Cánh tay robot thông minh biết nấu ăn cho con người

Thu Thảo
Thu Thảo
28/09/2019 08:29 GMT+7

Đây là sản phẩm của hãng Shenzhen Yuejiang Technology, startup bốn năm tuổi ở Thâm Quyến ( Trung Quốc ) chuyên phát triển cánh tay robot thông minh.

Theo South China Morning Post, từ buổi đầu văn minh, con người đã cố gắng sử dụng công cụ thay đôi tay của mình để giúp cuộc sống dễ dàng hơn. Xu hướng này phát triển từ việc sử dụng muỗng, nĩa để ăn cho đến sử dụng robot ở thời hiện đại, cả trong công việc lẫn cuộc sống.
Hồi thập niên 1960, doanh nhân người Mỹ George Devol phát minh Unimate, máy móc được xem là robot công nghiệp đầu tiên. General Motors thì sử dụng máy để xử lý hàn và đúc. Cánh tay robot công nghiệp từ đó đến nay có chỗ đứng quan trọng, xuất hiện trong dây chuyền sản xuất nặng.
Song Liu Peichao, doanh nhân tốt nghiệp Đại học Sơn Đông ở Trung Quốc giờ đây muốn đưa cánh tay robot công nghiệp vào cuộc sống hằng ngày, xử lý những công việc đời thường. Shenzhen Yuejiang Technology do Liu thành lập năm 2015 chuyên tập trung phát triển cánh tay robot thông minh có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, từ viết thư pháp cho đến quét bơ lên bánh mì nướng.
Shenzhen Yuejiang Technology khởi động dưới dạng dự án tại nền tảng gây quỹ cộng đồng Kickstarter. Hãng huy động được 620.000 USD chỉ trong 50 ngày, theo Tân Hoa xã. Trong vòng gọi vốn năm ngoái, công ty nhận thêm 100 triệu nhân dân tệ, tương đương 14 triệu USD. "Chúng tôi bắt đầu với cánh tay robot thông minh và muốn bán nó cho các gia đình bình thường hệt như thiết bị gia dụng", ông Liu chia sẻ hồi đầu năm nay.

Liu Peichao đang "dạy" robot bằng cử chỉ

Ảnh: Handout

Một trong các sản phẩm của hãng là Dobot Magician, cánh tay robot có giá từ 10.000 nhân dân tệ đến 16.999 nhân dân tệ, tương đương từ 1.400 USD đến 2.400 USD đi kèm với hỗ trợ code cho người dùng. Dù cánh tay robot này chưa đủ tiên tiến để được sử dụng tại gia, nó vẫn xuất hiện trong trường lớp để sinh viên phát triển thêm theo nhiều cách khác nhau.
Một nhóm sinh viên đến từ Đại học Tokyo (Nhật Bản) cùng hãng Connnected Robotics chuyên giúp robot thích nghi với môi trường làm bếp đã phát triển cánh tay robot của Yuejiang thành máy làm bữa sáng. Hiện cánh tay robot này đang được thử nghiệm tại một khách sạn ở Nhật.
Shenzhen Yuejiang Technology không phải hãng duy nhất tập trung vào phát triển cánh tay robot. Hãng Ufactory ở Thâm Quyến cũng đang phát triển cánh tay robot desktop, thân thiện với người dùng rồi bán nó tại hơn 80 nước và vùng lãnh thổ. Cánh tay robot cho phép gắn nhiều loại cảm biến và thiết bị khác nhau. Đơn cử, nó có thể giữ máy sấy tóc giúp bạn sau khi bạn gội đầu.
Dù ngành công nghiệp này có nhiều hứa hẹn, giới chuyên gia trong ngành cho rằng cánh tay robot vẫn cần cố gắng nhiều để được người tiêu dùng chú ý. "Chúng hiện chủ yếu là đồ chơi, song lại phát triển nhanh đến mức thời điểm mà robot dịch vụ cất cánh trên thị trường tiêu dùng có lẽ không còn xa nữa", David Navarro-Alarcon, chuyên gia khoa Kỹ thuật cơ khí Đại học Bách khoa Hồng Kông cho hay.
Thị trường cánh tay robot toàn cầu trị giá 17,9 tỉ USD năm 2018, được dự báo đạt 39,2 tỉ USD năm 2024, theo hãng nghiên cứu TechSci Research. Trung Quốc đặt nhiều công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IOT) và robot vào trung tâm của nhiều kế hoạch nâng cấp công nghiệp nhằm trở thành cường quốc sản xuất số một thế giới vào năm 2025.
Hiện thị trường cánh tay robot do nhiều cái tên lớn về tự động hóa trên thế giới thống trị, chẳng hạn như tập đoàn Thụy Điển - Thụy Sĩ ABB, KUKA Robotics của Đức, Fanuc Corporation và Yaskawa Electric Corporation của Nhật. Xét về mặt ứng dụng, Trung Quốc là nước dùng nhiều robot công nghiệp nhất thế giới, theo sau là Nhật Bản. Năm 2018, Trung Quốc lắp đặt 154.000 đơn vị cánh tay robot mới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.