Cần xử lý nghiêm ứng viên GS, PGS gửi bài đăng ở tạp chí mạo danh

Quý Hiên
Quý Hiên
19/02/2022 07:38 GMT+7

Theo Hội đồng Giáo sư nhà nước, tất cả phản ánh, kiến nghị và khiếu nại tố cáo có liên quan ứng viên và hoạt động của hội đồng, Hội đồng Giáo sư nhà nước đều yêu cầu các hội đồng kịp thời xem xét, phối hợp giải quyết.

Sau khi nhận được thông tin phản ánh về trường hợp ứng viên Ng.M.T, PV Thanh Niên đã liên hệ với GS Phạm Văn Đức, Chủ tịch Hội đồng (HĐ) liên ngành triết học - chính trị học - xã hội học, nhưng GS Đức từ chối cung cấp thông tin với báo chí. GS Đức nói: “Chúng tôi đã gửi văn bản giải trình cho Văn phòng HĐ Giáo sư nhà nước (GSNN), đề nghị báo lấy thông tin từ văn phòng”.

Tạp chí Journal of Contemporary Issues in Business And Government gốc (trái) tại địa chỉ https://search.informit.org/journal/jcibg và tạp chí mạo danh (phải) tại địa chỉ https://cibgp.com

DƯƠNG TÚ

Nhưng theo nguồn tin riêng của PV Thanh Niên, ngay trong quá trình xét ở HĐ liên ngành, trường hợp ứng viên Ng.M.T đã gây tranh cãi và cuối cùng kết luận chung của HĐ là theo đa số, hồ sơ của ông Ng.M.T được thông qua và được đề xuất lên HĐ GSNN công nhận ứng viên đạt tiêu chuẩn GS. Khi được HĐ GSNN yêu cầu giải trình, HĐ ngành vẫn bảo lưu kết quả xét ban đầu, theo đó HĐ liên ngành vẫn giới thiệu ứng viên Ng.M.T để được HĐ GSNN công nhận đạt tiêu chuẩn GS. Cũng theo nguồn tin này, không phải tất cả bài báo đăng tạp chí quốc tế uy tín mà ông Ng.M.T khai trong hồ sơ đều được HĐ liên ngành tính điểm. Trong số 7 bài đăng tạp chí quốc tế uy tín của ông Ng.M.T, HĐ chỉ tính điểm 3 bài; loại (nghĩa là tính 0 điểm) 4 bài, trong đó có bài đăng trên tạp chí Turcomat. Ngay cả các bài được tính điểm thì điểm cũng rất thấp. Nhưng xét trên tổng thể, hồ sơ của ông Ng.M.T vẫn đạt yêu cầu.

Phải xử lý giống như chuyện “bán bài”

Trao đổi với PV Thanh Niên, GS Ngô Việt Trung, thành viên HĐ ngành toán học, HĐ GSNN, cho rằng việc ông Ng.M.T công bố công trình của mình trên các tạp chí quốc tế mạo danh để được đánh giá về thành tích nghiên cứu khoa học là một hành vi vi phạm liêm chính khoa học, còn nghiêm trọng hơn là “bán bài”. “Nếu HĐ liên ngành chỉ xử lý bằng cách không tính điểm cho các công trình đó là không được. Cần phải xem xét chuyện này giống như chuyện “bán bài”. Có như thế thì việc nhà khoa học VN gửi đăng bài ở các tạp chí quốc tế mạo danh mới chấm dứt trong những năm sau”, GS Ngô Việt Trung nói.

TS Dương Tú, ĐH Purdue (Mỹ), cũng đồng quan điểm trên: “Nếu chỉ đếm bài tính (hay không tính) điểm mà không xem xét việc ứng viên GS, PGS vi phạm liêm chính và đạo đức khi đăng bài trên các tạp chí săn mồi, mạo danh, vi phạm pháp luật, thì HĐ GSNN đã không hoàn thành trách nhiệm của họ”.

Ứng viên Ng.M.T xin rút việc xét giáo sư

Hôm qua (18.2), sau khi Báo Thanh Niên đăng tải bài viết Rộ thông tin ứng viên xét GS, PGS 2021 đăng bài trên tạp chí giả mạo, có thông tin cho biết ứng viên Ng.M.T (một nhân vật được nêu tên trong bài) đã có đơn gửi HĐ GSNN xin rút hồ sơ xét GS của mình. GS Phạm Văn Đức, Chủ tịch Hội đồng GS liên ngành triết học - chính trị học - xã hội học, xác nhận thông tin này là đúng. Còn theo Văn phòng Hội đồng GSNN, văn phòng có nghe thông tin ứng viên Ng.M.T của liên ngành triết học - chính trị học - xã hội học xin rút, nhưng chưa nhận được đơn bản cứng.

Cũng theo TS Dương Tú, theo Quyết định 37/2018/QĐ-TTg thì tiêu chuẩn chung đầu tiên của cả chức danh GS và PGS không vi phạm đạo đức nhà giáo, trung thực, khách quan trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và các hoạt động chuyên môn khác. Một trong những nhiệm vụ của GS, PGS là rèn luyện đạo đức, tác phong khoa học, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và định hướng nghiên cứu khoa học, công nghệ cho đồng nghiệp trong tổ, nhóm chuyên môn. Đối với các ứng viên đăng bài trên tạp chí săn mồi, mạo danh, vi phạm pháp luật, có 2 khả năng chính khiến họ làm như vậy: Hoặc là họ không biết nên vô tình đăng bài trên các tạp chí này; hoặc họ biết đó là các tạp chí có vấn đề nhưng vẫn đăng bài để đủ thành tích làm hồ sơ GS, PGS.

“Trong trường hợp thứ nhất, sự thiếu hiểu biết về các tạp chí lừa đảo sẽ khiến các ứng viên này khó mà hoàn thành nhiệm vụ “bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và định hướng nghiên cứu khoa học, công nghệ cho đồng nghiệp trong tổ, nhóm chuyên môn”. Với khả năng thứ hai thì làm sao những ứng viên cố tình đăng bài trên các tạp chí rởm để gian lận hồ sơ có thể thỏa mãn tiêu chuẩn đạo đức đầu tiên của nhà giáo?”, TS Dương Tú nói.

Còn theo ông Phạm Thịnh, cán bộ Trường ĐH Thủ Dầu Một, việc các HĐ ngành, liên ngành bỏ qua những trường hợp đăng bài trên các tạp chí giả mạo trong khi đã có phản ánh từ dư luận cho thấy các HĐ làm việc qua loa, đại khái, không thực hiện đúng nhiệm vụ, chức trách.

Tiếp tục đề cao tính liêm chính khoa học

Theo PGS Trần Anh Tuấn, Chánh văn phòng HĐ GSNN, Văn phòng HĐ GSNN vẫn thường nhận thông tin thắc mắc về liên quan đến ứng viên và hoạt động của các HĐ qua nhiều kênh, bao gồm ý kiến trên diễn đàn Liêm chính khoa học và các đơn thư nặc danh, trong đó có những trường hợp mà PV Thanh Niên đề cập. Tất cả các thông tin đều được văn phòng chuyển cho các HĐ ngành, liên ngành để xác minh. Sau khi rà soát, HĐ ngành sẽ khẳng định lại bằng văn bản chính thức gửi Văn phòng HĐ GSNN, văn phòng sẽ tổng hợp thông tin từ tất cả HĐ ngành để gửi Thường trực HĐ GSNN, kết quả cuối cùng phụ thuộc vào việc xét của HĐ GSNN. Dự kiến cuối tháng 2, HĐ GSNN sẽ họp.

Quan điểm của HĐ GSNN là mỗi năm nâng cao chất lượng ứng viên được xét dần lên, hướng tới hội nhập quốc tế, đề cao tính công khai, minh bạch và đánh giá đúng chất lượng hồ sơ ứng viên. Trong quá trình xét của các HĐ ngành, HĐ GSNN cũng đã chỉ đạo các HĐ ngành chú ý xem xét về mặt chuyên môn, học thuật, tính liêm chính khoa học trong các công trình khoa học của ứng viên; thẩm tra, phỏng vấn để có đánh giá chính xác, khách quan về những trường hợp ứng viên có số lượng bài báo công bố nhiều bất thường trong thời gian ngắn; thẩm định kỹ những hồ sơ ứng viên có ý kiến phản ánh của xã hội về chất lượng công trình khoa học, chất lượng tạp chí.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.