Cần nhiều ngành hợp sức chống lừa đảo qua mạng

25/10/2022 05:05 GMT+7

Trước tình trạng lừa đảo qua mạng đang có xu hướng gia tăng, nhiều bạn đọc kiến nghị cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh mẽ, trong đó có sự phối hợp của các ngành liên quan như ngân hàng, viễn thông.

Tại buổi thảo luận chuyên đề về thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng, do Viện KSND Q.8 (TP.HCM) tổ chức hôm 21.10, cơ quan này báo cáo từ tháng 1.2021 - 6.2022, đã tiếp nhận 99 tin báo, tố giác về tội phạm liên quan lừa đảo qua mạng, tổng số tiền thiệt hại hơn 10 tỉ đồng. Tất cả các vụ việc đều chưa xác định đối tượng thực hiện, không thu hồi được tài sản chiếm đoạt. Trong khi đó, đại tá Lê Văn Bích, Trưởng công an Q.8, cho hay từ đầu năm đến nay, đơn vị này tiếp nhận 90 tin báo về lừa đảo qua mạng, tổng thiệt hại 12,8 tỉ đồng.

Một dạng tin nhắn lừa đảo trực tuyến gửi đến thuê bao di động

ANH QUÂN

Thiếu tá Trịnh Hồng Thái, Đội CSĐT tội phạm về kinh tế, Công an Q.8, cho biết khi tiếp nhận trường hợp lừa đảo qua mạng, công an có công văn đề nghị tạm ngừng giao dịch nhưng ngân hàng không chấp nhận.

“Đến phòng giao dịch ngân hàng địa bàn quận đều không chấp nhận và đề nghị công an phải chuyển công văn đến hội sở, rất mất thời gian. Nếu hệ thống các ngân hàng có liên kết, khi có sự việc lập tức báo lên trên thì sẽ tăng tỷ lệ ngăn chặn được tội phạm”, thiếu tá Thái nói.

Bên cạnh đó, các công ty viễn thông khi nhận được công văn từ phía công an, đến 2 tháng mới trả lời hoặc không trả lời, không phối hợp điều tra. Một số đơn vị không trả lời bằng văn bản nên không có giá trị pháp lý để đưa vào hồ sơ vụ án. Thiếu tá Thái kiến nghị cần có chế tài đối với các đơn vị như công ty viễn thông, ngân hàng... khi đã có quy định về cung cấp thông tin cho CQĐT nhưng rất chậm hoặc không cung cấp.

Đủ kiểu lừa đảo qua mạng

Tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng tuy đã được các cơ quan chức năng cảnh báo nhưng vẫn liên tục có người dính bẫy. Nhiều bạn đọc (BĐ) cho biết thường xuyên nhận cuộc gọi lừa đảo, như BĐ Xuan Phan: “Không biết có bao nhiêu dạng lừa đảo qua mạng, chứ tôi thì nhận được ít nhất ba kiểu rồi. Thứ nhất là cuộc gọi nói có bưu phẩm cần nhận, thứ hai là có bảo hiểm chưa thanh toán, thứ ba là số điện thoại đang xài sẽ bị cắt thuê bao. Nếu thiếu thông tin hoặc giật mình nhấn phím làm theo hướng dẫn của kẻ lừa đảo thì coi như có thêm nạn nhân”.

BĐ cho rằng đây là vấn nạn xã hội khi số tiền bị lừa trong các vụ việc thường rất cao, hầu hết không lấy lại được: “Bọn lừa đảo đánh vào người lớn tuổi, người nhẹ dạ cả tin. Có thấy vụ nào lấy lại được tiền đâu. Chỉ có một số vụ mà nạn nhân may mắn sực tỉnh ra hoặc được người khác cảnh báo, giúp để tránh mất tiền. Nên giờ thì không còn là chuyện của cá nhân nào nữa”, BĐ datlanh nhìn nhận.

Ngân hàng, viễn thông phải có trách nhiệm

Thực tế cho thấy, trong các vụ lừa đảo qua mạng, kẻ xấu sử dụng phương tiện của ngành viễn thông, ngân hàng, nên BĐ cho rằng cần sự hợp sức của những ngành này để cùng xử lý.

BĐ Hoang Yen nêu ý kiến: “Đọc báo thấy nhiều vụ người dân bị lừa đã kịp báo công an nhưng lại bị tắc ở chỗ liên quan đến ngân hàng. Nếu ngân hàng phong tỏa tài khoản của bọn lừa đảo thì khả năng nạn nhân lấy lại được tiền là rất cao”.

BĐ Hieu Pham đồng tình: “Đã có dấu hiệu tội phạm lừa đảo thì cần ngăn chặn giao dịch, phong tỏa tài khoản ngay khi phát hiện mới thu hồi được tài sản”.

BĐ Thanh Nguyen nhận định: “Mọi vụ việc cơ bản đều bắt nguồn từ số thuê bao. Đề nghị các ngành chức năng, đặc biệt là ngành công an vào cuộc làm việc với các nhà mạng về việc đăng ký, quản lý chặt chẽ số thuê bao, cấm số điện thoại chưa đăng ký chính chủ hoạt động”.

BĐ Vo Minh Truong đề xuất: “Hiện nay người dân bị các số điện thoại lạ khủng bố quấy nhiễu mọi lúc mọi nơi từ nhà đến cơ quan, nhưng nhà mạng chẳng làm được gì để giảm bớt tình trạng này cả. Khi người dân chặn số lạ này thì có số lạ khác gọi. Theo tôi, luật pháp cần quy định chặt chẽ hơn, chế tài mạnh hơn để người dân không bị thiệt hại, ảnh hưởng công việc, cuộc sống”.

“Nếu không có sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan đồng bộ, chặt chẽ, trách nhiệm thì sẽ rất khó mang lại hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về phòng chống tội phạm lừa đảo qua mạng. Cần thiết phải có chế tài xử lý trách nhiệm nếu ngân hàng, viễn thông không hợp tác hoặc thiếu trách nhiệm”, BĐ daoanhtuanhp1970 nêu kiến nghị.

* Bọn lừa đảo qua mạng là bọn giết người không dùng hung khí. Phải điều tra và xét xử từng tài khoản có liên quan, không để số tài khoản vô tội vạ trên hệ thống ngân hàng.

saokim14092012

*Cần cung cấp số điện thoại của cơ quan công an chống tội phạm công nghệ cao, để người dân báo ngay, bắt hết bọn này cho dân nhờ.

Xitrum

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.