Cần quan tâm đến sức khỏe tâm thần của học sinh

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
09/04/2022 09:24 GMT+7

Nếu cứ chạy theo giải quyết từng sự vụ liên quan đến sức khỏe tâm thần của học sinh thì sẽ không bao giờ giải quyết được gốc rễ vấn đề. Thay vào đó cần quan tâm tư vấn tâm lý, tạo “kháng thể” cho học sinh khi đối mặt với các vấn đề trong học tập, cuộc sống.

Đó là ý kiến của các chuyên gia tại tọa đàm về giải pháp đối với vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh (HS), do Ủy ban Văn hóa - Giáo dục (Quốc hội) tổ chức chiều 8.4.

Bà Nguyễn Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), mang đến buổi tọa đàm những lo lắng khi chứng kiến những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 đối với chính HS và giáo viên (GV) của trường bà. Từ đợt dịch đầu tiên năm 2020, khi hết giãn cách xã hội, HS trở lại trường, bà đã nhận thấy sự tương tác, giao tiếp của các em với thầy cô, bạn bè, trong các hoạt động chung của nhà trường đều bị ảnh hưởng rất nhiều.

Rất ít trường học có phòng tư vấn học đường với giáo viên có chuyên môn tâm lý, dù đây là yêu cầu bức thiết trong các nhà trường

ĐÀO NGỌC THẠCH

Dù đưa ra nhiều giải pháp nhưng bà Thu Anh cho biết đến đợt dịch này, khi HS trở lại trường sau gần 1 năm học ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bà vẫn nhận thấy những ảnh hưởng rõ rệt bởi “hậu Covid-19” cả về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. GV không còn chuyên nghiệp như trước.

Mỗi trường nên có một vị trí chuyên trách trong trường học để chia sẻ, hướng dẫn, giải quyết những vấn đề tâm thần, tâm lý học sinh

Đào Ngọc Thạch

“Kết quả kiểm tra giữa học kỳ 2 khi HS quay trở lại trường khiến chúng tôi, nếu nói nhẹ thì là “choáng” mà nặng hơn phải là “sốc”, vì kết quả giảm sút quá nhiều so với kiểm tra cùng kỳ cách đây 2 năm”, bà Thu Anh nói.

“Nó giả vờ đấy... vẫn ăn mỗi bữa 2 bát cơm…”

Bà Thu Anh cũng cho rằng ngày càng nhiều người quan tâm sức khỏe thể chất nhưng chưa quan tâm sức khỏe tâm thần. Bà nêu ví dụ có trường hợp một phụ huynh có con phải đi khám tâm thần ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), bác sĩ yêu cầu nhập viện điều trị ít nhất 10 ngày thì ông bố tỏ ra không tin và cho rằng con mình “nó giả vờ đấy, nó vẫn ăn mỗi bữa 2 bát cơm, vẫn vào mạng, xem ti vi bình thường, chỉ khi học thì mới kêu mệt”.

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), nêu con số của Tổ chức Y tế thế giới (WHO): 14% trẻ em trên toàn cầu đang bị rối loạn tâm thần, trầm cảm lo âu. Tự tử đứng hàng thứ tư trong các nguyên nhân tử vong của trẻ em. Trẻ em đang có khá nhiều áp lực, trong đó áp lực học tập là lớn nhất, sau đó là áp lực gia đình, các vấn đề tác động của xã hội…

Đồng quan điểm, bà Vũ Thị Hoa, đại diện Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), nhận định hiện chúng ta mới quan tâm đến việc điều trị khi đã xảy ra các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần trẻ em chứ chưa quan tâm đến việc phòng ngừa. Trong khi đó, tất cả các vấn đề về tâm lý ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến cuộc sống, sinh hoạt, thậm chí là tính mạng của trẻ.

Đại diện Vụ Gia đình (Bộ VH-TT-DL) cũng cho rằng, việc có hơn 60% trẻ em gọi đến tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em nói đang bị áp lực học hành, 8% nói bị bạo lực gia đình, hơn 30% nói bố mẹ không quan tâm… cho thấy cần có chương riêng về bảo vệ trẻ em trong gia đình khi sửa luật Hôn nhân và gia đình sắp tới.

Cần có chuyên gia tư vấn tâm lý trong trường học

Giáo sư Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), chỉ ra quan sát suốt thời gian qua cho thấy khi mỗi sự việc liên quan đến sức khỏe tâm thần của HS xảy ra, chúng ta thường gắn nguyên nhân với nguyên cớ.

Theo giáo sư Thanh, nếu cứ giải quyết theo nguyên cớ của từng vụ việc thì sẽ không bao giờ đủ và không giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Không thể đòi hỏi một cuộc sống không có áp lực hay stress vì đó là điều không tưởng. Tuy nhiên, cần chuyên gia chỉ ra thế nào là áp lực quá ngưỡng chịu đựng. Muốn như vậy cần có thống kê đầy đủ hơn để có bức tranh toàn diện khi đưa ra các quyết sách có liên quan đến vấn đề này.

Ở khía cạnh tư vấn tâm lý học đường, giáo sư Thanh nêu thực trạng: Quy định của Bộ GD-ĐT đã có vị trí nhân viên tư vấn tâm lý trong mỗi trường học, thế nhưng khi đưa về thực hiện thì các Bộ có liên quan như Bộ Nội vụ lại nói không thể có biên chế riêng cho nhân viên tâm lý trong trường học được. Điều đó dẫn tới các trường hiện đang điều động GV kiêm nhiệm vai trò của nhân viên tư vấn tâm lý.

“Do không được đào tạo một cách căn bản, gốc rễ và tâm lý học nên không khéo sẽ “chữa lợn lành thành lợn toi”, rất nguy hiểm”, giáo sư Thanh nói và cho biết, thực tế quá trình tham gia bồi dưỡng cho đội ngũ GV kiêm nhiệm tư vấn tâm lý HS thì thấy GV vẫn có tư tưởng dùng quyền lực chuyên môn để tư vấn tâm lý cho HS khiến các em cảm thấy ức chế và hành động tiêu cực…

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục Hà Nội, phát biểu: “Thực tế về nhu cầu tư vấn tâm lý học đường bức xúc như vậy nhưng các bộ có liên quan lại không giải quyết. Tôi đề nghị Quốc hội cần làm trọng tài cho việc này, gốc rễ làm thay đổi thì không thể không giải quyết”.

Bà Nguyễn Bích Thủy, đại diện Vụ Công tác chính trị - HSSV (Bộ GD-ĐT), cũng nêu khi khảo sát thực tế ở các địa phương cho thấy do kiêm nhiệm nên có trường năm nay bố trí GV A phụ trách tư vấn tâm lý đi tập huấn, nhận chứng chỉ nhưng sang năm lại đổi sang GV B trong khi GV này chưa từng được tập huấn nghiệp vụ, cũng không có kinh phí cho việc tập huấn lại như vậy ở một trường. Dù khẳng định sắp tới Bộ sẽ sửa các thông tư liên quan đến tâm lý học đường, công tác xã hội trong trường học để phù hợp hơn với tình hình thực tế, nhưng bà Thủy cho rằng vẫn phải tiếp tục chấp nhận GV kiêm nhiệm, thay vì tuyển nhân viên chuyên trách.

Theo đại diện UNICEF tại VN, Bộ GD-ĐT ban hành thông tư về tâm lý học đường nhưng lại không nêu kinh phí từ ngân sách cấp cho nội dung này thế nào, hiện sự quan tâm cũng như thù lao cho công việc này cũng không được quan tâm như lĩnh vực khác. Đầu tư cơ sở hạ tầng ở các trường cho công tác này cũng chưa được quan tâm, nhiều trường không có phòng riêng, đủ kín đáo để HS tìm đến khi gặp vấn đề tâm lý…

Phải quan tâm đến phát triển con người

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cũng cho rằng nếu cứ chạy theo giải quyết từng vụ việc nhỏ lẻ theo kiểu “ăn đong” thì sẽ không bao giờ hết các vụ việc đáng tiếc.

Theo ông Lâm, điều quan trọng là chương trình giáo dục phải tạo “kháng thể” cho HS, tăng khả năng chịu áp lực, đối mặt và giải quyết các vấn đề của cuộc sống chứ không phải chỉ loanh quanh đổ lỗi. Ông cho rằng hiện nay giáo dục của chúng ta chỉ chú trọng chạy theo điểm số, bằng cấp chứ chưa thực sự quan tâm đến phát triển con người. Nhiều HS học giỏi nhưng lại không đủ năng lực thích ứng với thực tiễn cuộc sống cũng như sự phát triển của xã hội.

Ông Tùng Lâm đề nghị: Chương trình giáo dục phải phát huy được khả năng, năng lực tiềm ẩn của mỗi đứa trẻ. “Kháng thể” phải được xây dựng từ mầm non và thay đổi dần theo lứa tuổi tiểu học, THCS, THPT…

Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, liên quan đến sức khỏe tâm thần của trẻ em, ưu tiên số 1 phải là phòng ngừa thay vì điều trị; thứ hai là phải phát hiện, can thiệp sớm thì hiệu quả cao hơn. Việc phát hiện sớm, can thiệp sớm các dấu hiệu sức khỏe tâm thần của trẻ có vấn đề, không ai khác chính là cha mẹ các em, sau đó là GV rồi mới đến cộng đồng. “Người phát hiện sớm là người có thể can thiệp tốt nhất, còn khi đến cơ sở y tế khám chữa bệnh đã là giai đoạn sau”, ông Khoa nhấn mạnh.

đồ họa: hồng sơn

Anh Lê Hải Long, Ủy viên Ban Thường vụ T.Ư Đoàn, Phó chủ tịch Hội Đồng đội T.Ư, nêu thực tế số lượng nhà văn hóa thiếu nhi cấp huyện, cấp tỉnh giảm nhiều so với trước đây trên cả nước, trong khi đây là mô hình rất cần thiết để trẻ em được rèn luyện kỹ năng sống, năng khiếu và nơi vui chơi, giảm áp lực trong học tập, cuộc sống. Do vậy, anh Long kiến nghị cần quan tâm đúng mức đến các thiết chế văn hóa dành cho trẻ em, giúp các em có chỗ vui chơi lành mạnh.

Sửa luật để có công cụ hữu hiệu hơn bảo vệ trẻ em

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục (Quốc hội), cho rằng Ủy ban đã và sẽ quan tâm nhiều hơn bằng những hành động cụ thể trong thời gian tới. Thay vì né tránh, chúng ta phải đối diện với vấn đề sức khỏe tâm thần của HS để đưa ra những giải pháp dựa trên tổng hòa trách nhiệm, trong đó chú trọng đến phòng ngừa thay vì để đến giai đoạn muộn là điều trị.

Bà Hoa cho biết cần thiết phải sửa luật liên quan để đưa kỹ hơn nội dung phòng chống bạo lực gia đình nhằm có công cụ hữu hiệu nhất bảo vệ trẻ em trước những tác động của sự phát triển của xã hội.

Rối loạn tâm thần làm thâm hụt khoản đóng góp gần 390 tỉ USD mỗi năm

Đại diện UNICEF tại VN cho hay, theo dữ liệu từ UNICEF mới đây, cứ 7 em trên toàn cầu thì có ít nhất 1 em bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các đợt phong tỏa vì dịch bệnh. Hơn 1,6 tỉ trẻ em phải hứng chịu những thiệt hại nhất định về giáo dục. Gián đoạn trong sinh hoạt, giáo dục, giải trí cũng như trăn trở về thu nhập gia đình và sức khỏe đang khiến nhiều người trẻ rơi vào cảnh lo sợ, tức giận và băn khoăn về tương lai.

Không chỉ gây tác động khôn lường đối với cuộc sống của trẻ em, đại diện UNICEF cho rằng, rối loạn tâm thần dẫn đến khuyết tật hoặc tử vong ở thanh thiếu niên và còn làm thâm hụt khoản đóng góp ước tính lên tới gần 390 tỉ USD mỗi năm cho các nền kinh tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.