Cân nhắc việc bỏ quy định về phiếu lý lịch tư pháp số 2

12/08/2017 07:51 GMT+7

Sáng 11.8, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 13, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Lý lịch tư pháp (LLTP).

Thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) Lê Thị Nga cho biết đa số ý kiến của UBTP cho rằng cần hết sức cân nhắc việc bỏ quy định về phiếu LLTP số 2, bởi phiếu này cung cấp đầy đủ các thông tin về án tích của người được cấp.
Trong trường hợp người đã được xóa án tích thì phiếu LLTP số 1 ghi “không có án tích” nhưng phiếu số 2 phải ghi đầy đủ án tích đã được xóa. Cũng theo UBTP, việc cấp phiếu LLTP số 2 cho cơ quan tiến hành tố tụng để hỗ trợ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử là cần thiết và thực tiễn thi hành luật LLTP thời gian qua không có vướng mắc.

tin liên quan

Sở Tư pháp Đà Nẵng cấp lý lịch trực tuyến
Ngày 31.3, Sở Tư pháp TP.Đà Nẵng cùng Công ty CP Bưu chính Viettel Hà Nội khai trương dịch vụ tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả cấp phiếu lý lịch tư pháp qua dịch vụ bưu chính Viettel và trực tuyến.

Theo tờ trình của Chính phủ, có tình trạng lạm dụng quy định cấp phiếu LLTP số 2 theo yêu cầu của cá nhân, ảnh hưởng đến bí mật đời tư, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân. Tuy nhiên, UBTP cho rằng theo luật LLTP năm 2009 thì việc cấp phiếu LLTP số 2 theo yêu cầu của cá nhân là để người đó biết được nội dung về LLTP của mình, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin. Việc sử dụng phiếu LLTP số 2 vào các giao dịch cụ thể do cá nhân được cấp phiếu quyết định và tự chịu trách nhiệm về quyết định này. Theo UBTP, nếu bỏ quy định về cấp phiếu LLTP số 2 có thể sẽ gây khó khăn và ảnh hưởng đến quyền lợi của chính công dân VN.
Cho ý kiến về vấn đề này, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết tình trạng lạm dụng cấp phiếu LLTP số 2 chủ yếu phát sinh ở những cơ quan, tổ chức không có thẩm quyền yêu cầu cấp phiếu này. Vì vậy, cần giải quyết vấn đề này trên thực tế, xác định rõ cơ quan nào được quyền yêu cầu cung cấp phiếu LLTP số 2 thay vì bỏ quy định này.
Liên quan đến bổ sung quy định án tích của pháp nhân thương mại, UBTP nêu rõ bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi căn bản với việc bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Cùng với việc phải chịu trách nhiệm hình sự về 33 tội danh thì pháp nhân thương mại cũng có quyền yêu cầu xác nhận tình trạng xóa án tích nhằm tạo điều kiện tham gia các quan hệ kinh tế và giao dịch khác. Tuy nhiên, tờ trình của Chính phủ và dự thảo luật lại không đặt vấn đề bổ sung quy định đương nhiên xóa án tích với pháp nhân thương mại.
Theo UBTP, việc nghiên cứu, bổ sung quy định về án tích của pháp nhân thương mại vào dự thảo luật là yêu cầu bắt buộc, nhưng chưa thể thực hiện ở thời điểm hiện tại. Lý do là các quy định liên quan phải được quy định trong luật Thi hành án hình sự. Dự kiến trong năm 2018 luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thi hành án hình sự mới được QH xem xét, cho ý kiến và thông qua. Vì vậy, UBTP đề nghị lùi thời gian trình QH việc sửa đổi, bổ sung luật LLTP năm 2009 tới khi QH thông qua luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thi hành án hình sự.
* Tại phiên họp chiều 11.8, UBTVQH đã cho ý kiến về Đề án vị trí việc làm của Viện KSND. Tại tờ trình, Viện KSND tối cao đã đề nghị cho ngành kiểm sát nhân dân khi thực hiện tinh giản biên chế, đến năm 2021 tinh giản tối thiểu 10% tổng biên chế, đồng thời được sử dụng 10% biên chế (đã được tinh giản) để tuyển dụng công chức có chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành theo luật định. Trong chiều 11.8, UBTVQH đã xem xét quyết định thành lập TAND và Viện KSND TP.Sầm Sơn (Thanh Hóa). Kết quả, 100% Ủy viên UBTVQH tham gia biểu quyết tán thành.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.