Cảnh sát trẻ chống lừa đảo

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
09/06/2020 07:55 GMT+7

Đội phòng ngừa, đấu tranh và hướng dẫn điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao hiện đã có 8 cán bộ, chiến sĩ, tất cả còn rất trẻ (trung bình dưới 30 tuổi), chủ yếu là nam và chỉ duy nhất 1 nữ.

“Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, những thủ đoạn tinh vi của các băng nhóm hacker ở Quảng Trị đã lần lượt được bóc tách. Trong đó, rất nhiều vụ án, là cuộc đấu trí không khoan nhượng của những cảnh sát trẻ tuổi, được đào tạo bài bản về kỹ chiến thuật “chiến đấu trên không gian mạng”...

“Cắm đầu vào... điện thoại”

Đội phòng ngừa, đấu tranh và hướng dẫn điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao và có yếu tố nước ngoài thuộc Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Quảng Trị) chỉ mới thành lập từ tháng 3.2017. Từ 5 cán bộ, chiến sĩ, hiện đã lên con số 8, tất cả còn rất trẻ (trung bình dưới 30 tuổi), chủ yếu là nam và chỉ duy nhất 1 nữ. Tất cả đều được đào tạo bài bản, chính quy từ trường lớp và trui rèn bản lĩnh sống, hoạt động trên internet…
Nói ra thì hơi oan nhưng bề ngoài của những cảnh sát công nghệ cao này khá giống với các... con nghiện game. Người ta sẽ dễ dàng bắt gặp các bạn cắm đầu vào chiếc điện thoại hay chiếc máy tính xách tay ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào: ở trụ sở làm việc, quán ăn, quán cà phê... Họ có cách làm việc khác hẳn bất kỳ đơn vị nghiệp vụ nào của lực lượng công an.
“Tụi mình ôm điện thoại nhưng không đơn thuần là đang chơi game hay chát chít nhảm nhí đâu. Làm cảnh sát công nghệ, muốn tóm được tội phạm công nghệ, phải hiểu chúng, trước hết là phải hiểu trò chơi, quy luật trò chơi mà chúng tham gia. Không chơi game, không chát chít làm sao hiểu được chúng đang nghĩ gì, làm gì... để vây bắt?”, thượng úy Nguyễn Phi Hùng, một thành viên của đội, chia sẻ.
Chưa hết, hoạt động của đám hacker rất… quái đản, thường thức khuya, hoạt động kín, buộc các trinh sát theo dõi loại tội phạm này cũng phải “ăn, ngủ” cùng nhịp sống của chúng.
Cảnh sát trẻ chống lừa đảo1

Những cảnh sát trẻ thường xuyên làm bạn với máy tính, điện thoại để tác chiến trên không gian mạng

“Chuyện ngày ngủ, đêm làm với bọn mình là bình thường. Nhiều đêm thức lần theo vết đối tượng, chỉ thèm một giấc ngủ như bao người”, trung úy Nguyễn Thị Thủy Tiên (23 tuổi), em út và cũng là nữ duy nhất của đội, kể.
Bản thân thiếu tá Trần Lê Hải, nguyên đội trưởng của đội và chỉ vừa được bổ nhiệm là Phó phòng Cảnh sát hình sự phụ trách trực tiếp mảng tội phạm công nghệ cao, cũng còn trẻ (37 tuổi). “Loại tội phạm của chúng tôi đeo bám là tội phạm ẩn, phi truyền thống, dấu vết để lại của chúng là những dữ liệu điện tử. Chính vì thế, công việc đòi hỏi người tham gia đấu tranh với loại tội phạm này cần có những năng khiếu nhất định để tiếp cận với công nghệ mới...”, anh Hải nói.

Đánh sập nhiều băng nhóm

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, thiếu tá Trần Lê Hải cho rằng dù việc lừa đảo qua mạng phức tạp và ngày càng phổ biến nhưng tại địa phương, lực lượng chức năng đã xác định được thủ đoạn chính mà loại tội phạm này sử dụng để lừa tiền người khác trên mạng.
Chiêu đầu tiên cũng là chiêu đơn giản, sơ khai và phổ biến nhất chính là việc chúng đánh cắp, mạo danh Facebook người khác để lừa người thân, bạn bè của người này chuyển thẻ cào, chuyển tiền…
“Cách thực hiện hành vi này cũng đơn giản, không đòi hỏi người thực hiện phải có hiểu biết sâu về công nghệ mà chỉ cần biết các mẹo vặt để đưa con mồi sập bẫy. Điểm đáng chú ý là chúng lục lọi lịch sử trò chuyện, đánh giá mức độ thân thiết của chính chủ với nạn nhân rồi “diễn” cuộc trò chuyện như thật và cuối cùng là viện ra một số lý do (nhà mạng hôm nay khuyến mãi, đang chơi game lỡ tay…) để lừa người bạn của chủ tài khoản (thật) mua dùm card điện thoại, chuyển tiền”, thiếu tá Hải nói.
Chiêu thứ hai, theo thiếu tá Hải, hiện đang rất “thời thượng”, phổ biến khi các đối tượng vờ mua, bán hàng qua mạng để chiếm đoạt tiền sau khi đột nhập vào tài khoản của chính chủ. Thiếu tá Hải dẫn vụ việc của Nguyễn Quang Hiệp (21 tuổi, trú thôn Cổ Thành, xã Triệu Thành, H.Triệu Phong, Quảng Trị) sa lưới vào giữa năm 2019 là ví dụ. Cụ thể, Hiệp sử dụng Facebook Thu Lieu Pham tìm những Facebook bán hàng trên mạng rồi đặt mua. Sau đó, Hiệp lấy lý do mình đang ở nước ngoài nên nếu nạn nhân muốn nhận tiền thì đăng nhập vào website, điền các thông tin của tài khoản ngân hàng (số tài khoản, mật khẩu, mã OTP)… Có 1 nạn nhân tên Facebook là Hằng Túi sập bẫy, bị Hiệp chiếm đoạt tài khoản, chuyển 450 triệu đồng từ trong tài khoản người này về tài khoản của Hiệp.
Cảnh sát trẻ chống lừa đảo2

Bị bắt bớ, bị xét xử nhưng nhiều game thủ ở Quảng Trị vẫn đi theo con đường lừa đảo để sa vào vòng pháp luật

ẢNH: THANH LỘC

Chiêu mới nhất được lực lượng cảnh sát công nghệ cao Công an Quảng Trị phát hiện chính là kêu gọi “bình chọn Giọng hát hay”. Hai thanh niên vừa bị “sờ gáy” với chiêu này là Nguyễn Lâm Thế Vinh và Lê Anh Huy (cùng 25 tuổi, trú H.Triệu Phong). Tài liệu điều tra cho hay cả hai lập website có tính năng thu thập thông tin Facebook người dùng và sử dụng ứng dụng Weebly để quản trị website, quản lý thông tin đăng nhập tài khoản Facebook bằng hình thức sử dụng đường link có nội dung bình chọn “Giọng hát Việt”. Nhiều người đã truy cập vào đường link này rồi đăng nhập tên, mật khẩu để bình chọn thì bị Vinh và Huy chiếm đoạt tài khoản Facebook. Sau khi chiếm đoạt được tài khoản Facebook, Vinh và Huy thay đổi mật khẩu rồi sử dụng để nhắn tin mượn tiền bạn bè, người thân các nạn nhân…
Chỉ có điều, dù các hacker lần lượt sa lưới nhưng loại tội phạm này đang có xu hướng tăng tại Quảng Trị. Nhận định của cơ quan chức năng, thậm chí tại một số địa phương như TX.Quảng Trị và H.Triệu Phong, đã trở thành những “điểm nóng”…
“Ban đầu, chúng chỉ là mê game, nhưng khi sinh hoạt bầy đàn trong tiệm net, chúng bắt đầu dạy cho nhau những chiêu lừa trên mạng. Đứa này thấy đứa kia làm được cũng tập làm theo. Bản chất tò mò cùng với việc có được thẻ game, tiền… từ trên trời rơi xuống đã thúc giục chúng lấn sâu vào những phi vụ lừa với tang vật lớn hơn”, thượng úy Hùng cho biết.
Trong khi đó, thiếu tá Hải lộ vẻ mặt buồn bã khi nói rằng anh thực sự tiếc cho những… tài năng lạc lối. “Tôi đã cùng đồng đội trực tiếp bắt giữ rất nhiều hacker, trong số đó có nhiều đứa rất… siêu, có thể nói trình độ công nghệ vượt xa chúng tôi. Chúng chỉ sa lưới vì cần tiền làm liều, trong khi chúng tôi mai phục chờ thời cơ trong một thời gian dài. Đôi lúc tôi nghĩ giá như tài năng đó mà sử dụng đúng nơi, đúng chỗ thì sẽ tốt biết bao”, thiếu tá Hải nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.