Cần thực chất trong chuyện học sinh nghiên cứu khoa học

04/01/2023 07:00 GMT+7

Chia sẻ của những người trong cuộc với Thanh Niên về chuyện học sinh nghiên cứu khoa học cho thấy từ chủ trương đến thực tiễn có độ vênh quá lớn và nhiều vấn đề cần suy ngẫm.

Trong bài viết Nghịch lý chuyện học sinh nghiên cứu khoa học, Thanh Niên đã lấy ý kiến của nhiều giáo viên, chuyên gia người trong cuộc, có kinh nghiệm hướng dẫn và phụ trách các dự án khoa học kỹ thuật (KHKT) của học sinh (HS).

Trước đó, cuối tháng 11.2022, Sở GD-ĐT TP.HCM ra hướng dẫn mới triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) và tổ chức cuộc thi KHKT cấp thành phố dành cho HS trung học đến các trường THCS, THPT. Trong đó, Sở GD-ĐT đưa ra 22 lĩnh vực dự thi với những nội dung chuyên sâu. Tuy nhiên, đa số các ý kiến mà Thanh Niên ghi nhận cho thấy chưa thực chất bởi lẽ HS chưa có đủ kiến thức để nghiên cứu; thậm chí một số ý kiến còn phản ánh có đề tài giáo viên bảo trợ đóng góp hết 7 phần, hay “đặt mua”, “đặt làm” và HS chỉ cần học thuộc nội dung để đi thi...

Không nên chỉ để “chạy đua”

Bạn đọc (BĐ) Trần Thị Ngọc Ngân chia sẻ: “Từ góc nhìn của một sinh viên ĐH, thực sự vấn đề NCKH ngày nay khiến tôi phải mệt mỏi và ngán ngẩm. Lên đến bậc ĐH, chọn ra một đề tài để nghiên cứu đã rất “đau đầu, nhức óc”, chưa kể phải đáp ứng tiêu chí này kia mới được giảng viên hỗ trợ, huống chi các bạn HS ở các cấp dưới. Thực tế cạnh tranh nhau vì danh tiếng, thành tích luôn luôn xuất hiện trong giáo dục. Biết là nhức nhối nhưng chẳng ai đứng ra giải quyết cho triệt để…”.

Học sinh cần một sân chơi sáng tạo, vừa tầm để tạo động lực, niềm vui trong học tập

NGỌC DƯƠNG

Nhiều BĐ cho rằng sẽ không là thực chất và hiệu quả nếu đề tài NCKH dành cho HS lại do phụ huynh hay giáo viên bảo trợ thực hiện. Trong số đó, như ý kiến của một số giáo viên có thâm niên trong việc phụ trách KHKT chia sẻ, có một số đề tài NCKH thực chất là “xào nấu”, đặt làm, chia nhỏ từ các đề tài khác...

“Nếu hoạt động NCKH của HS không thực chất, chỉ nhằm “chạy đua” để lấy thành tích trong lĩnh vực KHKT thì nên chấm dứt việc này càng sớm càng tốt. Bởi, điều quan trọng hơn là nếu để tình trạng HS NCKH không thực chất này tồn tại, HS sẽ học được những gì ngoài sự giả dối trong học thuật?”.

Nên có những cuộc thi sáng tạo vừa tầm

Theo nhiều ý kiến BĐ, HS tích cực nghiên cứu, tìm tòi và tham gia NCKH, có những cơ hội cọ xát với thực tế để mở rộng kiến thức là điều rất tốt. Tuy nhiên, chỉ nên coi đó là hình thức học tập thông thường để định hướng cho tương lai, không nên tổ chức cuộc thi và giải này, giải nọ. Hiện nay có nhiều cuộc thi, nhiều giải thưởng nhưng kết quả mang lại thì không có mấy ý nghĩa thực tế. Mặt khác cần đánh giá nghiêm túc kết quả nghiên cứu được.

BĐ Hoang Thuong cho rằng ngành giáo dục nên thẳng thắn nhìn nhận thực trạng nêu trên để chấn chỉnh. Bởi những ý kiến của các giáo viên, chuyên gia được nêu trong bài viết đều là những phản ánh đầy tâm huyết vì một nền giáo dục thực chất. “Không nên tạo thói háo danh, không phù hợp với lứa tuổi của các em HS. Nên có những cuộc thi sáng tạo vừa tầm cho các em”, BĐ Hoai Thuong đề nghị.

“Theo tôi, quy định mỗi dự án dự thi cho phép có một giáo viên đang công tác tại đơn vị có HS dự thi bảo trợ và có thể thêm người hướng dẫn khoa học là các nhà khoa học chuyên ngành thuộc các trường ĐH, viện nghiên cứu, cơ sở khoa học công nghệ và có thể là cha, mẹ, người thân của HS... là kẽ hở gây nên thực trạng nêu trên. Lý do, nếu giáo viên, người hướng dẫn khoa học, phụ huynh… không trung thực, tự mình làm hết cho HS vì một mục đích nào đó thì cơ chế nào để giám sát, kiểm tra?”, BĐ Huỳnh Khoa đặt vấn đề.

Người lớn làm hư trẻ nhỏ ngay trong cách mình làm thì làm sao giáo dục? Chúng ta đừng dung túng cho thói giả tạo trong nckh. Điều này đi ngược với triết lý của khoa học là dựa trên tính chân thực.

P.T.Tien

Giao cho HS một việc hoàn toàn ngoài khả năng, kiến thức. Tương tự, giao cho giáo viên dạy cái không được đào tạo ở bậc ĐH; giáo viên lý dạy hóa sinh, giáo viên sinh dạy lý hóa, giáo viên toán dạy tích hợp lý - hóa sinh. Hậu quả rất nhiều câu chuyện cười ra nước mắt. Chúng ta nên chấn chỉnh ngay!

Mai Anh Toàn

Cũng cần cảnh giác với tình huống sử dụng các đề tài NCKH để làm “bước đệm” cho HS. Theo đó, đối với cấp THPT, việc đoạt các giải NCKH sẽ giúp HS được tuyển thẳng vô các trường “top”. Đặt trường hợp, nếu đề tài NCKH đó được “mua”, được đặt làm cho HS thì xác minh, kiểm tra như thế nào?

Le Van Vinh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.