Cảnh báo người trẻ nhiễm HIV: Bỏ thuốc điều trị, quan hệ tình dục bừa bãi

Duy Tính
Duy Tính
24/12/2022 06:55 GMT+7

Mới đây, Th.S-BS CK II Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) đã đưa ra cảnh báo trẻ vị thành niên, người trẻ quan hệ tình dục bị lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm, bỏ thuốc điều trị HIV làm cho tình trạng bệnh nặng hơn.

Theo bác sĩ Quy, chương trình chăm sóc bệnh nhân là trẻ em nhiễm HIV từ năm 2004 đến nay đã trải qua 18 năm và hiện Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 quản lý 437 trẻ. Chương trình chấm dứt lây truyền HIV từ mẹ sang con hiệu quả nên số ca mới phát hiện rất ít, nên chủ yếu ca mới là lây nhiễm từ trẻ vị thành niên (VTN), người trẻ. Nghiên cứu 5 năm trước, sự tuân thủ điều trị của các trẻ VTN chỉ trên 91,3%, tiêu chí phải trên 95% mới là tốt. Đặc biệt, sau dịch Covid-19, tỷ lệ bỏ thuốc điều trị HIV, tái khám không đúng hẹn rất cao, đáng báo động.

Bác sĩ Dư Tuấn Quy đang giáo dục giới tính, chia sẻ kỹ năng sống cho trẻ nhiễm HIV

BSCC

Bác sĩ Dư Tuấn Quy cho biết trẻ VTN nhiễm HIV, hiện chia thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là trẻ lớn lên từ chương trình chấm dứt lây truyền HIV từ mẹ sang con. Với nhóm VTN lây truyền từ mẹ sang con đã lớn và trưởng thành thì đa số cha mẹ đã mất. Sau đó, trẻ sống chung với ông bà hoặc người nào đó chăm sóc. Và nếu như người chăm sóc chính cho trẻ lơ là thì trẻ tự uống thuốc, tự mưu sinh, tự thuê nhà để ở… Nhóm này hiện vào độ tuổi 18 - 25.

“Với những người trẻ này, để tồn tại chúng sẽ làm mọi nghề. Với con gái thì có thể làm tiệm cà phê, tiệm tóc, thậm chí là mại dâm và con trai cũng tương tự như vậy. Nhưng các em này quan hệ tình dục (QHTD) không dùng biện pháp bảo vệ”, bác sĩ Quy nói.

Bác sĩ Quy cho hay vừa qua đã có 4 - 5 người quay trở lại BV khám vì bỏ thuốc, tình trạng nặng lên do nhiễm trùng cơ hội và lây lan HIV cho nhiều người. Hỏi tại sao bỏ thuốc thì các em nói đi làm mưu sinh, và quan hệ tình cảm với người khác để được trả tiền, để có tiền trả nhà trọ và đã lây nhiễm HIV cho rất nhiều người. Những câu chuyện này các em thổ lộ với bác sĩ.

Nhóm thứ hai là trẻ VTN (từ 11 - 13 tuổi) bị lây bệnh truyền nhiễm do QHTD, đặc biệt là QHTD đồng giới hoặc tiêm chích ma túy. Bác sĩ Quy kể: Một trẻ trai VTN ở TP.HCM có QHTD đồng giới với các anh lớn hơn. Trẻ được phát hiện nhiễm lao, nhiễm trùng cơ hội và được khởi động điều trị dự phòng HIV bằng thuốc ARV và trẻ bỏ thuốc vì không có ai hỗ trợ. Em bị lao bùng phát, bị sốc, bị tổn thương đa cơ quan và tử vong. Tương tự, khi dịch Covid-19 vừa hết, một số tỉnh hội chẩn với BV Nhi đồng 1, họ đưa hình ảnh vì nghĩ là bệnh tay chân miệng, nhưng thực tế là giang mai. Có trẻ khác ở tỉnh lên BV Nhi đồng 1 khám và phát hiện nhiễm HIV, em nói có QHTD đồng giới với các anh lớn ở trong vuông tôm…

Giải pháp nào ?

Theo bác sĩ Dư Tuấn Quy, trường học cần có giáo dục về giới tính, sức khỏe sinh sản, kỹ năng sống cho mọi học sinh để dự phòng các bệnh lây truyền qua đường tình dục, trong đó có HIV/AIDS. Với trẻ HIV/AIDS sống trong mái ấm, trước khi ra đời và điều trị ARV tại cơ sở người lớn (18 tuổi) thì phải chuẩn bị tâm lý, giáo dục đầy đủ.

Mặt khác, phía nhân viên y tế cần rà soát trẻ VTN, người trẻ bỏ thuốc điều trị HIV. Phải gọi họ vào cơ sở điều trị để tập huấn, giáo dục lại. Thứ đến, phải tìm hiểu những khó khăn, rào cản mà trẻ VTN, người trẻ gặp phải dẫn đến bỏ điều trị, động cơ QHTD không dùng biện pháp bảo vệ... để có thể có phương án hỗ trợ. Nếu các em nói vì tiền thì có thể hỗ trợ tiền để thuê nhà ở (kêu gọi các nhà hảo tâm), hướng nghiệp dạy nghề cho các em, để các em theo hướng tích cực.

“Có nhiều trường hợp trẻ VTN, người trẻ bị HIV xin tiền, nói không cho thì các em thoát ra khỏi nhóm, điều này rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, cộng đồng xã hội cũng phải đồng cảm, hỗ trợ, chia sẻ, giúp đỡ chứ không nên kỳ thị, bỏ rơi người nhiễm HIV”, bác sĩ Quy khuyến cáo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.