Căn nhà đá ong độc đáo: Mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông

07/06/2020 20:23 GMT+7

Xuôi về phía đông huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), đô thị Vạn Tường có nhiều nhà máy, nhà cao tầng đang mọc lên từng ngày và lọt thỏm trong đó là những ngôi nhà được làm từ đá ong mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông .

Nhà đá ong mát không sợ bão

Để tạo được một khối đá ong thành phẩm tốn rất nhiều công sức, một ngày chỉ chẻ được vài viên. Những phiến đá ong thô ráp được “đánh lên”, chẻ gọt rồi khiêng chất rất ngay ngắn.
Muốn làm được ngôi nhà cần hơn 1.000 thước mộc đá ong (thước mộc là một loại thước chuyên dụng của thợ xưa, 1 thước mộc = 2,5m) đồng nghĩa với việc cần gần 1.500 viên đá ong. Xây dựng một ngôi nhà mất 5 - 6 tháng trời.
Trước năm 1975, trong làng, nhà nào giàu có mới làm nổi nhà đá ong lợp tranh. Nhà nghèo thì nhà tranh, vách đất xiêu vẹo. Đến mùa bão, gió giật cấp 8, cấp 9 là cả xóm vào nhà được xây bằng đá ong để trú tránh vì nhà rất kín gió, vững chãi.
Mỗi căn nhà đá ong hồi đó có chiều dài không quá 8m, chiều ngang không quá 6m. Bây giờ khi có điều kiện thì lớp người trẻ có thể làm to hơn.

Thợ đang chẻ đá ong giữa rừng

Viên đá ong thành phẩm

Kết cấu gỗ là một phần tạo nên nét cổ kính của ngôi nhà đá ong

Khi xưa, làm được một căn nhà đá ong rất kỳ công, một tốp có 6 người thợ thì 4 người khiêng hai bên, 2 người còn lại cắt cho bằng. Hai hòn đá ong được gọt bằng phẳng rồi sắp lên. Người ta trát giữa hai phiến đá bằng mật ong trộn với vài nguyên liệu khác. Vậy mà gìn giữ đến tận hôm nay.
Sau này, khi đã có các loại vôi, xi măng, người thợ trát mạch hồ giữa hai phiến đá bằng vôi, mật ong, xi măng. Một người thợ xây được 1 - 5 “miệng đá” một ngày, 6 đến 7 người khiêng, đưa lên gọt giũa 4-5 lần đá mới bằng. Làm hết hòn này đến hòn khác.
Chẻ đá, cắt gọt các phiến cần thời gian, sự tỉ mỉ chuẩn xác. Trong quá trình làm nhà, khi sắp những hòn đá lên với nhau bị cong vênh thì phải đo, cắt gọt thêm lần nữa.
Vật liệu đá ong có tính hấp thụ nhiệt kém, tỏa nhiệt nhanh nên nhà đá ong thường mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông.
Nhà được xây dựng bằng đá ong không thể thiếu kiến trúc gỗ để tạo nên nét cổ kính độc đáo. Hệ thống cột và kèo được làm từ những cây gỗ tốt, thiết kế tinh xảo, hợp lý, làm cho ngôi nhà thêm độc đáo, chắc chắn.

Đá ong giúp lọc phèn trong nước giếng

Không những thế, nhắc đến thôn Vạn Tường (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn) thì trong trí nhớ nhiều người cao tuổi, đó là “thôn đá ong”. Bởi xưa kia, trong những cánh rừng cách thôn tầm 2 - 3 km có nhiều mỏ đá ong. Người dân trong thôn muốn có đá ong để làm nhà phải xin phép chủ rừng, nơi đến dọn dẹp, dựng chòi tiến hành chẻ đá.

Vách nhà được làm bằng đá ong rất vững chắc

Thành giếng nước được làm từ đá ong có tác dụng lọc phèn, làm nước trong hơn

Thành giếng nước được làm từ đá ong có tác dụng lọc phèn, làm nước trong hơn

Chẻ đá cũng có điều thú vị, người dân trong thôn “vần công” với nhau, ngày hôm nay gia đình này chẻ cho gia đình khác và ngược lại đến khi đủ đá thì mang về làm nhà.
Đá ong còn dùng để lót sân và làm thành giếng nước. Đá ong được xây xung quanh bờ đất thành sân có chừa một lối đi nhỏ hoặc có thể lót kín cả diện tích sân.
Nhà nào chẻ được nhiều đá ong thì làm cả tường rào bao quanh và bậc tam cấp lên xuống, tuy dân dã nhưng đẹp cổ kính. 
Nơi đây, người dân tự đào giếng để lấy nước dùng trong sinh hoạt hằng ngày. Thành giếng được làm bằng đá ong giúp lọc phèn làm nước trong hơn. Vì thế các giếng nước cổ thường được làm bằng chất liệu này.
Trước đây, đời cha ông nghèo khổ nhà đá ong lợp bằng tranh tre, sau này kinh tế khá lên đến con cháu thay mái tranh bằng mái ngói. Vì từng ngôi nhà đá ong còn lưu giữ nét văn hóa đặc sắc riêng cho nên người dân luôn dặn dò con cháu dù có đi đến đâu, làm gì, cũng phải nhớ, phải giữ gìn, bảo tồn những gì cha ông để lại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.