Can thiệp đặt stent trong điều trị xơ vữa động mạch

Được xem là nguyên nhân gây ra các biến chứng nguy hiểm về mạch máu ngoại biên và mạch máu não, xơ vữa động mạch hình thành từ 30 tuổi trở lên và bắt đầu tiến triển trầm trọng hơn ở độ tuổi 50.

Đặc biệt ở độ tuổi 50 chiếm đến 85% tỷ lệ mắc bệnh xơ vữa động mạch.
Mới đây, ông P.K.L (72 tuổi, Lý Sơn, Quảng Ngãi) đến khám tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng trong tình trạng đau chân phải, kèm đau khớp bàn chân trái, teo cơ và đau tăng khi di chuyển phải đi lại cách hồi nhưng không đỡ. Qua kết quả siêu âm mạch máu, ông được chẩn đoán xơ vữa gây tắc động mạch đùi chi dưới. Nếu tình trạng bệnh kéo dài và không được điều trị kịp thời sẽ gây loét chân, vết thương lâu lành, thậm chí là cắt cụt chi.
Bà Đ.T.C (78 tuổi, Hòa Khánh, Đà Nẵng) nhập viện tại khoa Tim mạch vì xoàng đầu, chóng mặt, tăng huyết áp dùng thuốc nhưng không đỡ, kèm tiểu đường và thiếu máu cục bộ. Các bác sĩ xác định bà bị hẹp nặng động mạch cảnh phải, tiên lượng dè dặt qua kết quả chụp CT và siêu âm mạch máu. Các động mạch cảnh nằm trên mỗi bên cổ và có chức năng đưa máu từ tim lên não, chính vì vậy khi động mạch cảnh bị hẹp sẽ dẫn đến giảm lưu lượng dòng máu não, và gây đột quỵ nhồi máu não hoặc các cơn thiếu máu não thoáng qua.
Cả hai trường hợp trên tuy khác nhau ở vị trí phát bệnh là chân và não nhưng lại cùng một nguyên nhân là do xơ vữa động mạch gây ra. Động mạch là các mạch máu chuyên chở ô xy và chất dinh dưỡng cho cơ thể, trong điều kiện bình thường, các động mạch rất mềm và đàn hồi. Nếu thành động mạch trở nên dày và cứng lên do các mảng lipid, cholesterol và một số chất khác sẽ hình thành các mảng xơ vữa. Khi các mảng xơ vữa này bị vỡ ra, dẫn đến việc hình thành các cục máu đông làm tắc nghẽn các mạch máu bị tổn thương. Từ đó có thể dẫn đến thiếu máu nuôi các cơ quan do động mạch đó nuôi dưỡng, quan trọng nhất là tim (nhồi máu cơ tim, đột tử) và ở não (tai biến mạch máu não).
Hẹp động mạch chi dưới
Hẹp động mạch chi dưới
Các bác sĩ khoa Tim mạch đã hội chẩn viện và đưa ra hướng điều trị cho ông P.K.L cần phải chụp DSA và can thiệp động mạch chi dưới, cũng như bà Đ.T.C cần can thiệp động mạch cảnh. Và ê kíp khoa Tim mạch Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng đã phối hợp cùng ThS-BS Trần Bá Hiếu - chuyên gia về lĩnh vực can thiệp mạch máu ngoại biên Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội can thiệp thành công cho ông L. và bà C. Ê kíp đã đặt stent (giá đỡ) và dùng bóng nong vị trí tổn thương (động mạch cảnh và động mạch chi dưới), ép các mảng xơ vữa vào thành động mạch, tái lưu thông dòng máu lên não và lên các chi, từ đó giúp giảm đáng kể nguy cơ đột quỵ, nhồi máu não cũng như hoại tử, cắt cụt chi gây tàn phế cho người bệnh.
Xơ vữa động mạch là bệnh lý âm thầm, đang ngày càng phổ biến và gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, thậm chí gây tử vong nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Người dân cần lưu ý đến các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, hút thuốc lá, ít vận động và tập thể dục… từ đó có chế độ điều chỉnh lối sống và chế độ ăn uống nhằm tránh và hạn chế được căn bệnh nguy hiểm này.
Là chuyên khoa mũi nhọn của Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, trong 11 năm hoạt động, Đơn vị Tim mạch đã thực hiện thành công hơn 10.000 ca can thiệp tim mạch và phẫu thuật tim, cũng như phối hợp cùng các chuyên gia đầu ngành trong cả nước cùng ngăn chặn các biến chứng và bảo vệ tính mạng của người dân do căn bệnh tim mạch gây nên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.