Cần sẵn sàng ứng phó bão dồn dập vào cuối năm

17/07/2022 06:46 GMT+7

Mưa nhiều những tháng cuối năm nay, cần đặc biệt đề phòng và sẵn sàng ứng phó những cơn bão xuất hiện dồn dập, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

P.HẬU

Đó là nhận định của ông Mai Văn Khiêm (ảnh), Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, về thời tiết những tháng cuối năm 2022.

Mùa mưa lũ đến sớm

6 tháng đầu năm, liên tục có nhiều trận mưa lớn khiến các nhà máy thủy điện phải mở cửa xả lũ. Ghi nhận của trung tâm về diễn biến mưa lũ thời gian qua ra sao?

Thống kê của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, nửa đầu năm nay, cả nước có 7 đợt mưa lớn trên diện rộng. Trong đó, từ ngày 30.3 - 2.4 có một đợt mưa lớn trái mùa ở khu vực Trung bộ. Đặc biệt, khu vực từ Quảng Bình đến Phú Yên có lượng mưa phổ biến 200 - 450 mm, một số nơi có lượng mưa lớn hơn.

Ở Bắc bộ, mưa lớn khiến một số sông nhỏ xuất hiện lũ sớm. Mưa lớn đã gây ra tình trạng ngập úng đô thị ở nhiều nơi như: Hà Nội, Hà Nam, Lào Cai, TP.Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), Thái Nguyên; và gây ra một số trận lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh Thái Nguyên, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên.

Trận mưa lớn cấp tập xảy ra chiều tối 5.7 gây ngập diện rộng tại Hà Nội

ĐẬU TIẾN ĐẠT

Cuối tháng 3 và đầu tháng 4, trên các sông từ Quảng Bình đến Phú Yên đã xuất hiện một đợt lũ, gây ngập lụt cục bộ ở nhiều nơi. Thực tế cho thấy, mưa lũ năm nay đến sớm hơn so trung bình nhiều năm. Dự báo tới đây, khi trung Trung bộ và nam Trung bộ bước vào mùa mưa chính thức, sẽ có nhiều đợt mưa lớn và tổng lượng mưa có thể vượt mức trung bình nhiều năm.

Cụ thể dự báo mùa mưa lũ năm nay diễn biến ra sao và liệu có lặp lại những đợt mưa lũ, thiên tai dồn dập gây ra nhiều thiệt hại như mùa mưa lũ năm 2020?

Theo nhận định của chúng tôi, đối với khu vực Bắc bộ, mùa mưa lũ năm nay đến sớm hơn năm 2021, và đỉnh lũ cũng phổ biến cao hơn năm 2021. Mưa lớn sẽ khiến sạt lở đất, lũ quét, lũ ống… xuất hiện với tần suất nhiều hơn so với năm 2021.

Còn ở khu vực trung và nam Trung bộ, Tây nguyên, trong tháng 10 - 11 dự báo tổng lượng mưa có thể cao hơn trung bình nhiều năm. Các sông ở Trung bộ và Tây nguyên khả năng xuất hiện từ 2 - 3 đợt lũ lớn và diễn biến phức tạp, có sông trên mức báo động 3.

Bão nhiều hơn, trọng tâm ảnh hưởng là Trung bộ, Tây nguyên

Qua theo dõi và dự bão cơn bão số 1 trên Biển Đông năm nay, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo mùa bão năm nay diễn biến ra sao?

Mùa bão trên khu vực Thái Bình Dương năm nay đến sớm, khi đầu tháng 4 đã xuất hiện cơn bão Malakas. Nhưng trên Biển Đông, mùa bão năm nay lại đến muộn, trong ngày 30.6, Biển Đông đã ghi nhận có cơn bão đầu tiên trong năm 2022. Cơn bão đầu mùa này rất mạnh, khi ở trên biển, sức gió mạnh ở cấp 11, giật cấp 14. Đáng lưu ý, dù không ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền VN, và có thời điểm tâm bão còn cách TP.Móng Cái (Quảng Ninh) hơn 300 km nhưng vẫn gây ra mưa lớn tại các tỉnh Đông Bắc của khu vực Bắc bộ.

Diễn biến này cho thấy khi có bão, dù quỹ đạo của nó không ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta nhưng công tác dự báo, theo dõi diễn biến phải sát sao để kịp thời cảnh báo đến người dân.

Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến hết năm 2022, trên Biển Đông có khoảng 9 - 11 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Trong đó khả năng có từ 4 - 6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Cần phải đề phòng sẽ có bão xuất hiện dồn dập vào những tháng cuối năm. Đặc biệt trong các tháng 10 - 11 và nửa đầu tháng 12.2022, vùng ảnh hưởng trọng tâm là khu vực Trung bộ và Tây nguyên.

Ngoài mưa bão thì các địa phương cũng cần lưu ý, cảnh giác thêm về hiện tượng gió tây nam hoạt động mạnh kết hợp với triều cường cao có khả năng tác động đến hệ thống đê kè ở khu vực biển phía tây của Nam bộ.

Lũ đến sớm và dị thường

Trả lời Thanh Niên, ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), khẳng định lũ ở Bắc bộ năm nay đến sớm, diễn biến dị thường khiến nhiều nhà máy thủy điện phải vận hành xả lũ sớm.

Ông Hoài cho biết theo Quyết định số 740/QĐ-TTg ngày 17.6.2019 của Thủ tướng thì quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng sẽ bắt đầu triển khai từ ngày 15.6 hằng năm. Nhưng năm nay, cuối tháng 5 và đầu tháng 6, Bắc bộ đã ghi nhận lũ lớn khiến Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống thiên tai phải kích hoạt quy trình vận hành, điều tiết lũ. Trong khi thông thường nhiều năm nay, các quyết định vận hành, điều tiết lũ thường diễn ra ở thời điểm giữa hoặc cuối mùa mưa lũ. Trong thời điểm nửa đầu tháng 6.2022, có thời điểm hồ thủy điện Sơn La mở 2 cửa xả, hồ Hòa Bình mở 5 cửa xả, trong khi hiện tại Bắc bộ chưa phải là thời gian trọng điểm mưa lũ, thông thường sẽ kéo dài từ giữa tháng 8 đến cuối tháng 10.

Theo Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, trong 6 tháng đầu năm, trên phạm vi cả nước ghi nhận có 105 trận mưa lớn gây ra ngập úng, lũ quét, sạt lở đất; 123 trận giông lốc; 61 vụ sạt lở bờ sông; 137 trận động đất; 12 trận gió mạnh trên biển và 2 đợt rét đậm, rét hại. Theo báo cáo từ các địa phương, thiên tai đã làm 85 người chết và mất tích, 48 người bị thương; tổng thiệt hại về kinh tế 4.044 tỉ đồng, gấp 24 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.