Can thiệp mạch não cứu sống bé sơ sinh mắc bệnh hiếm gặp

Bùi Ngọc Long
Bùi Ngọc Long
24/03/2022 17:44 GMT+7

Các y bác sĩ đã thực hiện thành công ca can thiệp bít dò mạch não bằng coil, cứu sống một cháu bé sơ sinh mắc chứng dị dạng mạch máu não hiếm gặp.

Ngày 24.3, thạc sĩ, bác sĩ CK2 Hoàng Lan Hương, Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, cho biết các y bác sĩ của bệnh viện đã thực hiện thành công ca can thiệp bít dò động tĩnh mạch Galen bằng coil, cứu sống một cháu bé sơ sinh mắc chứng dị dạng mạch máu não hiếm gặp.

Cháu bé sau 6 ngày được can thiệp đã phát triển tốt và xuất viện

H.L.H

Sau 6 ngày thực hiện ca can thiệp, đến nay bé đã thở được khí trời, bú mẹ tốt và được xuất viện.

Trước đó, trong quá trình sàng lọc trước sinh cho thai phụ T.T.Nh. (29 tuổi, trú H.Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế), các y bác sĩ phát hiện trẻ có dị tật phình tĩnh mạch não (hay còn gọi là tĩnh mạch Galen).

Nhận thấy thai kém phát triển, các y bác sĩ đã chỉ định mổ lấy thai ở tuần thai thứ 36. Sau khi mổ, cháu bé ra đời trong tình trạng thiểu dưỡng, nặng chỉ 1,8 kg, suy hô hấp và hạ đường máu.

Ngay sau khi được sinh, cháu bé được chụp MRI sọ não và chẩn đoán dò động tĩnh mạch Galen, các nhánh dò từ động mạch não sau hai bên dò vào tĩnh mạch Galen, phình tĩnh mạch Galen.

Ca can thiệp thành công là một kỳ tích

Bác sĩ CK2 Nguyễn Thị Diễm Chi, Phó giám đốc Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Trung ương Huế), cho biết đây là một trường hợp dị dạng mạch máu não hiếm gặp, có tỷ lệ 1/25.000 cuộc sinh. Nếu không được can thiệp sớm thì trẻ sẽ có nguy cơ cao bị rối loạn về thần kinh, suy tim và tỷ lệ tử vong cao lên đến 90%.

Với mong muốn cứu sống cháu bé, sau 22 ngày chăm sóc đặc biệt trong lồng kính, các y bác sĩ của Trung tâm Nhi khoa đã phối hợp với khoa Đột quỵ của Bệnh viện Trung ương Huế chỉ định chụp và nút dị dạng thông động tĩnh mạch não số hóa xóa nền cho bệnh nhi.

Ê kíp can thiệp bít dò mạch máu não cho cháu bé sau khi thực hiện thành công thủ thuật can thiệp

H.L.H

Kết quả ê kíp can thiệp của khoa Đột quỵ đã can thiệp thủ thuật đặt coil bít dò động tĩnh mạch Galen thành công cho cháu bé.

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Vũ Huỳnh, Phó trưởng khoa Đột quỵ (Bệnh viện Trung ương Huế), cho biết can thiệp nút mạch đối với trẻ sơ sinh thường được trì hoãn tới lúc bệnh nhân được 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, trường hợp bệnh nhi được can thiệp từ tuổi sơ sinh rất ít được thực hiện, ngay ở tại các trung tâm đột quỵ lớn trên thế giới bởi liên quan đến tay nghề, dụng cụ thích hợp và nguy cơ cao đi kèm thủ thuật. Cho nên, việc can thiệp nút mạch thành công cho cháu bé sinh non (chỉ 22 ngày tuổi) là một kỳ tích của các y bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế.

Các y bác sĩ Trung tâm Nhi khoa và khoa Đột quỵ cùng chúc mừng gia đình ngày cháu xuất viện

H.L.H

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Thị Diễm Chi, trường hợp dò động tĩnh mạch, phình tĩnh mạch Galen này được phát hiện bằng sàng lọc trước sinh và được can thiệp nút mạch rất sớm, giúp thay đổi tiên lượng cuộc sống của trẻ về sau.

Theo Tổng cục Dân số Việt Nam, mỗi năm ước tính có khoảng 1 triệu trẻ em được sinh ra và có khoảng 22.000 đến 30.000 trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh. Nếu được sàng lọc trước sinh và sơ sinh tốt sẽ phát hiện được khoảng 1.700 trẻ bị thalassemia thể nặng, 1.400 trẻ bị Down, 500 trẻ bị dị tật ống thần kinh, 200 trẻ bị suy giáp trạng bẩm sinh, 10.000 đến 20.000 trẻ bị thiếu men G6PD và nhiều bệnh lý di truyền, dị tật bẩm sinh khác như tim bẩm sinh…

Trẻ sinh ra không may bị tật nguyền hoặc thiểu năng trí tuệ không chỉ là sự thiệt thòi, nỗi đau cho trẻ mà còn là gánh nặng cho gia đình và toàn xã hội. Vì vậy, sàng lọc trước sinh và sơ sinh nhằm chủ động phát hiện, can thiệp và điều trị các dị tật, các rối loạn chuyển hóa, di truyền ngay trong giai đoạn bào thai và sơ sinh giúp cho trẻ sinh ra phát triển bình thường hoặc tránh những hậu quả nặng nề về thể chất và trí tuệ, giảm thiểu số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.