Cần thị trường cho ban nhạc

Ngọc An
Ngọc An
05/07/2020 06:27 GMT+7

Một sân chơi mới cho những ban nhạc Việt vừa được ra mắt. Chuỗi chương trình Bandland do nhạc sĩ - nhà sản xuất Dương Cầm khởi xướng, với sự tham gia của Muse Production, được phát đều đặn hằng tuần trên kênh YouTube, cùng với đó là những chương trình biểu diễn được lên kế hoạch.

“Mảnh đất ngày một mở rộng hơn”

“Mong muốn lớn nhất của Bandland là tạo nên cộng đồng tài năng, sự chia sẻ, học hỏi lẫn nhau, bằng niềm đam mê, sự sáng tạo cho âm nhạc. Sân chơi Bandland hoàn toàn miễn phí. Các bạn chỉ cần đến đây chơi, thể hiện niềm đam mê, sự sáng tạo trong âm nhạc”, nhạc sĩ Dương Cầm chia sẻ. Anh hiện là Trưởng nhóm ban nhạc Background. “Tôi và các thành viên trong ban nhạc cũng thiếu một sân chơi.

Đa phần các ban nhạc thường chơi nhạc trong các bar, sân khấu ở quán cà phê nhạc sống... Có ban chơi rất hay nhưng vẫn đánh ở nhà hàng, tiệc cưới. Chúng ta đang thiếu sân chơi, cũng như sân khấu chuyên nghiệp dành cho ban nhạc

VIẾT THANH, ban nhạc rock Unlimited

Để duy trì được ban nhạc ở Việt Namhiện nay, ngoài tình cảm gắn bó, chúng tôi vẫn loay hoay và mày mò, chấp nhận chơi ở những sân chưa hẳn là đúng như mong muốn, bởi cuộc sống. Đây cũng là câu chuyện của nhiều ban nhạc khác. Trong khi, nhiều ban nhạc hiện nay rất tài năng. Bởi vậy, chúng tôi muốn Bandland là sân chơi chung cho chính mình và các đồng nghiệp”, nhạc sĩ lý giải một trong những lý do tạo nên Bandland.
Trong khoảng vài năm trở lại đây, sân chơi dành cho ban nhạc được để ý hơn. Tuy vậy, không có nhiều sân chơi có thể diễn ra định kỳ, thường xuyên, thậm chí tiếp tục tồn tại, vì nhiều nguyên nhân. Với Bandland, nhạc sĩ Dương Cầm nói anh không thấy có gì phải lo về việc dự án có thể kéo dài hay không. “Chính các ban nhạc là những người vun xới cho mảnh đất này. Tôi đang thấy mảnh đất ngày một mở rộng hơn”, anh nói.
Nhạc sĩ Dương Cầm đã tự bỏ tiền túi cho cuộc chơi này. Anh cho hay một tuần sau khi bật nút kiếm tiền từ YouTube, Bandland đã nhận được 1 USD đầu tiên. “Tất nhiên, chúng tôi không hy vọng kiếm tiền từ đây, mà để từ sân chơi này, khi những ban nhạc đủ lớn, sẽ có những show diễn và các bạn hưởng lợi từ đấy”, nhạc sĩ chia sẻ.

Từ sân chơi ra sân khấu

Sunday Chill, một ban nhạc từng xuất hiện trong show live in studio, sẽ tiếp tục xuất hiện trong show live on stage của Bandland, tức là biểu diễn trực tiếp trước khán giả vào tối 11.7 tại Tượng đài Cảm tử, phố đi bộ Hồ Gươm, Hà Nội. Bandland cũng lên kế hoạch về những show diễn theo mùa và show diễn lớn vào cuối năm.
Trước chuỗi chương trình Bandland, có thể nhắc đến chương trình truyền hình thực tế Ban nhạc Việt đã được tổ chức đến mùa thứ 2; Liên hoan các ban nhạc toàn quốc được Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT-DL) tổ chức trở lại sau gần 30 năm; cuộc thi The Band tìm kiếm ban, nhóm nhạc Việt tài năng trên khắp cả nước; vợ chồng nhạc sĩ Anh Quân - ca sĩ Mỹ Linh từng bỏ tiền túi để thực hiện liên hoan âm nhạc The BandFest để nhiều ban nhạc trẻ tiềm năng được chơi và giao lưu với những ban nhạc quốc tế...
Được biểu diễn trên sân khấu là ước mơ của các ban nhạc. Bởi thực tế, như nhìn nhận của nhạc sĩ Anh Quân, hầu hết các ban nhạc chưa có sân khấu biểu diễn thực thụ và thị trường cho mình. “Các show bây giờ hầu như tập trung chủ yếu vào ca sĩ, gây khó khăn cho ban nhạc hiện nay. Nói thuần túy về mặt thị trường, ban nhạc rất cực nhọc để phát triển và không được gì cả vì gần như là con số không”, nhạc sĩ bày tỏ. Viết Thanh, thủ lĩnh ban nhạc rock Unlimited, từng chia sẻ: “Đa phần các ban nhạc thường chơi nhạc trong các bar, sân khấu ở quán cà phê nhạc sống... Có ban chơi rất hay nhưng vẫn đánh ở nhà hàng, tiệc cưới. Chúng ta đang thiếu sân chơi, cũng như sân khấu chuyên nghiệp dành cho ban nhạc để được giới thiệu bản thân mình cũng như có động lực để học hỏi thêm”.
Nhạc sĩ Dương Cầm cho rằng để tạo thị trường cho ban nhạc, cùng với việc thay đổi thói quen nghe nhạc của khán giả, cũng cần thay đổi thói quen của nhà tổ chức chương trình trong việc mời ban nhạc biểu diễn. “Thay vì chương trình cho nhiều ca sĩ hát solo, tại sao không lựa chọn đưa vào đó những ban nhạc. Nó sẽ mang đến một “bữa ăn đầy đủ gia vị” để khán giả thưởng thức”, anh nói.
Ngoài ra, một ban nhạc muốn đi được xa, bên cạnh nền tảng tốt, theo nhìn nhận của nhạc sĩ Anh Quân, họ cần nhà sản xuất có kinh nghiệm để định hướng. Nhưng hiện không có mấy ban nhạc có được một nhà sản xuất như vậy, ngay cả Ngọt - một trong những ban nhạc có cách hoạt động quy củ và lượng người hâm mộ lớn nhất hiện nay. “Chúng tôi chưa tìm được nhà sản xuất đồng hành cùng ban nhạc. Thành viên trong nhóm cũng chưa ai có kinh nghiệm làm việc trong thị trường âm nhạc. Chúng tôi phải tự tìm hiểu, mày mò, tự học”, Phan Việt Hoàng, thành viên của Ngọt, cho hay. Về câu chuyện đường dài của nhiều ban nhạc, anh cho rằng chưa có cách giải quyết. “Việc này không biết lỗi do ai, có thể do nhà sản xuất chưa chú trọng, và cũng do ban nhạc chưa có định hướng cho bản thân họ một cách rõ ràng”, Việt Hoàng chia sẻ.
“Đúng là ca sĩ solo hay ban nhạc thì đều cần có nhà sản xuất, đó mới là chuyên nghiệp”, nhạc sĩ Dương Cầm nhìn nhận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.