>> Mai Thanh Hải

Tôi đã gặp những 8-9X như thế ở trung đoàn không quân 935, sư đoàn 370, Quân chủng Phòng không – không quân. Họ là phi công quân sự, điều khiển máy bay Su-30MK2.

Thượng úy Hà Văn Minh năm nay 29 tuổi, quê ở xã Hàm Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình). Bố mẹ Minh làm ruộng, nghèo nhất xã nên gắng học xong PTTH cậu cũng không dám nộp hồ sơn thi đại học mà xin đi nghĩa vụ quân sự, làm chiến sĩ gác đường băng ở trung đoàn 910 (sân bay Đông Tác, Tuy Hòa, Phú Yên). Mỗi ngày nhìn phi công bay phản lực, Minh cứ ước được… đến gần nói chuyện và cố thực hiện phần ước mơ đó bằng cách tự kiếm sách vở ôn thi vào trường Sĩ quan chính trị. Trượt, Minh lại tự ôn luyện và xin đơn vị cho đi khám tuyển phi công. Lần thi này thừa điểm, tháng 9.2009 Minh nhập học khóa 38 trường Sĩ quan Không quân. Suốt 4 năm trong trường, Minh tằn tiện từng đồng phụ cấp ít ỏi gửi về quê cho bố mẹ phụ nuôi 2 cô em gái ăn học.

Thượng úy Hà Văn Minh trước lúc cất cánh

Tháng 12.2013, Minh tốt nghiệp với quân hàm trung úy. Sau 4 tháng học lý thuyết Su-30MK2, Minh được cử về trung đoàn 935. Ước mơ bay của Minh cứ tưởng đã thành hiện thực bỗng chững lại bởi khám sức khỏe định kỳ, phát hiện triệu chứng men gan cao, không đủ điều kiện bay trên Su-30Mk2. Không nản, Minh xin ra Hà Nội điều trị, ngày ngày luyện tập các môn thể thao.

Thượng úy Bùi Quốc Tuấn bên máy bay Su-30MK2

Sau hơn 1 năm bền bỉ, Minh đủ điều kiện bay và phải học lại lý thuyết phản lực. 4 tháng sau, Minh mới được phép lên buồng tập, buồng lái. Hôm nào không được lên tập, cậu nài nỉ giáo viên cho ngồi sau dự khóa. Cuối tháng 10.2015, trung úy Hà Văn Minh tham gia chuyến bay đầu tiên trên Su-30MK2 dưới sự kèm cặp của phi công buồng sau - đại tá Phan Xuân Tình (phó trung đoàn trưởng 935).

Đến giờ thì Minh đã tích lũy được gần 400 giờ bay (trong đó 140 giờ bay Su-30MK2), là biên đội trưởng trẻ nhất trung đoàn 935 và được tham gia các nhiệm vụ diễn tập, bắn ném, bay đêm, trực ban chiến đấu…

Biên đội trưởng - thượng úy Bùi Quốc Tuấn năm nay 29 tuổi. Sinh ra ở xã Tân Lập (Krông Búk, Đắk Lắk) nhưng Tuấn phải ra Can Lộc, Hà Tĩnh ở với ông bà nội suốt thời thơ ấu vì gia đình quá khó khăn. Năm 2007, Tuấn thi trượt đại học ở nhà làm rẫy. Năm sau đỗ Đại học Nha Trang, nhưng cũng chỉ học vài tháng là phải ngừng, đi làm thuê cho mấy xưởng gỗ vì kinh tế khó khăn. Hết làm mộc đến bưng bê phục vụ ở nhà hàng kiếm tiền sinh nhai, người cậu teo tóp chỉ còn 52kg. Cuối năm 2009, người bác làm y sĩ gợi ý: “Vào không quân, vừa được học đại học vừa thỏa ước mơ bay”. Tuấn khám sức khỏe và cuối năm 2010 thi trúng tuyển Sĩ quan Không quân, học khóa K39.

Suốt 2 năm học lý thuyết, Tuấn không hề nổi trội. Mãi đến năm thứ 3 chuyển sang trung đoàn 920 bay huấn luyện trên Yak-52, Tuấn mới thể hiện trình độ xuất sắc, là người đầu tiên trong khóa được thả bay đơn. Năm thứ 4, ra trung đoàn 910 ngoài Đông Tác bay phản lực L-39, Tuấn lại tỏ rõ năng khiếu vượt trội, được đề nghị ở lại trường làm giáo viên nhưng cậu một mực xin về đơn vị chiến đấu. Tháng 12.2014, Tuấn tốt nghiệp với quân hàm trung úy về trung đoàn 935.

Thượng úy Uông Văn Hiếu kết thúc chuyến bay

Từ sự chỉ bảo của các “giáo viên buồng sau”, phi công Bùi Quốc Tuấn đã cùng đồng đội xử lý thành công 3 tình huống bất trắc. Chuyến bay huấn luyện bài chặn kích trên không cùng đại tá phi công Phan Xuân Tình, đang thực hiện bài bay thì sập màn hình khiến 4 màn hình hiển thị đen thui. Rất bình tĩnh, 2 phi công sử dụng đồng hồ dự bị, điều khiển máy bay hạ cánh an toàn. Chuyến bay huấn luyện vòng kín cùng trung tá phi công Vũ Đình Thi, khi hạ cánh thì càng không bung ra, cả 2 thống nhất dùng phương pháp hạ khẩn cấp, đưa máy bay về sân đậu an toàn. Gần đây nhất, tháng 8.2018, thượng úy Bùi Quốc Tuấn bay cùng đại úy Trần Thanh Luân thực hiện bài bay công kích mục tiêu trên không. Vừa đổi vị trí, quay vòng bám theo mục tiêu thì Tuấn phát hiện vòng quay đông cơ trái lệch nhiều so với quy định. Lúc này máy bay đang ở độ cao 4.000m, cả 2 phi công nhanh chóng xác định máy bay đã hỏng động cơ trái và đại úy Luân giữ trạng thái, thượng úy Tuấn xử lý trang thiết bị, nhanh chóng hạ độ cao xuống 500m, thả càng khẩn cấp, hạ cánh tắt máy ngay trên đường băng. Chui ra khỏi buồng lái giữa rầm rập tiếng còi báo động, xe cứu hỏa lao đến cứu hộ, cả 2 phi công ướt đẫm mồ hôi và chỉ nói được mấy câu: “Thành công rồi”.

Tiêm kích Su-30MK2 tăng lực cất cánh

Thượng úy Bùi Quốc Tuấn tâm sự vậy và cười: “Trường hợp hỏng động cơ trái như em và đại úy Trần Thanh Luân đã gặp là nguy hiểm nhất trong không quân. Nếu không xử lý chính xác, sẽ cháy động cơ, thậm chí thiệt hại máy bay và mình phải nhảy dù. Giờ nhắc lại tình huống này, cả em và anh Luân vẫn đều cương quyết bảo vệ máy bay, giữ tài sản cho đất nước”.

Gặp thượng úy Uông Văn Hiếu (28 tuổi) ngoài đời, không ai nghĩ đó là phi công. Cậu trai chỉ cao 1m68, mặt vuông vức, da trắng, môi mọng đỏ như con gái cười: “Hồi đầu, em cũng nghĩ chẳng bao giờ mình được làm phi công”.

Hiếu quê ở xã Liên Phương (Thường Tín, TP. Hà Nội), nhà ngay cạnh sông Hồng. Bố làm Chủ tịch UBND xã, mẹ ở nhà làm nông nên học xong THPT, cậu vào TP.HCM học Đại học Hoa Sen. Hết năm 1 thấy không hợp, Hiếu nài nỉ ông bác làm trong Quân chủng Phòng không – không quân cho đi học sĩ quan không quân. Ra TP.Nha Trang khám tuyển, Hiếu đạt tiêu chuẩn, về đèn sách ôn luyện, thi đỗ và cuối năm 2011 khoác ba lô vào trường nhập học khóa 40 Chỉ huy tham mưu – phi công quân sự.

Ngày 3.4.2014, Hiếu được bay đơn lần đầu tiên trên máy bay Yak-52. Biết tin, ông Uông Văn Hạnh lặn lội vào với con, xin lên chòi chỉ huy K4 theo dõi con bay và khi hạ cánh, ùa ra ôm chặt cậu con cả, vỗ bồm bộp: “Con đã trở thành đàn ông. Bố mẹ mừng quá” khiến cậu học viên Uông Văn Hiếu vốn dạn dĩ cũng đỏ bừng mặt.

Biên đội Su-30MK2 của trung đoàn 935 cất cánh

Cuối 2015, Uông Văn Hiếu tốt nghiệp trường Sĩ quan Không quân, học thêm lý thuyết Su-30MK2 và được phân công về trung đoàn 935. Tưởng được bay ngay, đâu ngờ cậu phải ra Hà Nội học 1 năm tiếng Nga, nên khi về lại đơn vị, lại phải học bay lại từ đầu. Mãi đến tháng 4.2018 vừa rồi, Hiếu mới được bay Su-30MK2 chuyến đầu tiên với đại tá Huỳnh Mạnh Thắng, phó trung đoàn trưởng 935 và đến cuối năm 2018 cậu đã bay được 38 giờ trên máy bay tiêm kích hiện đại. “Hồi mới bay, tập trung thần kinh cao độ vào đồng hồ, thiết bị và khẩu lệnh chỉ huy nên không biết trời đất ra sao. Giờ quen rồi, nhìn xuống mới thấy Tổ quốc mình đẹp lung linh như trong phim”, Hiếu kể và lại cười: “Từ khi em vào không quân, bố có thói quen đọc sách báo tìm hiểu về máy bay. Mỗi lần về phép, 2 bố con thường trao đổi.”.

Hiếu bảo: “Khi vào quân đội, em mới thấy quãng thời gian trước của mình là hoang phí. Ai cũng chơi bời, hưởng thụ thì lấy đâu người bảo vệ bầu trời, biển đảo Tổ quốc”. Tôi nghe cậu trai Hà Nội nói, càng tin vào những cánh chim tuổi 20 bản lĩnh, kiên trung…

Các phi công Su-30MK2 của sư đoàn 370

Đồ họa: Lâm Nhựt | Ảnh: Độc Lập, Hải An

Báo Thanh Niên
29.01.2019

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.