Cảnh báo vay tiền qua app có chiều hướng phức tạp

04/06/2022 05:57 GMT+7

Hoạt động vay tiền qua ứng dụng (app) ngày càng có chiều hướng phức tạp. Các đối tượng người nước ngoài đầu tư vốn, liên kết với doanh nghiệp tại TP.HCM hoạt động cho vay dưới nhiều hình thức biến tướng.

Ngày 3.6, UBND TP.HCM có báo cáo gửi Bộ Công an sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 12/2019 của Thủ tướng về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Với các giải pháp đồng bộ, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn đã có những chuyển biến nhất định. Nhiều ổ nhóm, tổ chức tội phạm đã bị triệt phá, tạm ngừng hoạt động, chuyển đi nơi khác hoặc hoạt động cầm chừng, không còn dám công khai lộng hành như trước. Các hoạt động đòi nợ sử dụng các đối tượng côn đồ, có tiền án tiền sự, đối tượng nghiện ma túy để siết nợ, cưỡng đoạt tài sản gây bức xúc dư luận, hoang mang cho người vay không còn diễn ra.

Trong 3 năm qua, Công an TP.HCM phối hợp với các lực lượng chức năng thành lập đoàn liên ngành kiểm tra, thanh tra 1.280 lượt cơ sở kinh doanh liên quan “tín dụng đen”, phát hiện 173 cơ sở vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 131 cá nhân. Về tội phạm “tín dụng đen”, từ tháng 4.2019 - 4.2022, toàn TP.HCM đã tiếp nhận, phát hiện 381 vụ việc có liên quan “tín dụng đen”, trong đó đã khởi tố 112 vụ, 268 bị can; 1.316 lượt đổ chất bẩn, chất thải xác định có mâu thuẫn bắt nguồn từ hoạt động cho vay lãi nặng. Thống kê theo tội danh, tiếp nhận 13 vụ đe dọa giết người, 40 vụ cố ý gây thương tích, 3 vụ cướp tài sản, 23 vụ cưỡng đoạt tài sản, 123 vụ cho vay lãi nặng, 14 vụ bắt, giữ, giam người trái pháp luật…

UBND TP.HCM dự báo các hoạt động “tín dụng đen” đang có xu hướng câu kết với đối tượng hình sự, lưu manh, cộm cán hình thành các băng, ổ nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động khép kín, lưu động trên địa bàn rộng hoặc sử dụng thủ đoạn “núp bóng doanh nghiệp” thành lập các công ty, doanh nghiệp hợp pháp làm bình phong che giấu hoạt động phạm tội. Một số băng nhóm hoạt động núp bóng các doanh nghiệp kinh doanh như: công ty tư vấn tài chính, cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cửa hàng mua bán điện thoại... ngụy trang hành vi cho vay bằng các hợp đồng giả cách, cho khách vay ký giấy mượn nợ không đúng với lãi suất thực tế, dù ký giấy mượn nợ 5%/tháng nhưng thực tế lên đến 20 - 30%/tháng.

Bên cạnh đó, hoạt động vay tiền qua ứng dụng (app) ngày càng có chiều hướng phức tạp. Các đối tượng người nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc) đầu tư vốn, liên kết với doanh nghiệp tại TP.HCM hoạt động cho vay dưới nhiều hình thức biến tướng. Chưa kể, sau khi dịch vụ đòi nợ bị cấm hoạt động từ tháng 1.2021 thì xuất hiện hình thức núp bóng dưới hình thức công ty bảo vệ, tư vấn luật, mua bán nợ, ủy quyền đòi nợ, sử dụng nhân viên của các công ty đòi nợ trước đây.

UBND TP.HCM cũng đề xuất tăng mức phạt đối với hành vi cho vay lãi nặng, tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn để người dân có nhu cầu vay tiền chính đáng, phục vụ việc sản xuất, kinh doanh không phải tìm đến “tín dụng đen”.

Khởi tố 26 bị can trong đường dây “tín dụng đen” do người Trung Quốc cầm đầu

Ngày 3.6, Công an TP.Hà Nội cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 26 bị can, có cả người quốc tịch Trung Quốc, về các hành vi “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” và “cưỡng đoạt tài sản”. Trong số này, 23 bị can bị bắt tạm giam, 3 bị can được cho tại ngoại vì đang nuôi con nhỏ.

Các đối tượng trong đường dây “tín dụng đen” bị Công an TP.Hà Nội triệt phá ngày 24.5

minh tâm

Trước đó, như Thanh Niên đã đưa tin, ngày 24.5, Công an TP.Hà Nội phối hợp Bộ Công an đồng loạt triệt phá 7 cơ sở của tổ chức cho vay lãi nặng dưới hình thức “tín dụng đen” này ở Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, đưa gần 300 nghi phạm và nhiều tang vật có liên quan về trụ sở cơ quan điều tra. Bước đầu, Công an TP.Hà Nội xác định đường dây này cho vay qua 3 app “ovay”, “cashvn” và “vaynhanhpro”, do nghi phạm người Trung Quốc cầm đầu. Trong đường dây này, người vay chỉ cần chụp ảnh chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân và dùng danh bạ điện thoại của mình để thế chấp là có thể vay từ 2 - 30 triệu đồng. Nếu người vay không trả được gốc như cam kết, tiền lãi sẽ được nhân lên theo tháng, có thể lên tới 1.500 - 2.190%/năm. Đặc biệt, người vay còn bị các đối tượng cho bộ phận đòi nợ nhắn tin, gọi điện khủng bố, đe dọa để ép trả nợ. Cho đến thời điểm bị triệt phá, đã có gần 1 triệu người vay qua hệ thống 3 app vay tiền trên. Mỗi tháng, số tiền các đối tượng giải ngân cho vay khoảng 100 tỉ đồng.

Trần Cường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.