Cân nhắc với điện hạt nhân

Chí Hiếu
Chí Hiếu
04/06/2022 07:07 GMT+7

Việc có đại biểu Quốc hội đề xuất xóa quy hoạch điện hạt nhân Ninh Thuận đang dấy lên nhiều lo ngại về việc điện hạt nhân khó có cơ hội quay lại, trong khi việc phát triển các nguồn điện thời gian qua gặp không ít thách thức.

Sớm xem xét điện hạt nhân trở lại

Trong các tờ trình về dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn 2045 (gọi tắt Quy hoạch Điện 8), mà mới nhất là tại tờ trình số 2279 ngày 29.4.2022, mặc dù không đưa điện hạt nhân vào cơ cấu nguồn điện để tính toán, nhưng Bộ Công thương vẫn kiến nghị “xem xét nghiên cứu khả năng phát triển điện hạt nhân trong tương lai” khi nói về nguyên tắc xây dựng chương trình phát triển điện lực.

Trong khi các nước dùng điện tái tạo nhiều cũng phải dùng điện hạt nhân để chạy nền. Chúng ta thì sao? - điện than thì gần như không thể vay thêm tiền, thủy điện cũng đã hết, điện mặt trời trang trại bên cạnh bất ổn thì tỷ lệ chiếm đất rất cao, trong khi đất nước ta thì nhỏ (mật độ dân số cao) nên nguồn lực đất đai không phải dồi dào.

Chuyên gia về năng lượng và môi trường Nhật Đình

Điều này, theo các chuyên gia, cũng đồng nghĩa rằng, gần như chắc chắn, đến trước 2030, VN chưa thể có một nhà máy điện hạt nhân nào, mặc cho thời gian gần đây, giới khoa học và cả đại biểu Quốc hội đã đề cập đến việc chúng ta “phải bắt đầu sớm” trong việc quay lại phát triển điện hạt nhân, nhất khi trong bối cảnh việc chuyển đổi năng lượng đang là vấn đề cấp bách của VN, sau khi chúng ta có những cam kết mạnh mẽ để giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Ninh Thuận đang là thủ phủ năng lượng tái tạo cũng là địa phương được chọn quy hoạch làm điện hạt nhân

Ngọc Thắng

Và vấn đề này đã thực sự nóng trở lại khi trên diễn đàn Quốc hội tuần qua, câu chuyện này đã được cả các đại biểu tranh luận lẫn Bộ trưởng Công thương lên tiếng.

Cụ thể, trong một báo cáo giám sát việc thực hiện Nghị quyết 31 về việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận để phục vụ kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị “cần xem xét, nghiên cứu điện hạt nhân ở giai đoạn phát triển năng lượng tiếp theo để giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050 theo cam kết của Thủ tướng tại COP 26”. Cùng với đó, cơ quan này cũng đề nghị Chính phủ xem xét tạm giữ quy hoạch với các vị trí dự kiến xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 cho đến khi có quyết định chính thức.

Điện gió tại Ninh Thuận

Ngọc Thắng

Tuy nhiên, theo đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, việc Ủy ban Kinh tế đưa ra đề nghị tạm giữ quy hoạch này là một sự “luyến tiếc”. Ngược lại, ông Nghĩa đề nghị nên xóa quy hoạch làm điện hạt nhân tại Ninh Thuận và giải quyết rốt ráo quyền lợi cho người dân tại khu vực được quy hoạch cho dự án và “10 - 20 năm tới có làm điện hạt nhân hay không thì lúc đó sẽ lập quy hoạch mới, tính toán vị trí làm ở đâu".

Trao đổi với Thanh Niên chiều qua (3.6), chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn, Giám đốc Chương trình năng lượng xanh, cho rằng chúng ta không những không được xóa quy hoạch các vị trí đã được duyệt trong quá khứ mà thậm chí cần xem xét một cách nghiêm túc trở lại với điện hạt nhân. “Vấn đề của điện hạt nhân không phải là những công nghệ mới, quá sức với chúng ta. Mặc dù có những lo ngại về sự cố, nhưng theo các thống kê rất ít và thông thường là lỗi vận hành không được tuân thủ một cách đúng đắn, cộng với các biến động bên ngoài thì hoàn toàn có rủi ro và phải thừa nhận đã có những sự cố nghiêm trọng trên thế giới. Nhưng phải nhìn mặt khác là, có những quốc gia sử dụng rất lâu rồi, như Pháp chưa có một sự cố nào. Đó là những kinh nghiệm cần học tập nghiêm túc để nhìn nhận rủi ro nằm ở đâu, tiềm ẩn nguy cơ ở đâu và liệu chúng ta có thể khắc phục trong khuôn khổ năng lực và kiến thức của chúng ta để áp dụng chứ không phải từ chối hoàn toàn một công nghệ nào đó”, ông Sơn bày tỏ.

“Biến số” trong “phương trình net zero”

Ông Hà Đăng Sơn cho rằng: “Trong giới nghiên cứu, chúng tôi đã có những tính toán, thảo luận và khuyến cáo cho kịch bản net zero của VN với ngành điện nói chung và dự án phát điện nói riêng. Trong đó, yếu tố điện hạt nhân đã được đưa ra để tính toán các phương án và đây có thể nói là giải pháp kỹ thuật khá tốt để giải quyết các nhược điểm, hạn chế của năng lượng tái tạo như gió hay mặt trời đầy yếu tố bất ổn như hiện nay”.

Tương tự, chia sẻ với Thanh Niên, chuyên gia về năng lượng và môi trường Nhật Đình cũng lưu ý rằng, điện hạt nhân không hẳn là không phát thải, nhưng mức phát thải rất thấp so với năng lượng nó tạo ra. Chính vì vậy, đây là một yếu tố rất quan trọng để giải bài toán phát thải ròng bằng 0 mà VN đã cam kết tới năm 2050. “Điện gió ngoài khơi rất tiềm năng, nhưng một tháng không có gió, thì ta sẽ dùng nguồn điện nào? Trong khi các nước dùng điện tái tạo nhiều cũng phải dùng điện hạt nhân để chạy nền. Chúng ta thì sao? - điện than thì gần như không thể vay thêm tiền, thủy điện cũng đã hết, điện mặt trời trang trại bên cạnh bất ổn thì tỷ lệ chiếm đất rất cao, trong khi đất nước ta thì nhỏ (mật độ dân số cao) nên nguồn lực đất đai không phải dồi dào”, chuyên gia này nói.

Vì vậy, ông khuyến cáo, các vị trí quy hoạch đã được chọn cho điện hạt nhân không phải dễ gì có được mà chúng ta phải được sự hỗ trợ của quốc tế rất nhiều nên không thể nói bỏ dễ dàng.

"Quy hoạch Điện sắp được phê duyệt dù không đưa điện hạt nhân vào để tính toán. Nhưng là vì chúng ta phải tuân thủ định hướng chính trị của Đảng, của Quốc hội. Nhưng nếu định hướng thay đổi thì 5 năm nữa quy hoạch động có thể điều chỉnh. Khi đó, nếu quay lại tìm địa điểm mới thì sẽ rất khó và tốn kém thêm nguồn lực, trí lực chứ không như đi tìm vị trí cho một dự án bình thường”, ông Đình nói.

Là nguồn điện nền ổn định, sạch, rẻ

Theo chuyên gia Nhật Đình, hiện nhiều nước vẫn phát triển mới cũng như tiếp tục gia hạn thêm các lò điện hạt nhân lẽ ra phải đóng cửa vì hết niên hạn.

Trên diễn đàn Quốc hội, giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên thông tin, thế giới hiện nay cũng phải quay lại phát triển loại năng lượng này. Ông lấy ví dụ Mỹ và Đức, hai quốc gia tiết giảm điện hạt nhân cách đây 3 năm, nhưng gần đây đã phải xây dựng lộ trình để phát triển loại năng lượng này mạnh hơn trước những biến động của địa chính trị, làm nguồn điện nền cho phát triển năng lượng tái tạo.

Cần phải nói thêm rằng, sở dĩ tại dự thảo mới nhất về Quy hoạch Điện 8, Bộ Công thương không đưa điện hạt nhân vào tính toán cơ cấu nguồn bởi trước đó, theo thông báo kết luận của Văn phòng Chính phủ hồi tháng 3 về Quy hoạch Điện 8, việc phát triển điện hạt nhân chưa đưa vào tính toán cân đối trong quy hoạch này. Thay vào đó, chủ trương phát triển điện hạt nhân nhằm bảo đảm an ninh năng lượng dài hạn, gắn với quá trình chuyển đổi năng lượng được Thường trực Chính phủ yêu cầu nghiên cứu thành chuyên đề riêng để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến.

Với VN, Bộ trưởng Diên phân tích thêm, để đạt mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050 như cam kết của Thủ tướng tại COP 26 thì phải khai thác mạnh nguồn năng lượng sạch, như điện mặt trời, điện gió. Trong khi để khai thác được nguồn năng lượng này, nhất thiết phải có nguồn điện nền ổn định. Ngoài điện than, thủy điện, điện hạt nhân được đánh giá là nguồn điện nền phù hợp, giá rẻ, sạch.


Nhiều nước xây thêm nhà máy điện hạt nhân

Ngoài ra, theo Bộ trưởng, nghị quyết của Quốc hội trước đây là dừng chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, chứ không phải hủy bỏ.

Do đó, không có cơ sở để xóa quy hoạch địa điểm làm nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Đó là chưa kể, địa điểm làm nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận đã được các đối tác nghiên cứu rất kỹ và họ khẳng định không nơi nào phù hợp hơn.

Ninh Thuận đang thành thủ phủ điện tái tạo

Sau 7 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 41/2009/QH12 ngày 25.11.2009 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, đến ngày 22.11.2016, Quốc hội ra quyết nghị dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án này.

Quốc hội cũng giao Chính phủ chú trọng phát triển nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, nguồn năng lượng an toàn, hiệu quả và bảo vệ môi trường để cung ứng đủ điện đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước; ban hành cơ chế, chính sách, giải pháp đầu tư, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, quy hoạch, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương chịu ảnh hưởng của việc quy hoạch và triển khai chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Đến hết năm 2021, Ninh Thuận có quy mô phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo lớn nhất nước với tổng công suất là 3.205 MW, bao gồm 2.296 MW điện mặt trời trang trại, 287 MW điện mặt trời mái nhà và 622 MW điện gió.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.