Cần thiết cho phòng, chống dịch Covid-19

Liên Châu
Liên Châu
21/01/2022 06:53 GMT+7

Khai báo y tế đã được áp dụng từ 2 năm qua trong phòng, chống dịch Covid-19 . Hiện khai báo y tế đã được áp dụng rộng rãi và được các chuyên gia đánh giá vẫn cần được duy trì, trong bối cảnh VN chung sống an toàn với Covid-19.

Áp dụng với 2 nhóm chính

Theo ông Vũ Ngọc Long, Phó trưởng phòng Kiểm soát dịch bệnh (Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế), hiện nay việc khai báo y tế (KBYT) được áp dụng gồm 2 nhóm chính là KBYT trước khi nhập cảnh và KBYT nội địa (gồm có KBYT di chuyển nội địa và khai báo khi đến các địa điểm công cộng, nơi đông người). KBYT dùng cho nhập cảnh là phần mềm có địa chỉ website: tokhaiyte.vn, và KBYT trong nội địa thông qua ứng dụng PC-Covid.

Đánh giá về hiệu quả của việc áp dụng KBYT trong phòng, chống dịch Covid-19, ông Long cho hay: “Thời gian qua, KBYT đã góp phần đáng kể vào việc cung cấp thông tin các trường hợp nhập cảnh, các trường hợp đi từ các khu vực dịch có nguy cơ cao về các địa phương, cũng như các trường hợp tiếp xúc với các trường hợp mắc Covid-19. Trên cơ sở thông tin KBYT, cán bộ y tế điều tra, truy vết đã chủ động liên hệ hướng dẫn và giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch một cách nhanh nhất ngay khi phát hiện có yếu tố nguy cơ nên đã triển khai sớm hơn, tiết kiệm thời gian và có hiệu quả hơn so với phải chờ có thông tin từ kết quả điều tra trực tiếp”.

Tiếp tục hoàn thiện các ứng dụng khai báo y tế

Theo ý kiến của một số chuyên gia dịch tễ, VN đang thực hiện chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; các hoạt động của người dân từng bước trở về trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, trước sự xuất hiện các biến chủng mới của SARS-CoV với khả năng lây lan nhanh; trong bối cảnh nhu cầu giao lưu đi lại của người dân tăng cao trong dịp tết và đầu năm, nguy cơ số trường hợp mắc có thể tăng nhanh trong thời gian tới.

Ông Vũ Ngọc Long cũng chia sẻ về phương thức KBYT trong xu hướng dịch được dự báo: “Thay vì giám sát tất cả những người di chuyển, việc KBYT, truy vết sẽ quan tâm đến những địa bàn trọng điểm, có ổ dịch diễn biến bất thường, những người đi về từ những khu vực xuất hiện những biến thể mới, người tiếp xúc với ca bệnh để giúp truy vết, hướng dẫn sớm các biện pháp phòng chống dịch và xử lý ổ dịch một cách kịp thời. Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ TT-TT rà soát lại để tiếp tục hoàn thiện các ứng dụng KBYT để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân”.

TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng hệ thống tiếp nhận và lưu trữ dữ liệu vẫn phát huy hiệu quả. Ví dụ khi có các hành khách trên cùng chuyến bay với ca nhiễm Omicron, việc truy vết, liên hệ với các hành khách đó vẫn được thực hiện. Các ca liên quan F0, tùy mức độ vẫn cần được cách ly, theo dõi sức khỏe theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Việc này giúp cho các trường hợp liên quan ca F0 đó không chủ quan, có ý thức theo dõi sức khỏe, kịp thời được chăm sóc y tế khi có bảo vệ chính mình và người xung quanh.

Đồng tình với TS Huy Nga, PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng VN, cho rằng KBYT hiện vẫn và biện pháp cần thiết cho phòng, chống dịch. Và cá nhân KBYT cũng sẽ tuân thủ tốt hơn, vì họ hiểu rằng về cơ bản, các yếu tố dịch tễ đã được cơ quan phòng chống dịch giám sát.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.