Cảnh báo nạn ‘gái gọi hạng sang’ từ các cuộc thi sắc đẹp, chương trình truyền hình

Duy Tính
Duy Tính
29/05/2018 05:18 GMT+7

Chiều 28.5, Ủy ban Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm làm việc với UBND TP.HCM.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP, cho biết kết quả rà soát của các quận, huyện, tính đến cuối năm 2017, trên địa bàn TP có khoảng 10.231 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm, trong đó 601 cơ sở nghi vấn hoạt động mại dâm, 956 cơ sở kinh doanh dịch vụ có biểu hiện nghi vấn hoạt động khiêu dâm, kích dục với khoảng 4.199 nhân viên, tiếp viên.
Các đoàn liên ngành văn hóa - xã hội đã tổ chức kiểm tra 10.368 lượt cơ sở, phát hiện 4.829 lượt vi phạm, trong đó 473 lượt cơ sở vi phạm liên quan đến mại dâm và khiêu dâm, kích dục. Tổng số tiền xử phạt cơ sở vi phạm là 34,8 tỉ đồng.
Song song đó, công an đã triệt phá 140 vụ tổ chức môi giới mại dâm, xử lý 734 đối tượng; kiểm tra hành chính 2.142 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện.
Theo Sở LĐ-TB-XH, một số văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống tệ nạn mại dâm không còn phù hợp với thực tiễn, chưa có biện pháp chế tài về xử lý các đối tượng hoạt động mại dâm nam, mại dâm đồng tính, mại dâm chuyển giới và các đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi khiêu dâm, kích dục... Đáng lưu ý, nổi lên gần đây là sự xuất hiện của một số đường dây mại dâm “gái gọi hạng sang”, gái bán dâm có cả người mẫu, người từng tham gia các chương trình truyền hình, cuộc thi sắc đẹp.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Phó chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm, nhìn nhận thực trạng cơ sở hoạt động có dấu hiệu khiêu dâm nhưng theo quy định chỉ có thể phạt hành chính, rút giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên, tại địa chỉ bị rút giấy phép kinh doanh, sau đó lại có một người khác thành lập cơ sở mới với phương thức hoạt động tương tự, dẫn đến việc xử lý như bắt cóc bỏ đĩa, rất khó.
“Cần có quy định nếu địa điểm nào đó xảy ra vi phạm thì lần sau không được thành lập một cơ sở có hình thức kinh doanh tương tự, nhằm tránh việc thay tên đổi chủ trá hình”, bà Tiến nói.
Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, tính đến ngày 31.3.2018, trên địa bàn TP.HCM có 46.853 người nhiễm HIV, hơn 32.000 người đang được điều trị thuốc ARV và 30% trong số đó là bệnh nhân của các tỉnh, thành phố khác; khoảng 8.000 - 10.000 người nhiễm HIV chưa được phát hiện. Bên cạnh đó, ước tính năm 2017 TP điều trị methadone cho 5.300 bệnh nhân nghiện ma túy và các chất gây nghiện khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.