Cần thống nhất quy chế phối hợp vận hành hồ chứa

15/06/2012 17:58 GMT+7

(TNO) Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, các nhà máy thủy điện phải làm việc cụ thể với địa phương, thống nhất quy chế phối hợp vận hành hồ chứa để đảm bảo lượng nước xả hợp lý cả mùa lũ và mùa khô, ưu tiên nước cho sản xuất nông nghiệp.

(TNO) Đoàn công tác của Bộ Công thương do Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng dẫn đầu ngày 15.6 đã làm việc với UBND tỉnh Phú Yên về việc vận hành hồ chứa, phòng chống lụt bão của các nhà máy thủy điện đóng trên địa bàn.

Hiện tỉnh Phú Yên có ba nhà máy thủy điện lớn đang hoạt động là Sông Ba Hạ, Vĩnh Sơn Sông Hinh và Krông H'năng cũng như hai dự án thủy điện nhỏ khác đang xây dựng là Đá Đen (H.Tây Hòa) và La Hiêng (H.Đồng Xuân).

Mặc dù ba dự án thủy điện lớn đã hoạt động nhưng hiện vẫn còn nhiều bất cập liên quan đến công tác tái định canh, định cư, khôi phục lại rừng vì thủy điện, công tác vận hành hồ chứa và công tác phòng chống lũ lụt.

Theo báo cáo của tỉnh Phú Yên, sau 8 năm kể từ khi thực hiện dự án thủy điện Sông Ba Hạ, việc cấp đất sản xuất cho dân vẫn chưa hoàn tất nên người dân thiếu đất sản xuất. Vì thế người dân đã phá rừng làm rẫy.

Đối với thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh, vì thiếu đất sản xuất nên người dân đã quay trở lại khu vực đất đã đền bù làm thủy điện để sản xuất mỗi khi mùa khô đến. Để giải quyết tình trạng này, UBND tỉnh giao cho UBND H.Sông Hinh chuyển đổi 49 ha rừng phòng hộ liên cư liên địa ở khu vực xã Sông Hinh (H.Sông Hinh) để cấp đất sản xuất cho dân, tạo quỹ đất khác để trồng lại rừng.

Được biết, tỉnh Phú Yên đã mất hơn 10.000 ha đất để xây dựng các nhà máy thủy điện, trong đó có rừng. Thế nhưng, các nhà máy thủy điện vẫn chưa trồng rừng để khôi phục môi trường như báo cáo đánh giá tác động môi trường. Hiện chỉ có Công ty CP thủy điện Sông Ba Hạ trồng 24,5 ha trong tổng diện tích phải trồng là 204,3 ha.

Theo phản ánh của các nhà máy thủy điện, hiện chưa thể triển khai trồng rừng do thiếu quỹ đất. Diện tích rừng trồng theo báo cáo tác động môi trường của các nhà máy thủy điện vẫn chưa được địa phương bố trí quỹ đất.

Riêng về công tác vận hành hồ chứa, cung cấp nước mùa kiệt, ông Lê Chí Trọng - Phó giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên phản ánh, lượng nước các nhà máy thủy điện trả về sông Ba vào mùa khô kiệt rất thấp nên mực nước ở công trình thủy nông Đồng Cam thường dưới tràn, nước không vào cống tưới. Vì vậy, vào mùa khô tình trạng thiếu nước sản xuất vùng lúa hạ du Tuy Hòa lại xảy ra.

Ngoài ra, từ năm 2010,  thủy điện An Khê - Kanat vận hành, lấy nước từ sông Ba nhưng lại trả về sông Kôn (Bình Định) nên nên xuất hiện dòng sông “chết” trên sông Ba (tỉnh Gia Lai). Chính thủy điện An Khê - Kanat đã khiến mùa khô ở vùng hạ lưu sông Ba trở nên khô hạn trầm trọng.

Một vướng mắc khác là việc vận hành liên hồ trong điều tiết lũ. Theo ông Đào Tấn Cam - Giám đốc Sở Công thương Phú Yên, quy trình vận hành đã được Thủ tướng phê duyệt nhưng trên sông Ba có nhiều hồ chứa như Ayun Hạ, An Khê - Kanat thuộc tỉnh Gia Lai nên quá trình xả lũ cũng thuộc hai hồ này.

“Đề nghị Bộ Công thương sớm thành lập ban chỉ đạo điều hành quy trình vận hành liên hồ chứa trên sông Ba để điều hành việc xả lũ”, ông Cam kiến nghị. Tỉnh Phú Yên còn đề nghị điều chỉnh thời gian thông báo xả lũ từ 4 - 6 giờ trước khi xả lũ, quy định thống nhất hiệu lệnh xả lũ để người dân vùng hạ du biết mà tránh lũ.

Tại buổi làm việc, ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công thương - đã chỉ đạo các nhà máy thủy điện sớm giải quyết các tồn tại về công tác tái định canh, định cư cũng như khôi phục lại rừng vì thủy điện.

“Việc trồng rừng cải tạo môi trường, các địa phương nơi có nhà máy thủy điện phải xác định nguồn đất để các nhà máy trồng rừng theo kế hoạch. Nếu các huyện không bố trí được quỹ đất thì có thông báo để các nhà máy miễn trách nhiệm trồng rừng theo kế hoạch ban đầu”, Thứ trưởng Vượng nói.

Về dòng chảy tối thiểu, ông Vượng cho biết, các nhà máy thủy điện phải làm việc cụ thể với địa phương, thống nhất quy chế phối hợp vận hành hồ chứa để đảm bảo lượng nước xả hợp lý cả mùa lũ và mùa khô, ưu tiên nước cho sản xuất nông nghiệp. Riêng thủy điện An Khê - Kanat, ông Vượng nói: “Bộ có chỉ đạo để nhà máy này vận hành đảm bảo dòng chảy tối thiểu và yêu cầu các địa phương phải có quy trình phối hợp chặt chẽ để việc xả nước của nhà máy không ảnh hưởng đến vùng hạ du”.

Đức Huy

>> Giữa tháng 6 sẽ xử lý chống thấm đập Sông Tranh 2
>> Mới hoàn tất kiểm định an toàn 17/66 đập thủy điện
>> Tạm dừng thỏa thuận địa điểm lập dự án thủy điện
>> Hồ thủy điện đồng loạt xả lũ, nhiều nơi bị ngập, chia cắt
>> Thủy điện Sông Ba Hạ xin rút kinh nghiệm trong xả lũ
>> Phú Yên: Thủy điện lại xả lũ, hạ du tiếp tục bị uy hiếp
>> Yêu cầu thủy điện hỗ trợ nông dân
>> Vụ rò rỉ đập thủy điện Sông Tranh 2: Chưa ai nhận trách nhiệm
>> Vụ thủy điện sông Tranh 2 gặp sự cố: Nhiều công trình liên quan cũng kém chất lượng
>> Lo lắng về sự cố đập thủy điện Sông Tranh 2 thấm nước
>> “Đừng chủ quan với sinh mạng người dân”
>> Đập Sông Tranh 2: Xử lý rò rỉ bằng keo chống thấm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.