Cảnh báo rồi thì sao?

14/11/2019 04:32 GMT+7

Khi thông tin về tình trạng ô nhiễm không khí của Hà Nội nhiễu loạn mấy tháng trước, Báo Thanh Niên từng có nhiều bài viết đòi hỏi các cơ quan chuyên môn về môi trường cần có số liệu quan trắc đáng tin cậy và thông báo đầy đủ đến cho người dân.

Thế nhưng, cách đây vài ngày, Tổng cục Môi trường khuyến cáo người dân “không đi ra ngoài” vì chất lượng không khí kém thì thực sự… không chịu nổi.
Về mặt lý thuyết, khuyến cáo có vẻ rất “chuyên nghiệp”, nhưng cái phản cảm của nó chính bởi sự không thực tế. Không giống như tình trạng ô nhiễm không khí cục bộ do một vụ cháy, một vụ nổ hay thiên tai bất ngờ, tình trạng ô nhiễm không khí ở mức nguy hại tại Hà Nội đã kéo dài nhiều ngày, nhiều tháng nay. Khuyến cáo người dân “không đi ra ngoài” trong bối cảnh đó thật là hài hước, rằng chỉ có người dân tự cực đoan bảo vệ mình thôi, không hề có trách nhiệm, vai trò của cơ quan nhà nước.
Theo số liệu từ các trạm quan trắc tự động trên địa bàn Hà Nội, trong khoảng thời gian tháng 9, tháng 10, nồng độ bụi mịn có xu hướng tăng mạnh, có thời điểm tăng hơn 75%, vượt xa quy chuẩn của Việt Nam. Nhưng một chuyên gia môi trường có hơn 20 năm theo dõi ô nhiễm không khí, nói với người viết bài rằng, tình trạng ô nhiễm bụi mịn không có gì lạ đối với ông, 20 năm nay vẫn vậy, có điều bây giờ có nhiều đơn vị độc lập quan trắc và sự quan tâm của dư luận cũng nhiều hơn.
Điều lạ ở đây là, từ 20 năm nay, những người làm môi trường (và hẳn là cả các cơ quan quản lý về môi trường) đều biết rõ về mức độ ô nhiễm không khí tại Hà Nội nói riêng và các đại đô thị của Việt Nam nói chung, nhưng chưa có bất kỳ một chiến lược chống ô nhiễm không khí bài bản nào được công bố và truyền thông.
Cũng theo báo cáo của cơ quan môi trường, có 8 nguồn phát thải ô nhiễm không khí. Nhưng các báo cáo đều chỉ nói chung chung. Lục tung kho dữ liệu về bảo vệ môi trường, chưa từng có nghiên cứu tổng thể để xác định rõ tỷ lệ gây ô nhiễm từ các nguồn phát thải này.
Chẳng hạn, cần định lượng được nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí từ giao thông là bao nhiêu, từ xây dựng là bao nhiêu, từ hoạt động công nghiệp như thế nào… Khi định lượng được thì mới có thể có chiến lược, kế hoạch để giảm thiểu nguồn phát thải. Không định lượng, cũng không có chiến lược về giảm nguồn phát thải, nên không khí đang trở thành thứ cha chung không ai khóc.
Thay vì cảnh báo, các cơ quan chức năng nên bắt đầu từ việc giảm thiểu nguồn phát thải: hạn chế phương tiện cá nhân ở các đô thị lớn, di dời các nhà máy gây ô nhiễm, nghiêm cấm các cơ sở sản xuất sử dụng thiết bị không thân thiện với môi trường. Cũng cần có chiến dịch truyền thông để thay đổi nhận thức, rằng chúng ta vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm của ô nhiễm không khí. Mỗi KWh điện, mỗi lít xăng, mỗi túi ni lông chúng ta tiêu thụ đều là tác nhân gây ô nhiễm môi trường.
Nếu không bắt đầu, sẽ đến ngày chúng ta không còn không khí sạch mà thở.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.