Cần sớm có quy chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

Lê Hiệp
Lê Hiệp
25/08/2020 05:26 GMT+7

Công cuộc phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã củng cố niềm tin của người dân, song cũng cần tạo niềm tin trong đội ngũ cán bộ để họ vượt qua tâm lý e ngại, sẵn sàng đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Túc (ảnh), Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, khi trao đổi với Thanh Niên liên quan thực trạng tâm lý cán bộ “giữ mình”, ngại nói, ngại làm, ngại trách nhiệm…
Cần sớm có quy chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

ẢNH: GIA HÂN

“Hôm qua đúng, nay sai, mai lại thành đúng”

Theo ông, vì sao tới nay chuyện trì trệ, sợ trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ càng ngày càng thêm nặng nề, thậm chí cả những người lãnh đạo đất nước cũng phải nhiều lần nhắc nhở về chống vi rút trì trệ như chống dịch?

Nếu có quy chế nào để khuyến khích cán bộ đổi mới sáng tạo, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm thì chính là thực hiện nghiêm túc quy chế tập trung dân chủ trong Đảng. Rất nhiều vụ việc bị đưa ra xử lý thời gian vừa qua đều có chung một vi phạm rất quan trọng là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ

Mới đây, tôi có theo dõi cuộc họp của Chính phủ với các địa phương, thì thấy Thủ tướng rất quyết liệt về chuyện tâm lý trì trệ, sợ trách nhiệm ở một số cán bộ, địa phương. Tuy nhiên, trong phát biểu của nhiều địa phương cũng có cái ý rằng: tôi làm mai kia tôi đi tù thì sao? Tâm lý đó không chỉ là việc giữ mình khi tới gần Đại hội.
Vậy chúng ta nên hiểu nỗi băn khoăn nói trên như thế nào, thưa ông?
Việc chúng ta phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN có sự quản lý của nhà nước là một việc làm chưa có tiền lệ. Báo cáo chính trị của nhiều Đại hội Đảng đều khẳng định điều này. Chưa có tiền lệ nên chúng ta không có bất kỳ mô hình nào có sẵn để tham khảo, phải vừa đi vừa dò dẫm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Thành ra, trong bước đi, cách làm không phải lúc nào cũng đúng cả.
Bên cạnh đó, thể chế pháp luật của chúng ta cũng chưa hoàn thiện, chúng ta lại chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng pháp luật, nên luật thường lạc hậu và cũng không sát với thực tiễn cuộc sống. Thậm chí, có nhiều luật chưa kịp ban hành thì đã bị lạc hậu rồi. Điều này dễ dẫn đến chuyện nhiều việc hôm qua đúng, hôm nay sai, ngày mai lại thành đúng.
Trong kinh nghiệm công tác của mình, ông chứng kiến việc nào như vậy chưa?
Chúng ta đều nhớ, trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội IV, rõ ràng có những điều không phù hợp với thực tiễn. Điều này đã dẫn đến chuyện khoán chui của Bí thư Thành ủy Đoàn Duy Thành ở Hải Phòng; chuyện tiền tệ hóa đồng lương thay vì tem phiếu của ông Chín Cần ở Long An (ông Nguyễn Văn Chính, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Long An - tổng chỉ huy công trình bù giá vào lương ở Long An - PV); hay chuyện “xé rào” của ông Nguyễn Văn Linh, Bí thư Thành ủy TP.HCM. Cả 3 ông lúc ấy đều bị kỷ luật vì những đổi mới, sáng tạo của mình. Rất may mắn là, đến thời kỳ Đổi mới thì T.Ư mới thấy các lãnh đạo này đúng. Thế là 2 ông Đoàn Duy Thành và ông Chín Cần về T.Ư, làm tới Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Phó thủ tướng), còn ông Nguyễn Văn Linh thì làm Thường trực Ban Bí thư, rồi lên Tổng bí thư.
Hay như chuyện đổi đất lấy hạ tầng rộ lên lâu nay cũng vậy. Địa phương đầu tiên thực hiện việc đổi đất lấy công trình chính là Bà Rịa-Vũng Tàu. Tôi còn nhớ là nhiều người thuộc cấp ủy ở Bà Rịa-Vũng Tàu bị kỷ luật về vấn đề này. Thế nhưng, sau đó, việc này lại được thừa nhận là đúng và có hướng dẫn của T.Ư nói rằng đây là một sáng kiến. Đến vừa rồi, Quốc hội khi thông qua luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư lại bỏ loại hợp đồng này ra khỏi luật vì lý do có quá nhiều nguy cơ tiêu cực.

Phải tạo được niềm tin trong đội ngũ cán bộ

Ngoài nguyên nhân thể chế, chính sách pháp luật thiếu đồng bộ và liên tục thay đổi, nhiều người cũng cho rằng, việc hàng loạt quan chức cấp cao bị xử lý đang tạo ra tâm lý ngại nói, ngại làm, ngại chịu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ hiện nay?

Tôi còn nhớ, khi cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh còn làm Bí thư Thành ủy TP.HCM, trong 14 chỉ tiêu mà TP được giao, ông Linh nói thẳng có 2 chỉ tiêu quan trọng nhất là sản xuất phát triển, đời sống người dân phải tăng, còn các chỉ tiêu khác làm được bao nhiêu thì làm. Ông Linh còn nói: “Nếu T.Ư bắt các đồng chí đi tù thì Thành ủy đi nuôi các đồng chí, nhưng với điều kiện các đồng chí không được ăn cắp. Nếu các đồng chí ăn cắp mà T.Ư bắt, thì Thành ủy này đề nghị tăng nặng hơn”. Tôi nghĩ, chỉ cần có quy định cụ thể của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy sẵn sàng bảo vệ những việc làm vì lợi ích chung, thì chắc chắn các cán bộ sẽ không ngại ngần gì việc đổi mới, dám làm, dám chịu trách nhiệm. 

Ông Nguyễn Túc

Thực tế, trong những vụ án tham nhũng thời gian vừa qua, chúng ta đã không làm thật rõ để trong nội bộ và cả một bộ phận dư luận hiểu rằng những quan chức, cán bộ bị xử lý không phải vì họ đổi mới, sáng tạo hay vượt rào mà do “dính chàm”, vi phạm những điều pháp luật không cho phép. Việc bắt và khởi tố 2 cựu chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Văn Hữu Chiến và Nguyễn Văn Minh không phải vì họ sáng tạo hay đổi mới, mà vì bán tài sản công trái quy định. Tương tự, nhiều lãnh đạo TP.HCM bị bắt, khởi tố thời gian vừa qua cũng vì tư lợi và vi phạm pháp luật.
Chúng ta thấy những người đi trước đổi mới, sáng tạo, thậm chí vượt rào như ông Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt rồi sau này là Phan Văn Khải... hay Đoàn Duy Thành, Chín Cần... đều được ghi nhận một cách xứng đáng. Lý do là bởi sự đổi mới, dám nghĩ, dám làm của họ đều là vì phục vụ mục đích chung của đất nước, không phải vì tư lợi.
Nhưng có lẽ trong bối cảnh chống tham nhũng được đẩy mạnh như hiện nay, cần có quy định cụ thể để khuyến khích đổi mới sáng tạo, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm mới giúp chúng ta chống được “vi rút trì trệ”, thưa ông?
Phải nói rằng công cuộc phòng, chống tham nhũng của chúng ta trong thời gian vừa qua đã củng cố niềm tin của người dân vào Đảng. Thế nhưng, tôi nghĩ, muốn chống tham nhũng đạt kết quả cao hơn nữa, phải làm sao tạo được niềm tin trong đội ngũ cán bộ. Chống tham nhũng phải làm sao để đẩy lùi được thoái hóa biến chất, nhưng đồng thời kích thích, khơi dậy được sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong đội ngũ. Nếu làm được như vậy, chúng ta có thể có tiềm lực để phát triển mạnh hơn.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng mới đây, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu sớm ban hành quy định về khuyến khích đổi mới sáng tạo, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm. Tôi nghĩ đây là việc rất cần thiết. Một khi có quy định cụ thể của T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cán bộ có thể yên tâm hơn trong việc thực hiện chức trách của mình vì lợi ích chung.

Đừng để lạm quyền, bưng bít, tư lợi…

Hiện nay, Ban Tổ chức T.Ư cũng đang tích cực xây dựng quy định này để trình Bộ Chính trị. Theo ông, cơ chế này cần được xây dựng như thế nào để đảm bảo hiệu quả trong thực tiễn?
Như tôi đã nói, việc chúng ta phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN là việc làm chưa có tiền lệ, chưa có mô hình nào để tham khảo. Chúng ta lại cũng đang hội nhập quốc tế sâu rộng. Thành ra, vẫn phải vừa đi vừa dò đường, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Do đó, bất cứ vấn đề nào cũng phải được xem xét tính lịch sử cụ thể của nó. Đó là điều tiên quyết.
Bên cạnh đó, nếu có quy chế nào để khuyến khích cán bộ đổi mới sáng tạo, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm thì chính là thực hiện nghiêm túc quy chế tập trung dân chủ trong Đảng. Rất nhiều vụ việc bị đưa ra xử lý thời gian vừa qua đều có chung một vi phạm rất quan trọng là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Anh làm anh không báo cáo, không công khai vì thực chất anh lạm quyền để tư lợi. Nếu anh thực thi chức trách, nhiệm vụ hoàn toàn vì lợi ích chung, vì sự phát triển của đất nước, anh cứ đề xuất, báo cáo cấp ủy, tập thể cấp ủy duyệt và anh chịu trách nhiệm, thực hiện sẽ không có vấn đề gì.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.