Căng thẳng Triều Tiên đe dọa tăng trưởng kinh tế châu Á

05/10/2017 20:59 GMT+7

Đó là cảnh báo của Ngân hàng Thế giới (WB) được gửi đi vào hôm 4.10 trong bối cảnh căng thẳng về chương trình hạt nhân của Triều Tiên vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt.

WB dự đoán tốc độ tăng trưởng của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương sẽ mở rộng khoảng 6,4% trong năm nay, 6,2% vào năm tới và 6,1% trong năm 2019. Những con số này cho thấy dấu hiệu tích cực hơn so với dự báo trước đó của ngân hàng hồi tháng 4.2017.
“Tăng trưởng kinh tế của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương hiện có đà đi lên tốt hơn so với hầu hết các khu vực đang phát triển khác trên thế giới và có thể sẽ còn tiếp tục giữ được diễn biến tích cực này. Môi trường bên ngoài thuận lợi và nhu cầu nội địa tăng mạnh là những yếu tố giúp cho hình ảnh kinh tế của khu vực được cải thiện trong báo cáo mới nhất của ngân hàng”, Sudhir Shetty, chuyên gia kinh tế trưởng của WB, cho biết.
Tuy nhiên, ông Shetty cũng cảnh báo rằng căng thẳng Triều Tiên có thể sẽ là yếu tố làm đứt đà tăng trưởng tích cực. Bình Nhưỡng gần đây đã tăng cường chương trình thử vũ khí hạt nhân, tiến hành phóng tên lửa hạt nhân lần thứ 6 và bắn hai tên lửa qua Nhật Bản. Không những thế, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gần đây còn tham gia vào cuộc khẩu chiến nóng với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
“Căng thẳng Triều Tiên có tiềm năng ảnh hưởng đến thương mại, chuỗi cung ứng cũng như khả năng tiếp cận tài chính bên ngoài của châu Á. Căng thẳng leo thang có thể làm cho dòng vốn và tỷ giá hối đoái của khu vực biến động hơn, đồng thời làm tăng lãi suất toàn cầu”, ông Shetty nói trong một cuộc phỏng vấn với các phóng viên ở Bangkok (Thái Lan).
Chủ nghĩa bảo hộ gia tăng dưới thời Tổng thống Trump và sự không chắc chắn trong đàm phán Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu), cũng là những mối đe dọa tiềm ẩn đến kinh tế châu lục.
Theo báo cáo của WB, kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trưởng 6,7% trong năm nay, giảm xuống còn 6,4% trong năm tới và còn 6,3% vào năm 2019 do nước này đang cân bằng nhu cầu bên ngoài đối với tiêu dùng trong nước. Năm nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, bao gồm Indonesia, Thái Lan, Philippines, Singapore và Malaysia, được dự đoán sẽ tăng trưởng 5,1% trong năm nay, 5,2% vào năm 2018 và 2019, cao hơn một chút so với dự báo hồi tháng 4.2017.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.