Càng chống càng ngập

26/04/2009 00:21 GMT+7

Đó là tình trạng đáng buồn ở TP.HCM hiện nay. "Năm nay nguồn vốn cho các dự án rất căng thẳng, nhưng dù gì thì vốn cho chống ngập vẫn ưu tiên số 1" - ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM, đã phát biểu như vậy tại buổi giám sát việc triển khai các dự án chống ngập ngày 24.4. Nghe đọc bài

Thi công làm bít dòng chảy

Đường Nguyễn Hữu Cảnh - Q.Bình Thạnh, đoạn gần cầu Thủ Thiêm hầu như hễ có mưa là ngập. Năm nay, ông Hoàng Ngọc Bá, một người dân ở P.22, Q.Bình Thạnh, cho biết ông chưa bao giờ thấy ở khu phố 3 và 4 trên trục đường này bị ngập liên tiếp 2 ngày liền như sau trận mưa lớn trái mùa xảy ra vào ngày 7.3 vừa rồi. Đi tìm nguyên nhân, người dân nơi đây phát hiện có hơn chục bao cát bị đơn vị thi công nào không rõ mang tới chặn dòng chảy thoát nước của cống. Bà con đã thuê người xuống lôi số bao cát đó lên, có đến mười mấy bao.

Đó là một trong những ví dụ lý giải vì sao TP.HCM đang thi công nhiều công trình chống ngập, nhưng tình trạng ngập chẳng những không giảm mà còn phát sinh những chỗ ngập mới. Theo Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TP.HCM, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 3 cơn mưa lớn trái mùa (vào các ngày 14.2, 7.3 và 13.4), gây ngập từ 9-58 tuyến đường. Trong số này có 5 tuyến đường mới phát sinh ngập là Trần Đình Xu, Trần Hưng Đạo (từ Trần Đình Xu - Cống Quỳnh), Cống Quỳnh, Nguyễn Cư Trinh và Nguyễn Cảnh Chân thuộc Q.1. Cũng theo trung tâm, ngoài các nguyên nhân như chưa thi công xong và đấu nối hoàn chỉnh các công trình thoát nước mưa, nước thải của các dự án lớn đang triển khai và do một số tuyến đường chưa có hệ thống thoát nước, còn có nguyên nhân từ các nhà thầu gây ra. Các nhà thầu đã chặn dòng để thi công nhưng không có các biện pháp dẫn dòng hợp lý đã làm tắc nghẽn dòng chảy, gây ngập nước khi có mưa lớn. Trung tâm còn phát hiện tình trạng các nhà thầu thi công một số dự án cấp nước, cao ốc văn phòng... đã bơm nước hố móng có lẫn bùn, rác, cát xây dựng, đá, bê tông... vào các hố ga gây tắc nghẽn dòng chảy.

Nói về nguyên nhân phát sinh những chỗ ngập mới, ông Nguyễn Phước Thảo - Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập - cho biết: "Qua kiểm tra gần đây, chúng tôi phát hiện nhiều nơi thi công làm bít dòng chảy thoát nước, thậm chí có một số hố ga đã bị hư hỏng. Đó là nguyên nhân phát sinh ngập trong 3 trận mưa trái mùa vừa qua, nhất là trận mưa vào ngày 13.4 với lượng mưa khoảng 120 mm, đã gây ngập 58 tuyến đường. Như vậy, việc thi công tác động đến hệ thống thoát nước hiện hữu đã gây nên tình trạng ngập, ảnh hưởng đến tình hình thoát nước của thành phố. Sau khi kiểm tra, chúng tôi kiến nghị thành phố chỉ đạo các chủ đầu tư, các đơn vị thi công đã xâm hại đến hệ thống thoát nước của thành phố phải lập tức trả lại nguyên trạng và hạn chế thấp nhất tình trạng ngập do thi công".

Giải pháp cấp bách

Ông Nguyễn Phước Thảo cho biết, những vùng ngập nặng như lưu vực rạch Hàng Bàng và toàn bộ lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm, sẽ còn tiếp tục bị ngập trong vài năm nữa. Tuy nhiên, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập đang phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện các phương án chống ngập cấp bách như lắp đặt các trạm bơm chuyển tiếp nước ra kênh rạch. Hệ thống máy bơm của thành phố sẽ được huy động từ các đơn vị thoát nước đô thị, thủy lợi và khi cần thiết có thể huy động máy bơm của lực lượng phòng chống cháy rừng. Cái khó là việc bơm nước chống ngập chỉ có thể thực hiện ở những nơi gần kênh rạch và có hệ thống cống kiểm soát triều cường, còn những nơi nằm sâu trong đô thị, thì việc chống ngập cấp bách là vấn đề nan giải hiện nay.

Rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hũ là nơi thoát nước chính của Q.1, Q.4, Q.5, Q.6, Q.8... biết bao năm rồi không được nạo vét, giờ đã quá cạn. Nhất là đoạn rạch Bến Nghé từ cầu Calmette đến sông Sài Gòn bị bồi lắng làm bít các cửa xả. Theo Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TP.HCM, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải chỉ đạo chủ đầu tư sớm nạo vét đoạn kênh này.

Khu vực P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức cũng là điểm "nóng" về tình trạng ngập nước và ô nhiễm môi trường. Ông Nguyễn Văn Chính, nhà ở sát con kênh Ba Bò, thuộc khu phố 2, P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức chỉ về phía thượng nguồn kênh nói: "Mỗi khi có mưa lớn là nước thải ô nhiễm từ trên đó tràn xuống, ngập tất cả. Vườn cau kiểng của tui mới bị trận ngập vừa rồi, giờ đã héo lá hết ráo". Đối với dự án kênh Ba Bò để chống ngập cho khu vực P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức, ông Nguyễn Minh Hoàng cho biết thành phố chủ trương thực hiện dự án cải tạo con kênh này, nhưng kết quả tiến triển để người dân có thể phấn khởi thì chưa. Nước trên dòng kênh vẫn còn đen và hôi thối.

Ông Hoàng nói sẽ kiến nghị UBND thành phố có buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Dương để có biện pháp làm giảm ô nhiễm, vì nếu không, tình trạng ô nhiễm ở phía hạ nguồn con kênh này sẽ lan rộng hơn khi mưa lớn, ngập nước. Dự án cải tạo kênh Ba Bò nhằm chống ngập và giải quyết ô nhiễm môi trường cho khu vực huyện Dĩ An (Bình Dương) và Q.Thủ Đức (TP.HCM). Tuyến kênh Ba Bò dài 1,7 km và tuyến kênh nhánh dài 865m đảm nhận thoát nước cho lưu vực rộng 1.560 ha, gồm 90% diện tích thuộc tỉnh Bình Dương và 10% của TP.HCM, trong đó có các khu công nghiệp VN - Singapore, Sóng Thần 1, 2, Đồng An và khu chế xuất Linh Trung.

Mai Vọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.