Cảnh báo biến tướng lễ hội - Kỳ 4: Rải tiền nơi cửa Phật

19/02/2013 03:20 GMT+7

Để cầu may, rất nhiều du khách ném, giắt tiền lẻ khắp nơi trong chùa, tạo ra những “bãi rác” tiền nơi cửa Phật, hết sức phản cảm tại lễ hội chùa Bái Đính.

Từ sau Tết Nguyên đán, bình quân mỗi ngày có hàng vạn du khách đến tham quan chùa Bái Đính (Ninh Bình). Đây cũng là thời điểm các loại dịch vụ chụp ảnh, bán hàng rong, vàng hương, đổi tiền lẻ... đua nhau hoạt động. 

Ném tiền xuống trống đồng 1
Ném tiền xuống trống đồng 2
Ném tiền xuống trống đồng 3
Ném tiền xuống trống đồng  Ảnh: Ngọc Minh

“Đi chùa mà ki bo, kẹt sỉ như chúng mày...”

Vừa bước chân vào cổng chùa sau một chặng xe điện giá 25.000 đồng/lượt/người từ bến xe sau chùa vòng lên, tôi và hàng trăm du khách đã bị một đội quân chuyên đổi tiền lẻ và tiền giả cổ xúm quanh chèo kéo. Khi có du khách tỏ vẻ quan tâm, ngay lập tức 3 - 4 người làm nghề này đồng loạt chìa ra những tập giấy bạc lẻ, tranh nhau giành giật khách về phía mình. Theo “giá quy đổi” được những người làm dịch vụ này quy định thì cứ 100.000 đồng tiền chẵn sẽ nhận về 70.000 đồng tiền lẻ... Nhẩm tính, mỗi ngày người đổi tiền này chỉ cẩn đổi được 3 - 5 triệu đồng thì lời to. Chính vì vậy, đây là một trong những dịch vụ thu hút đông đảo người dân quanh vùng tham gia.

 

Tất cả 500 vị La hán, vị nào vị nấy đều “ôm” trong lòng một bọc tiền lẻ của du khách. Không những bỏ vào lòng, tiền còn được các thí chủ giắt vào tay, vào miệng hoặc bất cứ chỗ nào có thể giắt được

Cũng tại khu vực này, một đội quân chuyên bán sớ đã túc trực sẵn để chèo kéo khách. Họ hầu hết là những phụ nữ tuổi trung niên cầm trên tay những tập sớ viết sẵn gạ cho bằng được du khách mua để tâu bẩm với đức Phật cầu an, cầu tài cầu lộc.

Vừa thoát khỏi dịch vụ đổi tiền, bán sớ, chúng tôi gặp ngay đội quân những thợ ảnh đông đảo. Nhiều thợ chụp ảnh đã ném về phía chúng tôi cái nhìn khó chịu khi thấy mang theo máy ảnh. Giá chụp ảnh ở đây dao động từ 20.000 - 30.000 đồng/tấm tùy theo kích cỡ. Tức là nếu một người khách chụp 1 kiểu, lấy 1 tấm ảnh cỡ 12 x 15 cm, thì giá sẽ là 20.000 đồng. Và nếu chụp ảnh cả đoàn khách, thì thợ ảnh sẽ đếm người để làm ảnh, sau đó sẽ nhân số người với giá 20.000 đồng/tấm để lấy tiền. Nhiều du khách nhầm tưởng sẽ chỉ có một tấm phải trả 20.000 đồng, các tấm còn lại (cùng 1 kiểu) sẽ được giảm giá, nên đã chụp liên tục 5 - 7 kiểu. Chính vì sự mập mờ này mà không ít đoàn khách đã cãi nhau ầm ĩ với thợ chụp ảnh sau khi biết mình bị bắt chẹt.

Giắt tiền vào tượng La hán để cầu may
Giắt tiền vào tượng La hán để cầu may - Ảnh: Ngọc Minh

Ông Hồ Văn Ứng, ở Q.Hoàng Mai (Hà Nội), bức xúc: “Lúc đầu khi mời chụp ảnh, họ nói là 20.000 đồng/kiểu, rửa thêm thì bớt tiền, nhưng khi chụp xong họ mang đi làm 12 tấm (12 người trong đoàn), rồi tính giá tiền lên tới 240.000 đồng. Khi chúng tôi phàn nàn thì họ buông ra những lời rất khó nghe, kiểu “đi chùa mà ki bo, kẹt sỉ như chúng mày thì trời phật nào thương cho nổi”. Tức lắm, nhưng vẫn phải trả tiền vì sợ phiền hà”.

Ép 500 vị La hán nhận tiền

Vượt qua chiếc cầu đá thênh thang vào cổng tam quan - nơi bắt đầu của hai dãy hành lang La hán, du khách được chiêm ngưỡng những pho tượng loang lổ với hai màu đen trắng đối chọi nhau. Do mới được tạc, những pho tượng đều có màu trắng của đá, nhưng những vị trí như đầu gối, khuỷu tay, bàn tay của các pho tượng đã trở nên đen bóng vì bị hàng vạn du khách sờ mó lấy may. Nhiều pho tượng còn bị du khách ngang nhiên bẻ ngón tay mang về nhà để lấy lộc. Đáng nói hơn, tất cả 500 vị La hán, vị nào vị nấy đều “ôm” trong lòng một bọc tiền lẻ của du khách. Không những bỏ vào lòng, tiền còn được các thí chủ giắt vào tay, vào miệng hoặc bất cứ chỗ nào có thể giắt được. Thi thoảng một cơn gió nhẹ thổi đến khiến những đồng tiền lẻ bay vương vãi dọc hành lang. Nhiều du khách thản nhiên giẫm chân lên bãi tiền, trong khi lại cố với lên để nhét tiền vào tay tượng.

Tại gác chuông chùa Bái Đính, nơi treo quả chuông nặng nhất Việt Nam, chúng tôi được chứng kiến cảnh tượng tiền trở thành rác vương vãi khắp nơi. Từng đoàn du khách trèo lên gác chuông rồi vo từng đồng tiền ném về phía chiếc chuông và mặt chiếc trống đồng phía dưới. Tiền giấy vốn nhẹ nên phần lớn đã bay xuống đất quanh chân chiếc trống đồng tạo nên những “bãi rác” hết sức phản cảm.

10 đội liên ngành cũng thua !

Năm nay tỉnh Ninh Bình triển khai 10 đội kiểm tra liên ngành xuống các khu du lịch, mà trọng tâm là Khu văn hóa tâm linh chùa Bái Đính để giữ gìn an ninh trật tự, bảo đảm vệ sinh môi trường, ngăn chặn và xử lý các đối tượng chèo kéo, ép khách mua hàng, chụp ảnh, đi xe ôm, trông giữ xe trái phép, bảo đảm an toàn cho du khách đến du xuân. Tuy nhiên, các lực lượng mới chỉ phần nào dẹp bớt được các đối tượng ăn xin hoạt động, còn hầu hết những dịch vụ tại chùa Bái Đính vẫn chưa được chấn chỉnh, quản lý một cách quy củ nên vẫn đang gây rất nhiều khó chịu cho du khách.

Hà Nội thanh tra các dịch vụ lễ hội

Ngày 17.2, UBND TP.Hà Nội có văn bản đôn đốc việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2013 và thực hiện Năm kỷ cương hành chính ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Tỵ. Nghiêm cấm và xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức, tập thể cơ quan, đơn vị sử dụng xe công đi lễ hội, tổ chức đi lễ hội trong giờ làm việc. Các sở ngành chức năng tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra tập trung vào các loại hình dịch vụ trong lễ hội đảm bảo theo quy định của pháp luật, xử lý việc sắp xếp hàng quán, dịch vụ, trông giữ xe, đảm bảo an ninh trật tự, xử lý việc đốt vàng mã tràn lan, ăn xin, ép giá, chèo kéo khách, cờ bạc, trộm cắp...   

V.C

Ngọc Minh

>> Cảnh báo biến tướng lễ hội - Kỳ 3: Đi lễ phải biết... bật tường!
>> Biến tướng lễ hội - Kỳ 2: “Quan hóa”
>> Biến tướng lễ hội
>> Múa lân ngày xuân - Từ nét đẹp… đến biến tướng
>> Vợ mùa hè”: Biến tướng của du lịch tình dục ở Ai Cập
>> Bán hàng đa cấp biến tướng lừa đảo
>> Tịch thu, tiêu hủy hàng rong biến tướng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.