Cần quy chế cho phố đi bộ

05/09/2017 07:02 GMT+7

Theo các chuyên gia, dù gia tăng nhiều giá trị văn hóa, phố đi bộ hồ Gươm vẫn cho thấy điểm yếu về quản trị sau tròn 1 năm triển khai.

Với nhiều người Hà Nội, phố Tràng Tiền là một phần của trái tim thủ đô. Nằm sát hồ Gươm, con phố này cũng là trục chính nối hồ Gươm với di tích quốc gia đặc biệt Nhà hát Lớn. Trên phố, có rất nhiều cửa hàng thời trang cao cấp, nhà sách... Nhưng vào ngày 2.9 vừa qua, phố Tràng Tiền đã trở thành nơi bẩn nhất khu vực phố đi hộ hồ Gươm, nhất là đoạn vỉa hè cửa hàng kem Tràng Tiền và Nhà hát kịch Hà Nội. “Nhiều vỏ hộp và que kem bê bết xả bừa bãi khắp nơi. Người bán rong sấu cóc dầm thì ngồi bán thoải mái. Thùng rác cũng khó tìm thấy. Ven hồ cũng thiếu thùng rác, nhưng ở Tràng Tiền là bẩn nhất”, kiến trúc sư Lê Việt Hà, Hội Quy hoạch kiến trúc VN, nói.
Quản lý không theo kịp thực tiễn
Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Viện Nghiên cứu kiến trúc quốc gia, cũng ngán ngẩm với sự bẩn thỉu của khu vực phố đi bộ trong ngày 2.9 và các dịp lễ, cuối tuần. Theo ông, một trong những nguyên nhân là sự quá tải khi người người đổ về khu vực này vào các dịp nghỉ lễ, cuối tuần. Như vậy, vấn đề là năng lực quản trị của người quản lý những tuyến phố này. “Hiệu ứng văn hóa và sinh hoạt tinh thần của phố đi bộ gia tăng nhanh quá. Nhu cầu xã hội gia tăng, không gian thì đáp ứng, nhưng nền quản trị thì chưa thích ứng. Câu hỏi đặt ra là nên trông chờ nếp sống tự giác hay chủ động tạo ra quản trị đô thị một cách khoa học. Rõ ràng, chúng ta phải đẩy mạnh cách thứ hai, nhưng lại chưa làm được”, ông Ánh nói.
Cần quy chế cho phố đi bộ1
Người bán rong ảnh chụp ngày 2.9 Ảnh: Ngọc Thắng

Hiệu ứng văn hóa và sinh hoạt tinh thần của phố đi bộ gia tăng nhanh quá. Nhu cầu xã hội gia tăng, không gian thì đáp ứng, nhưng nền quản trị thì chưa thích ứng

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Viện Nghiên cứu kiến trúc quốc gia

Theo bà Ninh Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL), cả doanh nghiệp lẫn địa phương là quận và phường đều không thể chối bỏ trách nhiệm. “Đầu tiên là trách nhiệm của hàng kem. Còn phường, quận cũng có trách nhiệm ở đó, trong những ngày chắc chắn là đông người thế này thì cần có các phương án tăng cường việc dọn dẹp. Có cả trách nhiệm của công ty bảo vệ môi trường nữa. Nghĩa là nếu bình thường một ngày dọn một, hai lần thì những ngày đó phải tăng cường dọn dẹp, vệ sinh”, bà Hương nói. Bà Hương cũng đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm của chính đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống. Theo bà, khi cung cấp dịch vụ thì doanh nghiệp cũng phải giữ gìn vệ sinh khu vực xung quanh.
Ông Nguyễn Tuấn Long, Phó chủ tịch Q.Hoàn Kiếm, cho biết sắp tới sẽ tuyên truyền nhắc nhở người dân giữ vệ sinh, thậm chí có thể bắc loa đọc nhắc nhở.
Xây dựng quy chế để tránh bị “chợ hóa”
Về cách xử lý lâu dài, bà Hương cho rằng: “Quan điểm của tôi là phạt được thì tốt. Để sạch đẹp thành phố thì phải xử phạt. Để phạt, hành vi đó phải đưa vào quy định chế tài, điều này cũng không phải là khó. Nhưng cái khó là, ai là người thực thi, phạt như thế nào. Quy chế quản lý và hoạt động phố đi bộ phải quy định rõ hơn”.
Theo ông Trần Huy Ánh, bên cạnh vấn đề về giữ gìn vệ sinh, phố đi bộ hồ Gươm đang đối mặt nguy cơ trở thành... một cái chợ với rất nhiều dịch vụ. Có thể thấy, khi có hàng loạt xe thăng bằng lao bon bon dưới lòng đường, các hàng rong bán đủ thứ quà vặt khắp nơi, những nhóm biểu diễn ca hát đường phố chen nhau... thì không gian nơi đây trở nên xô bồ, nhộn nhạo.
Gây rắc rối nhất bây giờ lại là các hoạt động biểu diễn. “Khi nhóm xẩm Hà Thành biểu diễn trong đền vua Lê thì phía bên ngoài lại có tiếng nhạc của nhóm khác xen vào rất khó chịu”, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, thành viên của nhóm chia sẻ. Thông tin từ Sở VH-TT cho biết nhiều hoạt động biểu diễn ở phố đi bộ đã không hề thông báo cho nhà quản lý như quy định. Theo ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT, các nhóm nghệ thuật quần chúng cần phải thông báo nội dung và thời gian để được ban quản lý bố trí biểu diễn cho hài hòa, không ảnh hưởng tới nhóm khác. Điều này sẽ xuất hiện trong quy chế phố đi bộ ban hành sắp tới.
“Điều chúng tôi phải đối mặt là nhu cầu về biểu diễn nghệ thuật hoặc hoạt động mang tính văn hóa thể thao nghệ thuật quá nhiều”, ông Động nói. “Không chỉ có tư nhân thôi đâu, mà nhiều tổ chức, bộ, ngành, tỉnh, thành cũng muốn tổ chức ở đây bằng ngân sách của họ. Vì thế, cái mà chúng tôi bây giờ cần làm là lựa chọn hoạt động nào cho có ý nghĩa về mặt xã hội nhất, cho các nhóm khán giả thấy phù hợp”. Theo ông Động, hiện sở đã xếp 7 điểm biểu diễn trong phố đi bộ. Đó là các điểm ở đền Vua Lê, chân tượng đài Lý Thái Tổ, đồng hồ hoa, Nhà hát kịch Hà Nội, cửa Nhà hát Múa rối, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Nhà văn hóa Q.Hoàn Kiếm. Nếu có nhóm nghiệp dư biểu diễn thì đăng ký với sở, sở sẽ ưu tiên và rút chương trình của sở lại.
Tuy nhiên, có lẽ Hà Nội nên cân nhắc đưa vào quy chế quy định về cường độ âm thanh ở phố đi bộ để không ảnh hưởng đời sống người dân xung quanh. Bà Ngọc Quyên (sống tại khu phố đi bộ hồ Gươm) cho biết bà đã chứng kiến một người dân ở dãy phố Hàng Khay đoạn cắt với Đinh Tiên Hoàng phản đối việc biểu diễn văn nghệ ở gần đó. “Bà ấy nói là đừng hát nhạc to quá, cho âm thanh nhỏ đi vì bố bà ấy ốm. Âm thanh ồn ào khiến ông cụ không thể nghỉ ngơi được”, bà Quyên kể.
Bên cạnh đó, hoạt động vẽ chân dung tự phát để thu tiền cũng là điều cần được các nhà quản lý lưu ý. Lúc cao điểm tại phố đi bộ có tới khoảng 70 người vẽ chân dung. Sở VH-TT Hà Nội cho biết hoạt động này hiện do địa phương quản lý. Ông Tô Văn Động cho rằng hoạt động này nên rút kinh nghiệm từ việc tuyển chọn ông đồ cho chữ ở Văn Miếu để đảm bảo rằng những người vẽ ở đây đã được thẩm định, có tay nghề hẳn hoi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.