vấn đề liên quan mật thiết đến an toàn, tính mạng của người dân. Chính vì thế, điều quan trọng nhất lúc này là làm sao để đẩy nhanh quy trình, thủ tục để "trả nợ" trạm dừng cho các cao tốc đã đưa vào khai thác và đồng bộ cao tốc - trạm dừng cho các dự án sắp tới một cách nhanh nhất, thần tốc nhất.

Thiết nghĩ, cao tốc - trạm dừng phải đồng bộ trong quy hoạch, thiết kế các dự án cao tốc chứ không phải tách riêng, quy hoạch riêng. Như vậy thì mới có thể cứ thông cao tốc là trạm dừng sẵn sàng phục vụ, không phải chạy đuổi "bở hơi tai" như hiện nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.