Cần thống nhất một đầu mối quản lý an toàn thực phẩm

05/07/2023 17:35 GMT+7

Ngày 5.7, tại TP.HCM, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ Y tế tổ chức hội thảo triển khai Chỉ thị 17 ngày 21.10.2022 của Ban Bí thư về tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, mặc dù công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm đã đạt được nhiều kết quả nhưng còn bộc lộ một số tồn tại hạn chế.

Đó là hệ thống cơ cấu tổ chức còn chưa thống nhất và đồng bộ, tình trạng ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm vẫn còn. Đặc biệt là các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, trường học bước đầu đã được kiểm soát, nhưng vẫn còn nguy cơ cao. 

Việc kinh doanh trực tuyến, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai sự thật, gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Ngoài ra, việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý chưa đạt hiệu quả cao.

Cần thống nhất một đầu mối quản lý an toàn thực phẩm - Ảnh 1.

Cần thống nhất đầu mối quản lý an toàn thực phẩm

XUÂN KHÁNH

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, hệ thống tổ chức và quản lý an toàn thực phẩm trong cả nước chưa thống nhất về mô mình. Ở Trung ương thì có Cục An toàn thực phẩm. Ở các tỉnh, chỉ có 3 tỉnh thí điểm Ban Quản lý an toàn thực phẩm ở TP.HCM, Bắc Ninh, Đà Nẵng; còn các tỉnh khác thì có Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Phòng An toàn vệ sinh thực phẩm. 

Ngay quản lý y tế cấp huyện, có tỉnh giao Sở Y tế, có tỉnh giao UBND huyện. Qua khảo sát thực tế, có tỉnh giao một nửa cho UBND huyện quản lý, một nửa là Sở Y tế quản lý.

Bệnh cạnh đó là tình trạng ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm, đặc biệt là ở các bếp ăn tập thể. Vừa qua, ở TP.HCM xảy ra các trường hợp ngộ độc do botulinum, thực phẩm là thức ăn đường phố…

"Vấn đề quản lý bệnh truyền qua thực phẩm ở các bếp ăn tập thể, từ khâu nuôi trồng đến thu hoạch, vận chuyển, đến chế biến và nhập khẩu phải qua đến 3 bộ quản lý: Bộ NN-PTTN, Bộ Công thương và Bộ Y tế. Như vậy, muốn đảm bảo an toàn thực phẩm, trước hết phải có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ", Thứ trưởng Bộ Y tế nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đề cập đến vấn đề về quảng cáo và kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm. Ông nhấn mạnh, thực phẩm chức năng được quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là các mạng xã hội được xem như thuốc chữa bệnh và giá rất cao. 

Mặc dù đã có quy định, đã là nội dung quảng cáo thì phải được nhà nước duyệt và trong quảng cáo phải ghi rõ "đây không phải là thuốc". Nhưng thực tế, nội dung quảng cáo nêu tác dụng của thực phẩm chức năng thì chữ rất to nhưng nội dung "đây không phải là thuốc" thì nhỏ. Chưa kể là quảng cáo quá nội dung được cấp phép.

Mặt khác, còn hiện tượng quảng cáo sử dụng và lạm dụng hình ảnh các nghệ sĩ, bác sĩ, dược sĩ, người nổi tiếng.

"Bộ Y tế được Chính phủ giao đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện luật An toàn thực phẩm. Bộ Y tế đang lấy ý kiến để tham mưu Chính phủ trình Quốc hội sửa luật An toàn thực thẩm. Mục đích cuối cùng là chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân", Thứ trưởng Bộ Y tế nói.

PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, trước đây cứ nghĩ liên quan đến an toàn thực phẩm là của Bộ Y tế nhưng không phải vậy, Bộ Y tế được giao nhiệm vụ tập hợp chung. 

Chính phủ giao Bộ Y tế quản lý 6 nhóm ngành hàng (đã phân cấp cho địa phương 4 nhóm), Bộ NN-PTNT quản lý 19 nhóm, Bộ Công thương quản lý 8 nhóm. Ở cấp bộ không chồng chéo hay bỏ trống trong quản lý Nhà nước, nhưng ở cấp địa phương thì có vấn đề do chưa có mô hình thống nhất.

"Chúng tôi đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Với chỉ đạo theo Chỉ thị 17 của Ban Bí thư, của Chính phủ thì hy vọng sẽ có một bộ máy về quản lý an toàn thực phẩm thống nhất từ Trung ương đến địa phương và thống nhất một đầu mối. Hy vọng sẽ giải quyết được những tồn tại", PGS-TS Nguyễn Thanh Phong nói.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.