Cảnh giác với 'cổ vật' bằng đồng: Đủ chiêu trò giả cổ

31/01/2019 10:10 GMT+7

Đào bới từ các công trình lên mớ đồ đồng giả cổ đánh lừa gia chủ chỉ là trò bịp của đám thợ rẻ tiền, non tay nghề, giới buôn đồ đồng cổ thực thụ còn sở hữu nhiều chiêu trò khủng hơn.

Dòng đồ đồng ở văn hóa Đông Sơn, Hán - Việt, với niên đại từ hơn 2.000 năm trước luôn là tâm điểm của giới sưu tập đồ đồng cả nước bởi giá trị thị trường và vẻ đẹp tuyệt mỹ trong chế tác. Bởi cao giá nên đồ giả, đồ chế xuất hiện tràn lan. Thạp đồng Đông Sơn vỡ nát, mục vụn được dựng lại như ban đầu; trống Đông Sơn chỉ còn mỗi phần mặt được độ chế hoàn hảo, bụng khắc đầy hoa văn không khác hiện vật nguyên bản… Thế giới cổ vật đồ đồng này là mê cung với những cạm bẫy luôn chực chờ “xẻ thịt” người tay ngang mới vào nghề.

Giăng bẫy với đồ đồng giả

Điểm lại những tay buôn cổ vật đồ đồng danh tiếng của VN, hầu hết đều đến từ Thanh Hóa. Nguyên do đây từng là cái nôi của dòng đồ đồng Đông Sơn, với rất nhiều hiện vật như: lục lạc, bao tay, rìu, lưỡi cày, liềm, dao găm, thạp, thố, trống, vò, lư… được lấy lên từ lòng đất sau những đợt càn quét của đội quân mang máy rà kim loại săn đồ đồng cổ. Giới buôn từ vùng này dần vững nghề, từ sửa - phục chế đồ, cho đến làm đồ đồng giả cổ bung ra thị trường cả nước.
Lư Bảo Quốc (ngụ KP.3, P.Tân Biên, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết anh vừa được giới thiệu mua bộ đồ đồng có triện đề Càn Long niên chế và Tuyên Đức niên chế gồm hồ lô, hai con lân và một tượng Di Lặc ôm cá chép, do nhóm thợ hồ đào lên từ công trình sửa nền nhà. Tôi xuống Biên Hòa để xem đồ. Khi tôi hỏi, có phải người bán là thợ công trình từ Thanh Hóa không? Quốc giật mình: “Chính xác, sao ông biết?”. Nhiêu đó thông tin cũng đã đủ khẳng định đây là mớ đồ giả với bài lừa quen thuộc như đã nêu ở bài trước. Đến khi mục sở thị, tôi vờ chê đây chỉ là đồ thường, không phải đồ sâu tuổi và muốn tìm món đồ đồng giá trị hơn. Thợ hồ tên Tuấn đầy nhiệt tình bảo: “Em có ông bác cùng quê, có mấy món đồ đồng nghe bảo vài nghìn năm đang muốn bán…”.
Bộ đồ đồng từ nền móng nhà ở KP.3, P.Tân Biên, Biên Hòa khi mới đào lên và được làm sạch
Nói rồi Tuấn gọi luôn ông bác để tả sơ về mấy món đồ đồng, hóa ra là cặp đầm xòe, một cái thạp Đông Sơn, một hũ Hán nắp đắp hình thú. Nghe qua đều là cổ vật giá trị, ước tính giá thị trường phải trên 500 triệu.
Cuộc hẹn ngay chiều cùng ngày. Sau một hồi loanh quanh, vào Bình Chiểu, ra khu dân cư Quân đoàn 4, qua những con hẻm như ma trận cuối cùng cũng đến được điểm hẹn.
Giữa căn phòng tù mù là ông Sáu, chừng 60 tuổi đợi sẵn. Thấy khách nôn nóng muốn xem đồ ngay, ông Sáu thủng thẳng bảo uống chén trà, rồi rà chuyện chơi đồ cổ lâu chưa? Nhà có món đồ đồng nào giá trị không? Nghe khách nhiệt tình khai báo mới tập chơi, đọc sách, lên mạng, không quen biết ai, khổ hơn nữa là chưa tìm được món ưng bụng vì trong nam không nhiều đồ đồng Đông Sơn như ở bắc. Nghe vẻ con mồi thật thơm, ông chủ khệ nệ bưng ra bốn món đồ đồng phủ một màu xanh lục, cũ kỹ, đặt lên bàn rồi hót: “Thấy cậu trẻ, ham đồ, lặn lội từ thành phố xuống tận đây, nên tôi biết gì thì nói thêm để cậu học hỏi. Đồ này quý và rất hiếm vì có khắc hình nhà, chim hạc, hình người, bông lúa, chân lại là đầu thú. Còn cặp đầm xòe (bình đồng có dáng như người mặc váy đầm) đồ Hán này, hiếm gặp cả đôi, lại nguyên nắp, nguyên xích… Chốt giá 170 triệu”.
Cận cảnh con kỳ lân giả cổ chưa qua làm cũ ở một tiệm bán đồ đồng vỉa hè trên đường Lê Công Kiều
Khách ngần ngừ, xin chụp hình đem về nghiên cứu thêm, ông chủ đổi giọng lập tức: “Nói cậu biết vì là chỗ thân tình nên mới cho xem, chứ gặp bọn con buôn vớ vẩn còn lâu mới có cửa. Không chụp hình chụp hiếc gì cả, mua được thì mua. Chụp hình lại quăng lên mạng để bọn dở người bàn ra tán vào, rách việc”. Lấy cớ không đủ tiền cầm theo, khách thoái lui.

Thật mà giả, giả mà thật

Đem chuyện đi xem đồ đồng với các bậc cao niên sưu tầm đồ cổ, các bác cười xòa, bảo rằng đây là mấy chiêu cũ rích nhắm vào người chơi mới. Giản đơn nhất có bài đào lên đồ cổ từ trong nhà, đều là đồ giả, rẻ tiền. Cao tay hơn là rủ người sưu tầm ra tận ruộng đồng, ra bãi, lấy máy rà kim loại phát hiện vị trí, sau đó đào tận mắt, moi lên những món đồ đồng tinh xảo thời Đông Sơn, Hán - Việt giả cổ, rồi bán với giá thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực, người mua gần như tin tưởng tuyệt đối, bởi đích thân hiện diện từ công đoạn rà vị trí, đến khi đào đồ lên, thật khó nghĩ đó là đồ giả. Thường những chỗ đào đồ lên cỏ mọc um tùm, cây cối rậm rạp, địa hình hiểm trở, bởi dân gài đồ đã chôn hiện vật ở đó vài ba năm mới giở bài lừa để hạ người chơi mới. Chuyện đi đào cũng được sắp xếp lén lút, dân gài đồ đợi đêm xuống mới hành sự để tăng tính ly kỳ. Chưa kể,họ còn viện dẫn luật Di sản rằng đồ đào lên nếu bị phát hiện sẽ phải giao nộp nên việc mua bán diễn ra trong đêm, tâm trạng vội vã, thế là không ít người chơi tốn tiền rước về toàn đồ đồng đểu.
Chiêu lừa đẳng cấp hơn là mua lại các hũ, thạp đồng Đông Sơn không hoa văn với giá rẻ, sau đó khắc lên cốt đồng những hoa văn độc đáo. Nhìn cốt thấy đúng là đồ thật, hoa văn đẹp, lạ, người chơi mua ngay. Một cái thạp trơn, giá chưa đầy chục triệu, nhưng qua vài ngày độ chế hoa văn, lên giá trăm triệu là chuyện thường. Một người buôn ở Lê Công Kiều (Q.1, TP.HCM) tiết lộ cách xác định vết khắc mới chỉ cần dùng kính lúp, sẽ thấy ngay đường nét rất sắc, mảnh. Trong khi vết khắc nguyên thủy đã bị ô xy hóa, đường nét mờ hơn, và hiển nhiên bám dày màu thời gian hơn.
Chuyện khắc hoa văn mới vào cốt đồng trơn vẫn còn… nhân đạo, bởi thợ phục chế đồ đồng cổ ở Thanh Hóa còn có biệt tài dựng những mảnh đồng vụn thành các tác phẩm hoàn chỉnh về kiểu dáng, màu sắc lẫn hoa văn, họa tiết. Các mảnh vụn được dựng vào bộ khung, sau đó làm liền lạc bằng keo, trộn với ngay bột đồng xay ra từ đồ cổ nên nếu có thẩm định, sẽ thấy đây đúng là đồ thật, nhưng không phải là đồ nguyên bản (tất nhiên giá bán lợi hơn rất nhiều so với việc chỉ bán mảnh vụn từ đồ đồng cổ).
Với chiêu đồ dựng này, nếu xác định là đồ giả thì không hẳn, đồ thật cũng không xong. Chỉ có điều, trong giới chơi cổ ngoạn, những bài học đắt giá khi mua phải đồ giả cổ, đồ cổ chỉnh sửa với giá mắc, chả ai dám tiết lộ cái ngu phí của mình. Bởi khi ngộ ra bị lừa, thường ôm bụng, chờ bán cái ngu ấy cho những kẻ ngu hơn, hòng… gỡ vốn.
 

Dùng a xít tạo màu thời gian

Bốn món đồ đồng thuộc văn hóa Đông Sơn và Hán - Việt của ông Sáu, không khó để khẳng định ngay đấy là đồ giả, bởi đường nét, hoa văn rất sắc sảo và hoàn hảo, thiếu yếu tố thời gian. Trong khi một món đồ Đông Sơn thật hiếm khi vẹn toàn, bởi qua hơn 2.000 năm dưới lòng đất, kiểu gì cũng có chút khiếm khuyết.
Cạnh đó, khi cầm xem cận hơn, mùi tanh a xít đã xộc lên rợn gai ốc. Trong dòng đồ đồng, khi mông má thành giả cổ, dân chế biến hay dùng a xít tạo màu thời gian, giúp bề mặt phân hủy nhanh, mục cốt, màu vàng đồng biến mất, thay vào đó là màu xanh như được lên “ten” qua hàng thế kỷ. Nhưng để ý kỹ sẽ thấy ten xanh ấy chỉ là bề nổi, chùi sơ dễ bong tróc, trong khi một món đồ đồng lên ten tự nhiên theo phong hóa thời gian, có độ bóng, độ sâu mà đồ mới không thể có được.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.