'Càng ở vùng khó khăn càng có cơ hội khởi nghiệp'

Vũ Thơ
Vũ Thơ
24/08/2019 19:07 GMT+7

Tại diễn đàn “Thanh niên Yên Bái khởi nghiệp sáng tạo ” diễn ra chiều nay, 24.8, tại Yên Bái, chuyên gia cố vấn về khởi nghiệp Vũ Hoà cho rằng, càng ở vùng khó khăn càng có cơ hội khởi nghiệp.

Chiều 24.8, trong khuôn khổ Đại hội Hội LHTN Việt Nam tỉnh Yên Bái lần thứ 5, nhiệm kỳ 2019 - 2024, đã diễn ra diễn đàn “Thanh niên Yên Bái khởi nghiệp sáng tạo" với sự tham gia của 110 hội viên thanh niên là đại biểu chính thức dự đại hội và đại biểu các Tỉnh đoàn, Hội LHTN Việt Nam các tỉnh Tây Bắc, Đông Bắc.

Thử thách khởi nghiệp là tư tưởng

Tại diễn đàn, ông Vũ Hoà, chuyên gia cố vấn khởi nghiệp quốc gia, chuyên gia tư vấn Chương trình OCOP, đã tư vấn về việc khởi nghiệp cho thanh niên. Ông Hoà cho rằng: "Khi chúng ta muốn làm điều gì thì sẽ tìm đủ mọi cách làm được điều đó, còn không muốn thì sẽ nghĩ ra đủ lý do. Càng ở những nơi có điều kiện khó khăn càng có cơ hội khởi nghiệp. Muốn khởi nghiệp, chúng ta phải học bài học thất bại một cách chủ động, biết sẽ thất bại, học từ thất bại đó. Trong cuộc sống sẽ có thất bại, làm kinh tế cũng vậy, phải học câu chuyện thất bại thì sẽ chủ động nắm lợi thế để tìm cách khắc phục”.
Ông Hoà cũng lưu ý: “Khởi nghiệp là định hướng cho công việc kinh doanh, không phải khởi sự để mưu sinh. Với bạn trẻ, khởi nghiệp tại quê hương cần xác định lợi thế là gì, khó khăn là gì để bám vào đó phát huy lợi thế. Ở những huyện khó khăn lại được hỗ trợ bởi các dự án. Tỉnh nào cũng có dự án khoa học công nghệ tìm người để hỗ trợ, nhưng bản thân mình đã sẵn sàng chưa, cố gắng chưa, mọi tác động bên ngoài là hỗ trợ thôi, còn mình là chính”.

Đại biểu thanh niên tham gia diễn đàn khởi nghiệp

Ảnh Đăng Hải

Trả lời câu hỏi của anh Phạm Hải Chiều, một bạn trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi của Yên Bái, về thử thách khởi nghiệp của thanh niên là gì, ông Hoà cho rằng: “Khó khăn trong khởi nghiệp không chỉ đối với thanh niên nhưng khi khởi nghiệp tư tưởng rất quan trọng. Khi đã thích lên làm việc gì cũng được”, ông Hoà nói.
Tuy nhiên, ông Hoà cho rằng, một trong những khó khăn các doanh nghiệp Việt Nam gặp phải là còn thiếu tính liên kết, vẫn mang tính mạnh ai người ấy làm nên rất không tốt. Đồng thời, thanh niên có sức khoẻ, lòng nhiệt tình, nhưng thiếu kinh nghiệm nên cần học câu chuyện thất bại để khởi nghiệp thành công.
Cũng chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp, ông Bùi Thanh Dân, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Yên Bái, nói: “Vấp ngã một chút mà không đứng lên thì không bao giờ trở thành doanh nhân được. Khởi nghiệp thời điểm nào cũng tốt. Phải thất bại mới có thành công. Những người đi trước sẽ là những người bạn đồng hành và là thầy của các bạn. Cần tìm người thầy định hướng cho các bạn”.

Không cần nhiều tiền

Tại diễn đàn, anh Hoàng Xuân Tuyên, Phó ban Phong trào Tỉnh đoàn Yên Bái, cho biết hiện phong trào khởi nghiệp ở Yên Bái phát triển mạnh, bắt đầu từ sản phẩm có lợi thế như chè, gạo, khoai, măng… nhưng vẫn bán nhỏ lẻ. Cán bộ Đoàn trăn trở làm thế nào đưa hàng hoá ra thị trường?

Anh Hoàng Xuân Tuyên hỏi chuyên gia tư vấn về việc giúp thanh niên khởi nghiệp giải quyết khó khăn

Ảnh Đăng Hải

Trả lời câu hỏi này, ông Hoà cho rằng, trước khi sản xuất phải định hình sản phẩm như thế nào, quy cách đóng gói sản phẩm ra sao. “Tâm lý khách hàng thường mua hàng bằng cảm xúc. Cảm xúc thông qua câu chuyện, mỗi nơi có một câu chuyện khác nhau, cần tạo cảm xúc để người ta mua. Cần nghiên cứu thị trường xem đang có sản phẩm gì, đừng làm giống họ, nếu không đi đầu tiên thì phải đi khác …”, ông Hoà tư vấn.
Trả lời câu hỏi của bạn Lý Thị Sam Sung, một người làm du lịch cộng đồng, về việc làm thế nào quảng bá được du lịch cộng đồng, ông Hoà cho biết, hiện có nhiều nơi làm phong trào mở homestay, nhưng cũng nhiều nơi bị thua lỗ. Khi làm du lịch cộng đồng phải dựa vào giá trị cộng đồng, đừng đầu tư hoành tráng. Cần biến những cái xung quanh thành sản phẩm của mình.
“Người thành phố lên bản thích cái gì khác người cơ, có thể lấy lốp xe hỏng về kê lên làm bàn. Mình làm món ăn thế nào thì cho khách ăn thế đó. Nhà mình dùng thế nào cho khách dùng thế đó và mỗi nhà dân làm một dịch vụ mới là du lịch cộng đồng… Và phải tạo cảm xúc thì mới bán được hàng hoá", ông Hoà nói.
Anh Giàng A Dê (ở Mù Căng Chải, làm du lịch cộng đồng) hỏi về việc muốn vay vốn lớn (khoảng 500 triệu đồng) được hỗ trợ lãi suất nhiều năm để đầu tư thì có được vay không, vay ở đâu… và cho rằng việc vay vốn lớn vẫn còn gặp khó khăn, ông Hoà tư vấn: “Tôi không khuyến khích các bạn trẻ vay nhiều tiền khi mới khởi nghiệp, vì còn va vấp nhiều. Cần làm chậm nhưng chắc và nên sử dụng tất cả những thứ mình có. Tôi khởi nghiệp không cần văn phòng, làm nhờ nhà bạn, chỉ cần cái điện thoại, các bạn càng hoành tráng sẽ càng gặp khó khăn”, ông Hoà nói.

Phải làm ra sản phẩm chuẩn

Cung cấp thông tin về việc khởi nghiệp sáng tạo, ông Vũ Lê Trung Anh, Phó giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Yên Bái, cho rằng: “Muốn sáng tạo phải có chút kinh nghiệm, có tư duy lo gic và phải học. Học không phải là môn toán, hay văn. Thầy đầu tiên là chính mình, thầy thứ 2 là bạn mình, thầy thứ 3 là thần tượng, là những người giỏi giang mà mình mong muốn như họ, thầy thứ 4 là sách vở và internet, thầy thứ 5 mới là thầy giáo”, ông Trung Anh chia sẻ.
Đồng thời, ông Trung Anh cho rằng, khởi nghiệp sáng tạo là khởi nghiệp từ những ý tưởng mới, mô hình mới… “Sản phẩm không mới nhưng phải có quy trình mới, tạo sự khác biệt cho sản phẩm. Muốn khởi nghiệp phải làm sản phẩm chuẩn đã, không có chuyện chè bán ra thị trường thì hái ở đằng sau, nhà mình uống thì hái ở đằng trước. Phải làm sản phẩm sạch cho cộng đồng thì mới tạo được niềm tin”, ông Trung Anh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.