Cánh sóng mùa xuân... - Truyện ngắn của Vũ Thị Huyền Trang

Ông lão thức dậy mở đôi mắt đục ngầu màu mây, khói sóng. Khẽ chun mũi ông ngửi thấy mùi của gió xuân dìu dịu lẫn trong vị biển mặn mòi.

Có khi ông còn ngửi thấy cả mùi của nhụy hoa từ đất liền theo gió bay ra tận đảo. Chắc là trên bờ nhà nhà, người người đang tấp nập đón xuân. Cận tết những chiếc xe ô tô thường chở hoa từ nơi khác đến bày bán ở chợ huyện. Người mua thì ít người xem thì nhiều. Những người đàn bà da đen sạm, cả cơ thể còn tanh nồng mùi cá thích xúm vào ngó nghiêng những chậu mai vàng. Họ bảo nhau: “Giá có chậu mai này trưng tết thì hết sảy. Hoa đẹp nhưng đắt quá”. Ngắm mai xong họ tần ngần rút ra nắm tiền còn dính đầy vẩy cá mua một chậu hoa cúc vạn thọ “vừa đẹp vừa rẻ mà lại lâu tàn”. Nghĩ đến đó mắt ông bỗng nhòe đi vì nhớ vì thương hay vì gió sớm có lẫn vài hạt cát. Ông lần mò bước ra khỏi căn lều lụp xụp, ngửa cổ đón ánh nắng mặt trời. Qua đôi mắt mù lòa ấy ông vẫn thấy biển soi vào đáy trời trong vắt và nắng xuân đang đổ tràn xuống vai ông vị mật. Giá có thể thêm thắt vào khung cảnh này bóng dáng tảo tần của một người đàn bà thì hạnh phúc biết bao. Để vun vén chỗ này sắp xếp chỗ kia. Để đi ra đi vào đều kiếm chuyện càu nhàu ông không chịu cắt mái tóc rậm rịt, không chịu cạo bộ râu hôi hám, không chịu rửa chân trước lúc bước vào nhà nên cát rơi vung vãi khắp nơi. Thứ hạnh phúc ấy ông đã từng có được trong đời. Nhưng từ ngày người đàn bà ấy bỏ đi thì mùa xuân trong ông chỉ còn là ký ức.
Ông lần theo tiếng vỗ vào bờ của từng cánh sóng. Mũi ông ngửi thấy mùi biển. Trên vành môi như đọng những hạt muối li ti chưng cất từ biển cả, chúng bám cả vào bộ râu xơ xác của ông. Ngồi trên ghềnh đá ông hướng đôi mắt màu mây về phía đất liền. Từ đảo Gà Trống vào đất liền mất khoảng nửa giờ đi thuyền nhưng khi còn trai trẻ ông vẫn thường bơi vào bờ như loài rái cá. Bơi trong cơn nhung nhớ đất liền. Nơi có mái nhà liêu xiêu, những hàng dừa đổ bóng. Nơi có vại nước mưa uống mát lịm tim gan. Có khói bếp thơm mùi kho quẹt. Có hương tóc người con gái ông thương. Ông đứng lấp ló bên hàng rào nghe thấy tiếng nước người thương gội đầu. Tiếng dép lê loẹt quẹt. Tiếng nhắc mẹ vào nhà kẻo nắng. Tiếng gọi con chó nựng con mèo. Ông mê mệt giọng nói ngọt như mật mía. Cần gì phải nhìn thấy mắt biếc môi cười mới biết yêu thương. Ông yêu người con gái tên Thảo ấy từ mùa xuân năm mười sáu tuổi. Khi hai đứa đứng lơ ngơ cổng chợ bán những mớ lá dong. Chợ gần cửa biển gió lùa lạnh thấu xương. Thảo kéo ông ngồi vào một góc. Hai đứa ngồi sát bên nhau, Thảo thỉnh thoảng lại lấy tay xoa mạnh vào má ông hỏi ấm không? Ấm không? Rồi ngồi kể chuyện mới làm mẻ mứt gừng, mứt quất. Thảo nhường khách mua lá dong, nhường luôn cả chiếc khăn ấm cho ông. Chiếc khăn ấy ông mang theo mỗi chuyến đi biển dài ngày. Nhấp nhô giữa biển khơi mênh mông ông thường nghĩ về Thảo như nghĩ về bờ…
Nhà ông nghèo. Đàn ông trong nhà nhiều đời vẫn sống bám vào biển cả. Ông cũng theo cha lênh đênh sóng nước từ khi vừa kịp lớn. Ông yêu biển như yêu mẹ. Thèm rúc vào lòng biển như loài cá. Bơi lội và lặn ngụp. Trong một lần đi biển ông gặp trận sốt phát ban. Giữa biển mênh mông không thuốc thang ông mê man gọi mẹ. Lúc tỉnh dậy đã thấy ánh sáng bỏ đi, chỉ màu đen tối tìm đến vây quanh còn bên tai là tiếng gió biển rít từng hồi ghê rợn. Vậy mà ông vẫn yêu biển dù đôi lần oán trách biển đã giấu ánh sáng đời mình đâu đó. Cũng như trong trận bão cuối mùa đông năm ông mười bảy tuổi biển đã giấu luôn cả những người thân của ông xuống đáy sâu. Nỗi nhớ máu mủ ruột thịt cồn cào trong từng hơi thở. Ông vẫy vùng ôm biển vào lòng. Nước biển mặn như nước mắt mẹ. Lòng biển bao la như lòng mẹ. Tiếng sóng rì rào như lời mẹ hát ru. Những đầm ấm, sum vầy, yên ổn trên đất liền cũng không thể khiến ông nguôi biển.
Đã nhiều lần Thảo muốn níu ông ở lại. Nhà rộng quá mà chỉ có hai mẹ con Thảo nên buồn. Ông thêm thắt vào cảnh đơn chiếc ấy cái dáng vạm vỡ của một người đàn ông đi biển. Cuối năm sửa lại hàng rào, đốn cây trong vườn xếp từng chồng củi cao ngất ngưởng dành để nấu bánh chưng. Mấy chiếc chăn bông nặng quá, mỗi lần mang đi giặt giũ là cần có bàn tay người đàn ông sức vóc vắt cho khô nước. Nhà dột quá may có người trèo lên lợp lại. Thảo đứng dưới đất cất giọng ngọt lịm “dịch sang bên phải một chút anh ơi. Một chút nữa. Đúng rồi”. Bà cụ ngồi gói bánh chưng móm mém cười cảnh tượng ấy những mong cho đôi trẻ sớm tối sum vầy. Nhưng khi nồi bánh chưng mang luộc lại thì cũng là lúc chàng trai mù nhấp nhổm cho một chuyến ra khơi. Chủ tàu mới nhắn “nhổ neo chuyến đầu xuân lấy hên”. Tiếng biển sóng cứ ào ạt bên tai nên ông không nghe thấy tiếng Thảo thở dài. Hoa mai còn chưa rụng hết, vại dưa hành ăn vẫn còn cay, ngoài đường người ta vẫn còn đi chơi tết cơ mà. Có hỏi thì ông bảo “hải sản sau tết thường đắt mà lại ít tàu thuyền đánh bắt nên tranh thủ đi thôi”. Thảo nhìn trong đôi mắt bàng bạc màu mây của ông chỉ thấy nỗi nhớ biển cồn cào. Ông cười “mắt của người mù đâu có sóng em ơi…”.
Ông theo tàu đi biển lênh đênh trên từng cánh sóng. Mắt ông mù nhưng trời cho đôi tai để cảm nhận từng luồng cá. Có những đêm nặng lưới vì đón được đúng luồng cá lớn bơi qua, chủ tàu hả hê nâng rượu chúc mừng. Biển có lúc lặng yên cũng có lúc gầm gào. Nhưng trước những cơn giận dữ của biển cả ông không hề sợ hãi. Ở đâu đó trong từng con sóng luôn có bố mẹ, anh em ruột thịt của ông. Họ hộ mệnh chỉ lối dẫn đường cho tàu neo vào núi đá để tránh bão an toàn. Chủ tàu coi ông như người nhà như bùa may. Chuyến nào có ông đi là khoang tàu đầy cá. Những lúc rảnh rỗi nằm bên nhau anh em trên tàu chỉ thích nghe ông kể chuyện về biển cả. Không hiểu đó là những câu chuyện ông cóp nhặt trong cuộc đời đi biển? Hay những chuyện do ông tự nghĩ ra? Cũng có thể trong ông tồn tại một thứ giác quan đặc biệt có thể trò chuyện cùng muôn loài trong lòng biển cả. Nên với ông rong rêu cũng có nỗi buồn. Những con cá nằm phơi mình trong khoang tàu đều có câu chuyện riêng về cuộc đời vùng vẫy. Ông kể hấp dẫn đến mức người ta quên đi ranh giới giữa hiện thực và huyền ảo. Người ta tưởng như chính biển cả đang rì rào thủ thỉ bên tai. Người ta thấy cuộc đời lênh đênh trên biển không quá cô đơn, buồn tẻ. Những ngày về đất liền vì thế mà không còn thấy dằng dặc nữa.
***
Đảo Gà Trống trước kia chỉ là một hòn đảo hoang không người sinh sống. Vài chiếc thuyền thúng thỉnh thoảng ghé lại tránh những cơn biển động. Lúc còn bé ông hay theo cha lên đó hái những trái dừa mọc hoang. Có khi trải vài tấm ni lông phơi ít mực ít tôm cuối ngày sẽ quay lại lấy. Cũng có hôm mệt quá hai cha con ngủ quên trên đảo. Tỉnh dậy uể oải nhìn những cánh chim trời mải miết bay. Sau này khi không còn ai bên cạnh ông bỏ bờ dọn ra đảo sống. Hành trang mang theo không có gì ngoài mấy túi hạt giống rau mẹ để lại từ vụ trước. Ông dựng một cái lều nhỏ lấy chỗ chui ra chui vào. Hằng ngày ra biển đánh bắt cá, ít thì để ăn mà nhiều thì đổi gạo cho các tàu thuyền qua lại. Bữa ăn của ông thường chỉ có hai món cá và rau. Thỉnh thoảng cũng có thêm chút rượu nhấm nháp. Những lúc say ông thấy nhớ biển cồn cào. Dù ông đang ở ngay giữa biển đấy thôi, chỉ cần đi vài bước chân là có thể chạm thịt da mình vào từng cánh sóng. Ông nhớ biển đến mức cứ tầm bốn giờ sáng là thường tỉnh giấc. Ông đốt đống lửa to ngồi nghe sóng vỗ. Tàu thuyền nhìn thấy ánh lửa bập bùng là dậy rục rịch chuẩn bị ra khơi. Ông như con gà trống đơn độc báo canh. Ở trên bờ không biết Thảo có nhìn thấy quầng đỏ mập mờ hun hút ngoài khơi không nhưng lòng thì cồn cào thương xót. Bốn năm sau ngày ông ra đảo sống thì Thảo cũng ra theo. Mẹ già sau một đêm trở gió đã theo cha ngủ giấc ngàn thu, Thảo cũng chẳng còn gì tha thiết đất liền. Ở đâu có người thương thì ở đó là nhà…
Đảo Gà Trống bấy giờ đã không còn cô đơn nữa khi có hai mái đầu chụm vào nhau sớm tối. Ông thôi không đi tàu nữa chỉ quanh quẩn đánh bắt gần bờ. Sáng thức dậy đã có bát cơm nóng, có người chuẩn bị túi thức ăn đi biển. Có người dắt tay ra tận thuyền dặn dò. Có người đứng đó ngó con thuyền trôi lênh đênh trên biển mà thắt cả ruột gan. Người ta mắt sáng đi biển có khi còn không biết đường về. Huống hồ ông với đôi mắt màu mây mờ đục biết phương hướng nào mà chèo chống con thuyền? Biết người ở nhà bời bời ruột gan nên ông thường trở về khi trời chưa kịp tối. Cá đánh bắt được trở thành món ngon cho bữa cơm chiều. Thảo nấu ăn rất khéo, ngày nào cũng cơm canh đạm bạc mà vẫn thấy ngon. Bữa cơm nghèo leo lắt ánh đèn dầu. Họ thủng thẳng nói với nhau về hạnh phúc. Tiếng chó tranh xương cá xen ngang câu chuyện. Cái đài cũ tắc tịt từ bao giờ bỗng nhiên dò được sóng kêu lẹt xẹt. Khiến cả người lẫn chó đều giật mình im lặng vài giây. Một câu vọng cổ đột ngột vang lên khiến Thảo bỗng nhớ bờ. Mẹ Thảo ngày xưa thích mê vọng cổ. Những buổi chiều yên ả, mẹ thường ra ngồi ngoài hiên xem lũ trẻ con nô đùa. Những người đàn ông trở về từ biển, họ đi qua con đường trước nhà với tấm lưng trần bóng nhẫy mồ hôi. Cơ thể họ tỏa ra vị mặn mòi. Nụ cười họ mang tâm hồn của biển. Chiều nào họ cũng phủ một màn sương trong mắt mẹ. Cứ như thể vén màn sương ấy là thấy được trận bão biển năm nào đã cướp mất cha. Cảnh tượng ấy khiến Thảo không kìm được lòng mình nên lần nào cũng vờ bận bịu cọ vại dưa, dọn vỏ dừa, ôm củi chất thêm vào bếp. Ấy vậy mà trên đài còn da diết câu vọng cổ: “Cơn bão dữ đạp lên vùng biển/Cả bầu trời trùm phủ một màu lam/Gió lớn sóng to ào ạt ngập tràn/Gieo thảm họa điêu tàn trên quê biển...”. Tiếng ca buồn da diết. Thảo nghĩ về những người đàn ông của đời mình. Về biển. Về những thương yêu lẫn mất mát ở đời.
Đảo buồn quá. Những lúc chồng đi biển Thảo không biết làm gì cho hết ngày. Còn lại một mình với chó mèo, nói chuyện với chúng mãi cũng sợ mình lẩn thẩn. Nhiều hôm Thảo cứ ngồi lặng im nhìn vào bờ cho đến khi tiếng dừa rụng xuống mới giật mình thảng thốt. Mấy luống rau cứ ngày một còi cọc hơn. Lâu không mưa nước trong lu đã dùng gần hết. Ở đây gió biển thổi tứ bề da Thảo đã gần đen sạm mà mấy lọ kem dưỡng da đã dùng hết lâu rồi. Thảo thèm sắm quần áo mới. Thèm đi chợ tạt qua chỗ này một chốc chỗ kia một lát. Thèm rủ bạn đi thử màu son. Thèm nghe thấy tiếng người lao xao đâu đó. Thế mới biết không phải nơi nào có người thương thì nơi ấy cũng đủ đầy. Ra đảo sống Thảo mới thấy tha thiết bờ đến thế. Một buổi sáng mùa xuân Thảo nói muốn vào bờ mua ít lương thực và hoa quả ngày tết. Thảo bảo ông ngồi đợi mình dưới thuyền, chỉ vào chợ một lúc rồi về. Nhưng ông đợi hoài đợi mãi vẫn không thấy người đàn bà của mình quay trở lại. Hôm ấy nghe nói những chiếc xe chở đầy hoa tết kéo về chợ huyện. Bên sạp vải những tấm lụa đẹp nhất cũng được bày ra mướt mắt. Đàn bà đi chợ gặp nhau hay hỏi chuyện chồng con. Hỏi về những mẻ cá chất đầy trong khoang tàu và tiền thu về túi. Nếu ai hỏi chắc Thảo chẳng có gì để kể. Một ông chồng mù và chiếc thuyền rách bươm như chính căn lều trên đảo.
Ông quay lại đảo chuẩn bị một cái tết cho mình. Ngày ông Táo về chầu trời mưa rả rích. Cơn mưa kèm theo gió lạnh, biển bàng bạc một màu buồn. Ông ngồi trong lều nghe gió rít qua mái lá. Đốt một đống lửa nhỏ ngồi co ro trong chiếc áo bông ông ước gì có được hơi ấm cũ. Những cái tết có người đàn bà bếp núc còn biết tỏa hương. Mùi mứt gừng, mứt dừa tỏa ra hơi ấm xua tan cái lạnh. Mùi thịt kho tàu béo ngậy. Mùi hành phi xôi nếp thơm nức mũi. Mùi của ấm cúng trong mọi bữa cơm vợ chồng ngồi gắp cho nhau những miếng ngon. Trong buổi tối ngồi gói bánh chưng cùng nhau mà thứ gì cũng thiếu, lá chuối thay lá dong, dây ni lông thay lạt. Những đóa vạn thọ tỏa ra mùi nắng át đi thứ tanh nồng của đống lưới đánh cá phơi bùng nhùng trước nhà. Vợ giục chồng tắm tất niên, cạo râu đi cho thoáng. Chồng nói “để anh gội đầu cho. Có ít hoa bưởi khô mua rẻ được trên bờ em không đun nước gội để lâu hỏng mất”. Những ngày nắng cuối cùng trong năm ông vẫn đi biển còn vợ ở nhà giặt lại chiếu chăn. Đến manh áo cũ cũng biết thơm tho đón tết.
***
Tết năm nay ông có một cành mai là quà tặng của đoàn cán bộ tỉnh đi thăm chúc tết các gia đình trên đảo. Họ còn hứa hẹn năm mới sẽ xây tặng ông một ngôi nhà tình nghĩa. Nhưng ông từ chối “ở một mình tuềnh toàng vậy cũng vui”. Cành mai nhỏ đặt ở trước nhà đón xuân. Ông sờ từng nụ hoa mường tượng ra chỉ vài hôm nữa thôi sẽ bung nở những cánh vàng tươi như nắng mới. Đó là màu của ký ức tuổi thơ. Màu áo người ông thương ngày nào cũng xách xâu bánh toòng teng đi qua ngõ. Màu của sự đợi chờ mong ngóng gửi gắm trên từng cánh sóng. Cứ mỗi lần nghe thấy tiếng tàu thuyền sắp neo lại đảo là ruột gan ông cồn cào. Con đường từ căn lều nhỏ ra đến bờ biển ông đi lâu ngày thành quen. Vậy mà cứ có tiếng người í ới ngoài kia là nhiều khi vừa đi vừa vấp. Người khác tưởng ông sống lâu trên đảo nên thèm tiếng người. Người thì nghĩ ông mong tàu thuyền ghé lại để đổi ít nước ngọt, mua vài chục cân gạo hay chờ người ta cho vài thùng mì tôm, vài bộ quần áo ấm. Nhưng không, ông chỉ mong ngóng một người. Người mà ông thương. Người đã từng vì ông đến đảo rồi vì đảo mà rời xa ông. Người biết biến căn lều rách nát thành mái ấm. Ông vẫn mong một ngày nào đó Thảo của ông sẽ quay trở lại.
Chiều ba mươi tết ông thay quần áo, châm ba nén nhang ra khấn trước sân nhà. Không có bàn thờ, không mâm ngũ quả cũng chẳng có cỗ đầy. Mọi thứ đều mênh mông, trên là trời xanh dưới là biển cả cứ thế mà vái vọng bốn phương. Trong một khoảnh khắc nào đó ông thấy mình là vị chúa đảo bé nhỏ và đơn độc. Vái ba vái cúi lạy đất trời ông tưởng như trong tiếng sóng có lời đáp lại. Biết đâu đó là lời của cố nhân nhắn nhủ. Hoặc biết đâu những cánh sóng khấp khởi vui mừng vỗ dưới thân tàu đang hướng về Gà Trống. Tàu rồi sẽ cập bờ. Người ông thương sẽ bước chân xuống đảo mang theo những hạt giống mùa xuân gieo trên mảnh đất khô cằn…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.