Cảnh sát Mỹ liên tục bị chơi khăm

24/03/2015 14:30 GMT+7

(TNO) Cảnh sát Mỹ đang phải đối mặt với hàng loạt vụ chơi khăm gọi vào đường dây nóng báo tin giả về xả súng giết người hàng loạt, đe dọa đánh bom...

(TNO) Cảnh sát Mỹ đang phải đối mặt với hàng loạt vụ chơi khăm gọi vào đường dây nóng báo tin giả về xả súng giết người hàng loạt, đe dọa đánh bom...

Ca sĩ nhạc rap Lil Wayne - Ảnh: Reuters
Cảnh sát thành phố Miami nhận được cuộc gọi “tự thú” rằng ông ta đã bắn chết bốn người tại nhà của ca sĩ nhạc rap Lil Wayne trong tháng này và dọa: “Tôi sẽ giết chết bất kỳ ai tôi nhìn thấy”, theo AFP ngày 24.3.
Ngay lập tức, lực lượng cảnh sát được trang bị tận răng đã có mặt tại hiện trường, bao vây căn nhà ở thành phố Miami (bang Florida).
Nhưng cảnh sát không thể tìm thấy tay súng nào, cũng chẳng có nạn nhân thiệt mạng. Lil Wayne cũng không có ở nhà.
Lil Wayne là mục tiêu của trò chơi khăm, một hiện tượng ngày trở nên phổ biến ở Mỹ, làm đau đầu cơ quan chức năng. Những người thực hiện trò chơi khăm thường tạo ra một hoàn cảnh gây cười hay đáng sợ ở nơi công cộng để thu hút sự chú ý người xung quanh và đặt camera quay lén, ghi âm rồi tung lên mạng.
Trò chơi khăm này hiện biến tướng thành “phiên bản” nguy hiểm hơn là gọi điện thoại nặc danh cho cảnh sát, tung tin giả về các vụ rắc rối hay một tình huống khủng hoảng, theo AFP.
Không chỉ riêng vụ chơi khăm "xả súng ở nhà Lil Wayne", lực lượng đặc nhiệm Đội Chiến thuật và Vũ khí đặc biệt (SWAT) của Mỹ thời gian qua đã bị chơi khăm nhiều lần với những vụ việc tương tự.
Bình luận về vụ Lil Wayne trên mạng xã hội Twitter, cảnh sát Miami cho biết: “Đây là một cuộc gọi chơi khăm. Không nạn nhân/không thương vong/không đối tượng tình nghi tại đại chỉ 94 LaGorce”.
Các nhân viên FBI trong một vụ bố ráp tội phạm - Ảnh: Reuters
Lil Wayne không phải là người nổi tiếng duy nhất trở thành nạn nhân của những trò chơi khăm. Các ngôi sao như Justin Bieber, Rihanna, P. Diddy, Justin Timberlake, Tom Cruise và Miley Cyrus cũng từng bị chơi khăm. Những kẻ chơi khăm cũng nhắm vào các chính trị gia, nhà báo và các trường học.
Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) cho biết vụ chơi khăm cảnh sát lần đầu tiên được ghi nhận vào năm 2008, và kể từ đó, "trò" này trở nên phổ biến ở Mỹ. FBI ước tính có khoảng 400 vụ chơi khăm cảnh sát hàng năm.
Cảnh sát Mỹ xem "trò chơi khăm" là một hành động tội phạm nguy hiểm và có thể để lại hậu quả nghiêm trọng, đe dọa sự an toàn của người dân, AFP dẫn một thông cáo của FBI.
Cảnh sát Mỹ rất chật vật truy tìm những kẻ gọi điện thoại chơi khăm những người này sử dụng phần mềm giả giọng, thực hiện cuộc gọi trên mạng từ những trang web không thể truy vết.
Một số quan chức Mỹ đã kêu gọi tăng cường hình phạt những kẻ chơi khăm nặng hơn luật hiện hành. Vào năm 2009, Matthew Weigman (19 tuổi) lãnh án 11 năm tù vì tổ chức một số vụ chơi khăm.
Hồi tuần rồi, nữ phát thanh viên Pháp Enora Malagre trở thành nạn nhân của trò chơi khăm khi một kẻ chơi khăm gọi điện báo cảnh sát rằng ông ta đã đâm Malagre và dọa sẽ bắn cảnh sát, theo AFP.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.