Cẩn trọng với bệnh đau mắt đỏ khi thời tiết giao mùa

21/12/2016 13:26 GMT+7

Theo tiến sĩ, bác sĩ Trần Hải Yến, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM, bệnh đau mắt đỏ thực chất là bệnh viêm kết mạc cấp. Bệnh thường xảy ra nhiều vào thời điểm giao mùa, khi thời tiết thay đổi.

Những ngày qua, ghi nhận tại các phòng khám, bệnh viện, số lượng bệnh nhân đến khám vì đau mắt đỏ đang gia tăng. Đây là thời điểm "mùa dịch" của bệnh. Bệnh đau mắt đỏ thường có dịch vào cuối năm khi thời tiết thay đổi, trời trở lạnh.
Bác sĩ Yến cho biết, có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh viêm kết mạc cấp như vi rút, vi khuẩn, có thể do tác nhân môi trường, hóa chất. Vào mùa dịch thì bệnh chủ yếu do nhiễm vi rút adenovirus.
Bệnh có biểu hiện đặc trưng là đỏ mắt. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn bị sưng nề mi mắt, cảm thấy cộm xốn, chảy nước mắt và đặc biệt là chảy nhiều ghèn.
“Bệnh đau mắt đỏ thường kéo dài trong khoảng hai tuần và hầu hết tự khỏi. Tuy nhiên nếu không được điều trị đúng có thể gây ra các biến chứng nặng như: nhiễm trùng mắt, viêm loét giác mạc, thủng giác mạc, viêm tổ chức tại mắt hoặc nặng nhất có thể gây mù mắt”, bác sĩ Yến cho biết.
Theo bác sĩ Yến, trong mùa dịch, nhiều người thấy mắt bị đỏ thì nghĩ bị đau mắt đỏ. Tuy nhiên, thực tế có nhiều bệnh về mắt cũng có triệu chứng đỏ mắt như: viêm màng bồ đào trước, viêm giác mạc, loét giác mạc, viêm củng mạc, glaucoma (cườm nước), chấn thương gây rách kết mạc, giác mạc...
Bệnh đau mắt đỏ không gây đau nhức mắt và nhìn mờ.
“Nếu bệnh nhân cảm thấy mắt mờ hoặc đau nhức phải lưu ý bệnh có biến chứng nặng hoặc đã mắc các bệnh về mắt khác có kèm đỏ mắt”, bác sĩ Yến lưu ý. Vì vậy, để chẩn đoán đúng bệnh, bệnh nhân nên đến khám bác sĩ.
Tự mua thuốc nhỏ mắt, coi chừng… mù
Khi bị đau mắt đỏ, người dân thường tự chữa tại nhà, ra tiệm thuốc tây mua thuốc nhỏ mắt. “Điều này rất nguy hiểm, có thể gây ra nhiều biến chứng hoặc tác dụng phụ”, bác sĩ Yến đánh giá.
Bác sĩ Yến cho biết, khi bị đau mắt đỏ các bác sĩ cho bệnh nhân nhỏ thuốc kháng sinh để ngăn ngừa biến chứng nhiễm khuẩn, kháng viêm, giảm triệu chứng. Bác sĩ sẽ theo dõi và cho ngưng thuốc kịp thời. Nhiều bệnh nhân tự ý mua thuốc nhỏ mắt, có thể là thuốc có chứa corticoid sẽ gây lở loét, nhiễm trùng giác mạc, thậm chí mù.
“Bệnh kéo dài gây bội nhiễm hoặc sử dụng corticoid lâu ngày có thể dẫn đến bệnh glaucoma hay còn gọi là cườm nước, có thể gây mù về sau”, bác sĩ Yến khuyến cáo.
Bệnh nhân bị đau mắt đỏ tự mua thuốc nhỏ mắt có thể bị biến chứng nguy hiểm Ảnh: Shutterstock
Bên cạnh đó, theo bác sĩ Yến, chữa theo phương pháp dân gian bằng cách xông lá trầu, rau răm có thể làm giảm bớt triệu chứng phù nề mi mắt. Tuy nhiên không có tác dụng chữa bệnh. Nếu không cẩn thận có thể bị bỏng mi mắt hoặc trầy, bỏng, loét giác mạc gây biến chứng thậm chí dẫn đến mù mắt.
“Vì vậy, người bệnh tuyệt đối không tự ý mua thuốc để nhỏ mắt hoặc tự chữa bệnh đau mắt đỏ tại nhà”, bác sĩ Yến nói.
Đau mắt đỏ lây qua đường hô hấp
Người bệnh nên đeo kính, không nhìn vào mắt người bị đau mắt đỏ là cách phòng ngừa lây bệnh phổ biến được người dân thực hiện. Tuy nhiên, bệnh đau mắt đỏ có thể lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, với dịch tiết của người bệnh (nước mắt, nước bọt); hay qua bàn tay (khi bắt tay, dụi mắt).
Bệnh cũng lây gián tiếp khi dịch tiết của người bệnh dính vào dụng cụ cá nhân, đồ dùng và người khác chạm phải.
Rửa tay, rửa mặt thường xuyên là cách hiệu quả để phòng bệnh đau mắt đỏ trong mùa dịch Ảnh: Đào Ngọc Thạch
“Vì vậy người trong gia đình, trường học, công sở dễ lây cho nhau. Chứ không phải bệnh đau mắt đỏ bị lây do nhìn vô mắt người bệnh”, bác sĩ Yến nhấn mạnh. Để phòng bệnh, người dân nên giữ vệ sinh, đặc biệt là rửa tay, rửa mặt thường xuyên.
Bông băng vệ sinh mắt mà người bệnh đã dùng cần bỏ vào thùng rác, không nên dùng khăn lau đi lau lại nhiều lần.
Bác sĩ Yến khuyên: Khi chúng ta có cảm giác mắt cộm xốn, đỏ, chảy nước mắt, ngủ dậy thấy ghèn tiết nhiều thì cần đến bệnh viện khám, nhất là trong gia đình, lớp học hay cơ quan đã có người mắc bệnh. Phụ huynh cần để ý đến trẻ vì trẻ thường không ý thức được bệnh và dụi mắt nhiều làm trầy, viêm giác mạc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.