Cạnh tranh thời CM 4.0

15/10/2018 16:11 GMT+7

Taxi công nghệ, xe ôm công nghệ ập vào... thói quen tiêu dùng nhanh chóng thay đổi. Taxi truyền thống buộc phải thay đổi.

Đó là ví dụ rõ nhất cho thấy, trong cuộc cách mạng 4.0 được nhắc đến khắp nơi hiện nay, ai đứng lại là thua cuộc.
Công ty trung gian khó khăn
Không chỉ đứng lại, chỉ cần chậm chân, cũng bị loại ra khỏi đường đua. Đặc biệt là những lĩnh vực, ngành nghề trung gian. Đơn cử với ngành du lịchLà chủ một doanh nghiệp (DN) lữ hành lâu năm, ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Du lịch Viet Circle đánh giá ngành du lịch chịu tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0, đặc biệt là đối với bộ phận lữ hành trong hiện tại và cả tương lai. Lữ hành là kinh doanh trung gian, kết nối khách hàng với các dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, phương tiện di chuyển. Trước đây, khi thông tin khó tiếp cận, sản phẩm là 1 thứ vô hình đó dễ dàng bán được cho những khách cần công ty, với mức lãi suất tương đối tốt. Tuy nhiên ngày nay, khi tất cả các thông tin đều rõ ràng, cập nhật liên tục, các công ty lữ hành gần như bị “bỏ rơi”. Cộng với xu hướng khách thích đi theo nhóm nhỏ, tự túc, chỉ mua lẻ các gói dịch vụ, doanh thu, lợi tức mảng lữ hành giảm thê thảm.
“Du lịch thông minh là người khách đến người cung cấp sản phẩm trực tiếp gặp nhau, bỏ khâu trung gian. Khách có giá tốt, dịch vụ tại điểm đón được khách cũng tăng lợi nhuận, giảm chi phí, chỉ khúc giữa khó kiếm ăn. Đó là thay đổi về lĩnh vực du lịch thời 4.0” - ông Huê nhìn nhận.
Tất nhiên, cách mạng 4.0 cũng mang lại những lợi thế lớn cho các DN lữ hành. Rõ nhất là trong việc tiếp thị, quảng bá sản phẩm, dịch vụ tới khách hàng. Nếu trước đây chủ yếu qua truyền hình, báo in, các sự kiện như hội chợ, triển lãm thì nay có thể thông qua các trang mạng, các ứng dụng công nghệ... Xu hướng tiếp thị mới vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm vừa có độ lan tỏa nhanh, rộng.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đánh giá cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang tác động rất lớn trên tất cả mọi nền kinh tế, đặc biệt là tại Việt Nam - một trong những nền kinh tế mới nổi, đang phát triển. Công nghệ 4.0 đưa nhiều ứng dụng thay cho sức người. Những chương trình mới điều khiển sản xuất tự động qua máy tính, qua thuật toán kỹ thuật làm thay đổi quy trình sản xuất kinh doanh của các DN. Điều này thể hiện rõ nhất thông qua lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Sản phẩm đổi mới rất nhanh, từ cách phục vụ khách hàng đến quy trình thực hiện giao dịch, dịch vụ đều chịu tác động lớn từ công nghệ, rồi sự xuất hiện của đồng tiền kỹ thuật số (như bitcoin)… tất cả đều tương đối mới mẻ, làm thay đổi diện mạo của ngành tài chính, ngân hàng Việt Nam. 
Những hình thức cho vay online, ngang hàng ra đời... kết nối người có tiền và người muốn vay trực tiếp với nhau. Nhưng cũng đang phát sinh rất nhiều vấn đề khi có những nơi, lãi suất cho vay được đẩy lên tới trên 700%/năm. Nếu kiểm soát không được, hệ lụy là rất khó đo lường. 
Thay đổi hoặc chết
Trong cuộc cách mạng 4.0, DN là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp. Con đường duy nhất là thay đổi để thích nghi và phát triển. Minh chứng rõ nhất là cuộc xâm chiếm thị trường của các "ông lớn" gọi xe công nghệ như Uber, Grab. Loại hình dịch vụ hoàn toàn mới này không hề tốn nhiều thời gian để thay đổi thói quen tiêu dùng của người nội địa. Tiện lợi, giá cả phải chăng, ngay lập tức người tiêu dùng tự tìm tới. Trong bối cảnh đó, các DN taxi truyền thống buộc phải thay đổi mô hình quản trị, tự vận động áp dụng công nghệ, nâng cao chất lượng để cạnh tranh. Rõ ràng, trong sự vận động quá nhanh của xã hội, công nghệ, ai đứng lại người đó thua.
TS Nguyễn Trí Hiếu đánh giá rất nhiều DN Việt hiện nay còn sử dụng phương pháp kinh doanh và sản xuất cổ điển. Ví dụ ngành nông nghiệp. Có rất nhiều chương trình tự động hóa để điều chỉnh khí hậu, phục vụ canh tác, chăn nuôi, sản xuất nhưng nông dân vẫn chủ yếu canh tác theo hình thức cổ truyền. Một phần do họ chưa cập nhật được công nghệ mới, một phần do thói quen cố hữu ăn sâu cả nghìn năm, khó thay đổi. Diện tích canh tác quá nhỏ hẹp cũng cản trở việc áp dụng công nghệ mới.
Phân tích thêm một ví dụ về ngành dệt may, ông Hiếu nhìn nhận đây là ngành có thể dễ dàng áp dụng công nghệ trong sản xuất nhất nhưng vẫn còn rất nhiều cản trở. Nhiều hãng dệt may lớn đã áp dụng khoa học tiên tiến trong việc thiết kế, cắt may nhưng toàn ngành vẫn chỉ ở mức thủ công, thuộc quy trình sản xuất kỹ thuật thấp. Nguyên nhân do các DN chưa có đủ phương tiện, nguồn lực để chuyển đổi, đồng thời việc đào thải lực lượng lao động cũng là một bài toán khó.
Dệt may là ngành có thể dễ dàng áp dụng công nghệ trong sản xuất nhất nhưng vẫn còn nhiều cản trở Đào Ngọc Thạch
“Để đứng vững trong môi trường mới, với cuộc cạnh tranh khốc liệt từ các “tay chơi ngoại quốc” luôn nhăm nhe chiếm thị phần, đòi hỏi các DN Việt phải hiểu về những ứng dụng mới, thay đổi nhận thức, tầm nhìn, chiến lược, chấp nhận rủi ro để thích ứng với thực tế” - ông nói.
Người đứng đầu Viet Circle nhấn mạnh trước bất cứ sự thay đổi nào, bước chuyển mình của DN cũng phải dựa trên nền tảng của quản lý nhà nước. “Những ứng dụng kết nối dịch vụ tương tự Uber, Grab cũng đang ngày càng phát triển trong lĩnh vực du lịch. Vì thế từ quản lý nhà nước đến phương thức tiếp thị, chính sách khuyến khích, đào tạo nhân lực trong ngành… tất cả phải theo kịp thực tế. Nói rộng ra các ngành kinh tế khác cũng vậy, DN chuyển mình theo 4.0 thì nhà nước cũng phải theo kịp 4.0” - ông Hiếu nói.
Nhà nước phải là “người cầm trịch”
Ông Đỗ Hòa, chuyên gia tư vấn chiến lược và quản lý DN cho rằng cần cụ thể hóa khái niệm 4.0, xác định mục tiêu hướng tới trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối, tự động hóa hay ứng dụng công nghệ thông tin. Từ đó, xác định những DN thuộc từng lĩnh vực có đủ tiềm năng để phát triển cái gì, phù hợp để đầu tư vào loại hình công nghệ nào. Không nên gom tất cả lại thành 1 khái niệm “cách mạng 4.0” rồi mạnh ai nấy làm, không có định hướng, không tạo ra kết quả.
Khi có một thị trường lớn mạnh, nhà nước sẽ kiểm soát được không gian mạng, đó chính là điều kiện để DN, để nền kinh tế phát triển trong thời đại công nghệ. Hướng đi này được Trung Quốc áp dụng thành công khi mới mở cửa, Việt Nam cũng nên học tập
Chuyên gia chiến lược Đỗ Hòa

Ông Hòa phân tích: về mảng trí tuệ nhân tạo, cần xác định đây không phải là cuộc chơi của hầu hết các DN Việt vì nó đòi hỏi cơ sở dữ liệu, hệ thống đánh giá, thu thập dữ liệu tiên tiến, hiện đại mà DN Việt khó có thể đáp ứng được. Kết nối vạn vật cũng tương tự, Việt Nam chỉ có thể chờ thế giới ứng dụng vì khó khăn trong nguồn lực về mặt công nghệ, tiền bạc… không thể đi theo làn sóng đầu tiên. Về ứng dụng công nghệ thông tin, thực tế hiện nay cái gì làm được, các DN Việt cũng đã làm rồi. Đơn cử như từ khi có sự xuất hiện của các ứng dụng giao dịch như mô hình của Grab, Uber, Go-Viet nhiều DN trong nước cũng đã nhanh chóng xây dựng nên những ứng dụng công nghệ, học hỏi, áp dụng cái mới để cạnh tranh.
“Tuy mới chỉ dừng ở trình độ nhập môn, bắt đầu tìm hiểu nhưng rõ ràng hướng đi này có thể theo được thế giới. Một lĩnh vực nữa thuộc cuộc cách mạng 4.0 mà Việt Nam nên nói nhiều đó là tự động hóa, kết hợp cơ khí và sử dụng công nghệ thông tin để điều khiển tự động. Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp của Việt Nam còn yếu. Về lâu dài, lĩnh vực này vẫn cần ưu tiên phát triển vì không thể làm gì mà không có cơ khí. Cần tận dụng cơ hội để phát triển, tối ưu hóa sản xuất nông nghiệp cũng như các hoạt động gia công sản xuất khác” - ông nói.
Theo ông, thực tế hiện nay có rất ít DN Việt chủ động đi tìm những nơi viết phần mềm tự động vì chi phí lớn, rủi ro cao. Họ thường chọn những cái có sẵn từ nước ngoài nên các DN công nghệ của Việt Nam không có cơ hội để phát triển.
Vì thế, trong công cuộc thúc đẩy DN Việt, thúc đẩy kinh tế thời đại công nghệ hiện nay, nhà nước phải nắm vai trò tiên quyết. Đầu tiên, từng bộ, ngành phải có trách nhiệm phân loại, đặt ra bài toán cụ thể hướng đi của DN trong ngành mình phụ trách như thế nào, cần điều kiện gì, nên áp dụng những công nghệ gì, đánh giá nhu cầu… Từ đó, đặt hàng các công ty phần mềm, kết nối đơn vị cung ứng phần mềm với DN, đơn vị sản xuất, một mặt kết nối sử dụng, một mặt khuyến khích phát triển công nghệ cơ khí trong nước. Cụ thể như mở những hội chợ để người nông dân gặp gỡ những người cung ứng máy móc, thiết bị hiện đại; đặt hàng sử dụng công nghệ trong gia công giày da, kết nối với các DN sản xuất… Bên cạnh đó, có chính sách ưu đãi đối với những DN sử dụng ứng dụng phần mềm, công nghệ trong nước để khuyến khích thị trường tiêu thụ. Có cầu sẽ có cung, khi thị trường lớn lên nhà nước sẽ cắt phần hỗ trợ, ưu đãi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.