Cảnh báo chip giả tuồn vào chuỗi cung ứng

20/09/2021 13:04 GMT+7

Tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn đang đẩy các nhà sản xuất điện tử đến việc mua bán đầy rủi ro.

Theo Nikkei, các nhà sản xuất điện tử phải vật lộn với cuộc khủng hoảng chip toàn cầu đang chuyển sang những kênh cung cấp khác thường để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, và không ít người gặp khó khăn với chất bán dẫn nhái, kém chất lượng hoặc đã qua sử dụng.
Junichi Fujioka, Giám đốc điều hành nhà sản xuất điện tử Nhật Bản Jenesis, đã tận mắt trải nghiệm hiện tượng này. Vì không thể mua vi điều khiển từ các nguồn thông thường, nhà máy của công ty ông ở miền nam Trung Quốc phải đặt hàng thông qua một trang web do Alibaba điều hành. Tuy nhiên, khi nhận được các bộ vi điều khiển, thì chúng lại không hoạt động. Jenesis nhờ một chuyên gia kiểm tra chip theo yêu cầu thì nhận thấy thông số kỹ thuật của chúng hoàn toàn khác với những gì công ty đã đặt hàng, mặc dù tên nhà sản xuất trên bao bì có vẻ là hàng chính hãng. Jenesis sau đó đã cố gắng liên lạc trong vô vọng với nhà cung cấp.
Đó là một trong số những câu chuyện cảnh giác gần đây đối với các nhà sản xuất điện tử bị dụ mua “chip đang phân phối”, thuật ngữ ám chỉ hàng tồn kho được bán bởi các nguồn không phải là nhà sản xuất và nhà phân phối được ủy quyền. Những con chip đó không được nhà sản xuất bảo hành và thường không rõ chúng đã được cất giữ ở đâu và như thế nào. Điều này khiến sản phẩm đáng ngờ dễ dàng lọt vào đơn đặt hàng. Theo người trong ngành, những sản phẩm như vậy có thể bao gồm chip được lấy ra từ thiết bị điện tử bị loại bỏ, hoặc chip không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Cũng có trường hợp nguy hiểm hơn khi tên nhà sản xuất hoặc số kiểu máy trên bao bì bị làm giả.
Sự phổ biến ngày càng tăng của chip giả thậm chí đã thúc đẩy một loại hình kinh doanh mới. Oki Engineering, công ty con của Oki Electric Industry, gần đây cung cấp thêm dịch vụ xác minh chip để giúp các nhà sản xuất thiết bị điện tử loại bỏ chip bị lỗi trước khi chúng được đưa vào thiết bị. Văn phòng của công ty ở Tokyo đã nhận được lượng lớn thành phần bán dẫn bị nghi ngờ. Có gần 20 kỹ sư thực hiện một loạt các bài kiểm tra bằng laser, kính hiển vi, tia X và các thiết bị khác. Việc kiểm tra bao gồm làm tan chảy gói chip, hoặc vỏ bọc bên ngoài để kiểm tra logo của nhà sản xuất, xem xét mẫu dấu vết trên chip silicon và những đặc tính vật lý khác.
Hiện các nhà sản xuất điện tử đang tuyệt vọng trong việc đảm bảo nguồn cung cấp chip, vì chỉ cần thiếu một thành phần cũng khiến họ không thể vận chuyển sản phẩm của mình. Tuy nhiên, theo cảnh báo của Chủ tịch Oki Engineering Masaaki Hashimoto, một khi một chất bán dẫn giả đã được lắp ráp vào thiết bị, thì “quá muộn” để thay đổi bất cứ điều gì.
Oki Engineering bắt đầu cung cấp dịch vụ kiểm tra chip vào tháng 6.2021 và đã nhận được khoảng 150 yêu cầu trong tháng trước. Nhiều yêu cầu đến từ các nhà sản xuất máy móc công nghiệp và thiết bị y tế. Sau khi kiểm tra khoảng 70 trường hợp, các nhân viên tìm thấy khoảng 30% trong số đó có vấn đề.
Kei Takamori, trưởng bộ phận giải pháp độ tin cậy của Oki Engineering cho biết, trước khi chính thức ra mắt dịch vụ xác minh, công ty đã từng kiểm tra tính xác thực của những con chip theo yêu cầu của các khách hàng cá nhân. Yêu cầu công việc bắt đầu tăng vào mùa thu năm 2020, sau khi Bộ Thương mại Mỹ hạn chế xuất khẩu chip sử dụng công nghệ của Mỹ cho Huawei Technologies. Động thái này thúc đẩy hãng viễn thông Trung Quốc tích trữ càng nhiều chip, siết chặt chuỗi cung ứng thông thường và do đó mở ra cánh cửa cho nhiều nhà cung cấp bất thường.
Ngoài chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nhu cầu về chip còn bùng nổ do một số yếu tố, bao gồm doanh số máy tính cá nhân tăng, sự gia tăng của xe điện và sự xuất hiện của công nghệ 5G. Hãng sản xuất bán dẫn Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC) dự báo tình trạng thiếu chip sẽ tiếp tục diễn ra cho đến khoảng năm 2023.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.