Cẩn trọng với các 'thuyết âm mưu' lợi dụng dịch Covid-19

15/04/2020 21:14 GMT+7

Dịch bệnh Covid-19 là cơ hội cho sự phát tán của tin giả, tin đồn sai sự thật và tin dạng “thuyết âm mưu” với tần suất và quy mô cực lớn.

Đại dịch Covid-19 đang hoành hành khắp thế giới. Trong thời đại công nghệ thông tin này, toàn cầu đều kết nối với nhau bằng internet, một chuyện xảy ra ở bất kỳ đâu sẽ đến với người dùng net trong nháy mắt với "tốc độ ánh sáng".
Con người luôn lo sợ dịch bệnh sẽ ập đến với bản thân họ và những người thân yêu nhất, chính sự hoang mang lo sợ đã làm người ta lên mạng tìm đọc bất cứ thứ gì có liên quan đến dịch bệnh.
Dịch bệnh cũng là cơ hội cho sự phát tán của tin giả, tin đồn sai sự thật và tin dạng “thuyết âm mưu” (conspiracy theories) với tần suất và quy mô cực lớn. Những tin đồn thất thiệt (đã bị giới hữu trách và chuyên môn lên tiếng phản bác), những cách chữa trị và phòng ngừa Covid-19 (chưa hề được y giới nhìn nhận) đã được chia sẻ rộng rãi trên internet. Điều đáng lo ngại là đã có nhiều người răm rắp tin theo mà không hề nghi ngờ hay suy nghĩ gì cả, và góp phần phát tán chúng theo kiểu “tay nhanh hơn não”, nhắm mắt kích chuột “share” vô tội vạ.

Nhà báo Tom Warren, trưởng ban biên tập trang công nghệ The Verge, đã chụp màn hình đoạn video tung tin giả về sóng 5G, ông đã đăng cảnh báo trên Twitter về video này.

Ảnh chụp màn hình trang tin Fossbytes

Những tin đồn, tin giả đó đã gây nên một số thiệt hại cho các thiết bị công nghệ thế hệ mới, trong bối cảnh người dân Anh đang lo sợ khi dịch Covid-19 ngày càng lan rộng ở nước Anh. Mới đây, BBC và The Guardian đưa tin là trong các tuần lễ vừa qua, có ít nhất 3 tháp phát sóng 5G ở Anh đã bị đốt phá, và 4 tháp khác cũng cho thấy dấu hiệu bị cố tình phá hoại. Chẳng những thế, các kỹ thuật viên lắp đặt cáp quang khi tiến hành lắp đặt hạ tầng mạng đã bị quấy nhiễu và đe dọa bởi các cư dân sống gần đường cáp truyền tải dữ liệu.
Sở dĩ xảy ra chuyện như thế ở Anh là do một tin giả theo “thuyết âm mưu” đang lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội Facebook và NextDoor. Thuyết này cho rằng virus Corona chủng mới phát tán bằng sóng 5G và nước nào triển khai mạng 5G rộng rãi thì chắc chắn sẽ là nạn nhân của dịch bệnh. Đây là thuyết được đông đảo người dùng internet ở Anh “tin như sấm”. Thuyết âm mưu này cho rằng virus Corona chủng mới đã được sóng 5G mang đi khắp nơi trên Trung Hoa lục địa và những quốc gia đã triển khai mạng 5G. Nhưng, nó lại tránh né nhắc tới việc Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn bị đại dịch hoành hành, cho dù ở hai quốc gia này chưa triển khai rộng rãi mạng 5G.
Dầu được đổ thêm vào lửa khi có một số video cũng đang phát tán cực nhanh trên Facebook ở Anh, mô tả rằng chính sóng 5G là thủ phạm tạo nên virus Corona, đồng thời quy kết rằng sóng này gây hại cho cơ thể vì nó sẽ hút không khí ra khỏi phổi người.
Tiến sĩ Simon Clarke, chuyên gia trong lĩnh vực vi sinh học tế bào, đã công bố một báo cáo kết luận rằng việc sóng 5G tạo ra virus Corona hoặc phát tán chúng là vớ vẫn. Cũng như tin đồn sóng 5G làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể cũng hoàn toàn sai lạc. Nhiều nhà khoa học khác cũng đã lên tiếng cho biết, hiện nay chưa có bằng chứng nào cho thấy sóng 5G là tác nhân chính của việc lây lan dịch Covid-19.
Một tổ chức kiểm chứng sự thật ở Anh đã tiến hành một số nghiên cứu về cường độ sóng 5G. Kết quả nghiên cứu cho thấy, thực tế, bức xạ điện từ trường (electromagnetic radiation) của sóng 5G là thấp hơn so với tiêu chuẩn quy định quốc tế.
Ông Nick Jeffrey, CEO của tập đoàn viễn thông Anh Vodafone, đã lên tiếng kết án các hành động phá hoại trạm phát sóng 5G và cho biết cảnh sát đang vào cuộc điều tra để tìm ra thủ phạm. Được biết, đã có 3 trạm 5G của Vodafone và 2 trạm của nhà mạng O2 đã bị phá hoại.
Đại diện của mạng chia sẻ video YouTube cũng cho biết họ sẽ gỡ bỏ những video “thuyết âm mưu”, đồng thời tăng cường kiểm duyệt nội dung các video của người dùng. YouTube tuyên bố sẽ hành động kiên quyết chống lại sự phát tán những video có nội dung thông tin sai lạc và thuyết âm mưu đến người xem. YouTube cũng khuyến cáo người xem nên cẩn thận và cảnh giác, không nên vội vã tin ngay những gì mình đã xem thấy trên internet.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.