Góc nhìn phóng viên:

Cần sinh kế hơn nhà đẹp

Phạm Anh
Phạm Anh
16/06/2023 06:22 GMT+7

Cách đây chưa lâu, liên quan đến các dự án thủy điện, trả lời chúng tôi, chính quyền một huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi đã đề nghị không xây dựng thủy điện trên địa bàn nữa.

Tại sao vậy? Theo vị này, bên cạnh những vụ kiện tụng liên quan đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tranh chấp thừa kế… thì chuyện "đau đầu" nhất thời gian qua là sinh kế của người dân sau khi các dự án thủy điện được triển khai.

Chúng tôi đến vùng dự án thủy điện Đăkđrinh, ở xã Sơn Long, H.Sơn Tây (Quảng Ngãi) thấy cảnh người dân bỏ căn nhà xây khang trang như "biệt thự" để tìm về làng cũ sinh sống mà xót lòng. Dự án này đã trải qua 10 năm, cũng là ngần ấy thời gian người dân tiêu hết tiền đã được đền bù, bây giờ xoay qua đi làm thuê, về làng cũ kiếm sống, tìm kế sinh nhai. Cả khu dân cư buổi trưa, buổi xế thường vắng thưa người. Một số cán bộ chính quyền xã ở đây giải thích ngày trước chủ đầu tư muốn dùng tiền mua đất cho dân sản xuất, nhưng bà con chỉ muốn nhận tiền.

Thực tế, trước khi triển khai thi công dự án thủy điện, có không ít người dân bản địa đã sang nhượng đất cho người khác. Mà "người khác" ở đây chỉ muốn kiếm lời bằng tiền chứ không phải đất sản xuất. Việc mua bán đất diễn ra, có nhiều trường hợp trái pháp luật, gây thiệt hại tiền của nhà nước. Vì vậy, nhiều cán bộ ở địa phương mắc vào đường lao lý. Ấy là chưa kể, nếu ngày ấy sâu sát hơn, chắc chắn các cơ quan liên quan ở vùng dự án sẽ có cách giúp dân giữ tiền, chứ không rơi vào cảnh đất mất, tiền hết như bây giờ.

Bây giờ, người dân nếu không làm thuê xa nhà, thì cứ vào các buổi sáng, chiều, hoặc đôi ba hôm lại lếch thếch đi về làng cũ cày cuốc, tìm kế sinh nhai, bỏ căn nhà đẹp như biệt thự cho con cái, thậm chí có nhà không người trông coi. Có gặp và hỏi, thì họ chỉ nói ngắn gọn: Nhà to đẹp để làm gì, khi sinh kế không còn?


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.