• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
Bạn cần biết Tiện ích Liên hệ
Theo dõi báo trên
Tận hưởng

Cảnh đẹp ở xứ Tam Kỳ

29/08/2016 07:32 GMT+7

Vùng đất Tam Kỳ, thủ phủ tỉnh Quảng Nam không quá nhiều địa điểm tham quan du lịch nổi tiếng. Nhưng nếu để chọn khi đến đây, bạn nên đến viếng tượng đài Mẹ Thứ và ngắm nhìn khung cảnh đẹp đẽ của hồ Phú Ninh.

Bài: Thanh Lê - Ảnh: L.M.Hạ

 

Trong lần đến xứ Quảng Nam chưa mưa đã thấm này, với thời gian khá ngắn ngủi lưu lại Tam Kỳ, Quảng Nam, tôi chọn cho mình 2 điểm đến cần phải đi. Đó là tượng đài Mẹ Thứ, một là nơi tham quan mới gây chú ý từ khi mới khởi công xây dựng  và một là hồ thủy điện Phú Ninh, một điểm đến nổi tiếng từ lâu của xứ này.

 

Đẹp như tượng đài Mẹ Thứ

Tượng đài Mẹ Thứ cao 18m, dài 120m, làm bằng đá hoa cương, nằm trên đỉnh núi Cấm, thuộc xã Tam Phú, cách trung tâm thành phố Tam Kỳ chừng 7km. Đỉnh núi Cấm được bạt, san phẳng để làm khu quảng trường rộng mênh mông. Tôi đến thăm tượng đài Mẹ Thứ từ khá sớm hòng mong tránh bớt phần nào cái nắng miền Trung. Nhưng dù nằm giữa rừng núi, mới 7h30 sáng ở khu tượng đài đã chang chang nắng, quá thiếu bóng cây xanh.

 

20160809 073503

Tượng đài Mẹ Thứ được tạc rất sống động thần thái đặc trưng của bà mẹ miền Trung

 

Tôi và những người bạn đồng hành đều cùng tấm tắc, tượng đài Mẹ rất đẹp, dựa trên nguyên mẫu Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ, quê ở xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, có 11 người con và cháu là liệt sĩ. Có dịp đi nhiều nơi, đây có lẽ là một trong những pho tượng đài ngoài trời đẹp nhất trên xứ Việt mà tôi được tận mắt nhìn ngắm. Và tôi thật sự bị vẻ đẹp của tượng thu hút chứ không phải là vì được giới thiệu đây là tượng đài lớn nhất Đông Nam Á. Chân dung mẹ quá đẹp, dù nhìn trực diện hay nghiêng. Khen ai đã khéo tạc rất sinh động hình ảnh đặc trưng mà nhìn vào là biết ngay bà mẹ miền Trung chứ không phải là của miền nào khác. Khen ai khéo phác thần thái mẹ, không phải Điện Bàn, Tam Kỳ, Duy Xuyên, Tiên Phước… mà rất bỏm bẻm nhai trầu “Quảng Nôm”, vẻ mặt hiền từ thể nào cũng bắt gặp nếu chịu khó lội vô xóm làng miền Trung, khi ngồi bậu cửa khua gậy đuổi gà, hay lom khom nhổ cỏ hái cà ngoài ruộng.

Hai bên tả hữu tượng là những vách núi hình cánh cung cách điệu lồng ẩn những hình ảnh những người con đã hy sinh của mẹ Thứ. Ngay trong lòng khối đá hoa cương hình cánh cung dài 120 m là nhà bảo tàng các mẹ Việt Nam anh hùng có tổng diện tích 397m2. Hôm tôi đến hai cánh cổng dẫn vào trong lòng tượng đài đều khóa kín. Có lẽ người ta chưa làm xong?

Chỉ tiếc là khi thi công đến lúc khánh thành, công trình này đã bị báo chí và dư luận bàn tán xôn xao vì con số kinh phí quá khủng để thực hiện (441 tỷ đồng) quá lớn so với một tỉnh nghèo như Quảng Nam. Kinh phí này là bao gồm tất cả các hạng mục công trình quanh tượng đài. Điều này khiến người ta quên đi vẻ đẹp vốn có của tượng đài. Điều đáng tiếc nữa là lan can, giậu hoa, giá để vòng hoa, kệ thùng chưng hương đèn… ở khu tượng đài đều làm bằng inox, trông như hàng chợm không được trang trọng, hợp với tượng đài.

 

Hồ Phú Ninh, đẹp thì có đẹp, nhưng...

 

20160809 101609

Quang cảnh hồ Phú Ninh

 

Hồ Phú Ninh cách thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam khoảng 7 km về phía tây thuộc địa phận huyện Núi Thành và huyện Phú Ninh. Khánh thành vào năm 1987 sau 10 năm xây dựng, hồ Phú Ninh từng là công trình thủy lợi lớn nhất miền Trung và lớn thứ hai cả nước chỉ sau hồ Dầu Tiếng tại Tây Ninh. Đặc biệt công trình đã điều tiết được những cơn lũ lớn hàng năm tràn về đồng bằng. Nơi đây còn gây ấn tượng với tôi khi năm 1999, trong cơn lũ lịch sử, hồ Phú Ninh  khiến cả nước âu lo vì nguy cơ vỡ đập rất cao, chính quyền phải cho đắp thêm 30cm đập ngay trong đêm, tránh được việc phải phá đập.

Diện tích mặt nước hồ Phú Ninh khá rộng, đến hơn 3 nghìn hecta, muốn tham quan hết lòng hồ, du khách chỉ còn cách thuê ca-nô chạy quanh hồ. Trong hồ Phú Ninh còn có mỏ nước khoáng thiên nhiên phun trào từ lòng đất và hệ thống khu du lịch sinh thái. Không có nhiều thời gian lưu lại nơi đây, tôi dành thời gian để đi loanh quanh trên bờ. Mùa này mực nước thấp nên tôi có thể băng qua dải đất cạn ra tận mép nước để nhìn thật gần làn nước trong xanh tĩnh lặng. Bờ đất màu vàng, mặt nước như gương, soi hình bóng những ngọn núi xanh rì cây, lâu lâu mới lười biếng gợn chút sóng nhẹ như gió thoảng khi có con thuyền chở du khách đi dạo hay mấy chiếc thuyền con của nhân viên nơi đây chèo đi làm việc.

 

20160809 100012

 

Đứng ngắm cảnh trời mây nước trong bóng mát của những cây keo lâu năm, tôi cảm thấy mình được đền bù cho chặng đường dang nắng trưa gay gắt để tìm đến nơi này.  Nói chung, đây là một bức tranh sơn thủy hữu tình, khá hoàn hảo nếu như không tính đến sự thất vọng đôi chút khi nó được một đơn vị đưa vào kinh doanh khai thác du lịch khá hời hợt. Với giá 50 ngàn đồng 1 vé vào cổng, không đắt so với các khu du lịch khác nhưng lại đắt khi khách vào hầu như không nhận được dịch vụ gì gọi là miễn phí. Cảnh quan chẳng có gì ngoài việc tận dụng không gian cảnh quan sẵn có. Nó còn cho thấy một khu du lịch được mở ra ở đây chưa lâu nhưng không được chăm sóc kỹ càng. Có một resort nhỏ hoang phế với những chòi massage thư giãn đã được những chiếc lều cắm trại ngự vào. Ngay cả khuôn viên phòng họp bằng gỗ cũng có mấy chiếc lều cắm trại để sẵn. Tôi cắt cớ hỏi một cô nhân viên ở quầy tiếp tân, cô cho biết các dịch vụ sử dụng trong khuôn viên này đều có phí, chỉ miễn phí là được đi dạo và tắm ở bể bơi. Mà bể bơi chính là diện tích mặt nước hồ gần bờ được quây lại hình chữ nhật nhưng chẳng có ai tha thiết xuống bơi!

Cũng may là phong cảnh ở đây quá đẹp để có thể tạm quên những dịch vụ kém ấy.

 

Thông tin cho bạn

Hai địa điểm trên rất dễ tìm. Bạn có thể đi đường bộ từ Đà Nẵng vào Tam Kỳ để đến Phú Ninh. Hai nơi này cách sân bay Đà Nẵng khoảng 70 km.

Nếu đi tượng đài Mẹ Thứ, từ phía Đà Nẵng vào Tam Kỳ, địa điểm này cách Đà Nẵng gần 2 tiếng chạy xe máy. Từ Tam Kỳ, bạn đến ngã tư giao đường Phan Châu Trinh & Thanh Hóa thì rẽ trái xuống đường Thanh Hóa. Đường này là đường đi đến tượng đài Mẹ Thứ. Khi đi chú ý các bảng dẫn đường sẽ tìm được ngay.

Nếu đi Hồ Phú Ninh, bạn đi hướng ngược lại. Ngay ngã tư Trần Cao Vân - Nguyên Hoàng gần ga Tam Kỳ, bạn đi thẳng lên, chừng 8km là tới. Đập chính nằm tại xã Tam Ngọc, thành phố Tam Kỳ. Hồ Phú Ninh cách sân bay Chu Lai của tỉnh Quảng Nam khoảng 15 km.

Ngoài hai địa điểm trên, bạn có thể dành thời gian để viếng thăm 2 địa danh khác nằm ở vùng lân cận của thành phố Tam Kỳ. Đó là cụm tháp Chăm nổi tiếng Chiên Đàn. Cụm ba ngôi tháp này rất dễ tìm, nằm ngay bên cạnh quốc lộ 1, thuộc xã Tam An, cách thành phố Tam Kỳ khoảng 5km về phía Bắc. Các tháp Chiên Đàn có dáng vẻ trang nhã và cổ điển như các ngôi tháp tiêu biểu của phong cách Mỹ Sơn, được đánh giá là phong cách đẹp nhất của nghệ thuật kiến trúc cổ Chăm Pa. Kế đến, nếu có thời gian, bạn nên đi biển Tam Thanh, cách trung tâm thành phố Tam Kỳ 7 km về phía đông. Biển hãy còn khá hoang sơ, sạch sẽ, không xô bồ đông đúc, các dịch vụ hãy còn bộc phát tự nhiên.

Top
Top