Cần luật hóa việc dạy thêm, học thêm

14/11/2021 07:02 GMT+7

Những ngày qua, trên diễn đàn Quốc hội lại nóng lên câu chuyện về dạy thêm, học thêm.

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn vào ngày 11.11, liên quan vấn đề dạy thêm, học thêm, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời: “Bộ đang đề nghị bổ sung dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện”. Như vậy, có thể thấy quyết tâm của Bộ GD-ĐT là quản lý việc dạy thêm, học thêm bằng luật.

Một cơ sở dạy thêm cho học sinh tiểu học tại TP.HCM trước dịch Covid-19

NGUYỄN LOAN

Trước đây có Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16.5.2012 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định về dạy thêm, học thêm nhưng vận dụng vào thực tế còn nhiều khó khăn chưa kiểm soát được.

Vậy vấn đề đặt ra quản lý dạy thêm, học thêm sao cho hiệu quả? Hiện nay, dạy thêm, học thêm đối với mọi cấp học phổ thông, ngay cả học sinh lớp 1 gây ra một áp lực lớn cho học sinh và gia đình. Do phải chạy đua đi học thêm cho nên học sinh bị quá tải, không có thời gian để tự học, gia đình phải tốn kém phần tài chính không nhỏ cho học thêm. Còn thầy cô giáo vì dạy thêm nên không có thời gian để đầu tư cho tiết dạy trên lớp chính khóa nữa, có trường hợp thầy cô bằng những “thủ thuật” lôi kéo học sinh đi học thêm…

Thực tế, nhu cầu học thêm, dạy thêm là có thật, phụ huynh muốn con em mình học giỏi nên cần phải học thêm. Có nhiều lý do để học sinh đi học thêm như cuối cấp lớp 9 muốn vào 10 trường công lập, trường chuyên; học sinh lớp 12 muốn vào được đại học như mong muốn, rồi học sinh yếu kém muốn được tiến bộ… Thầy cô cũng muốn bồi dưỡng thêm kiến thức cho học sinh, có thêm thu nhập để cải thiện đời sống... Đó là nhu cầu và nguyện vọng chính đáng. Tuy vậy cũng có ít thầy cô quá coi trọng, “thương mại hóa” về vấn đề dạy thêm nên dẫn đến không ít hệ lụy như: dạy trước nội dung, dạy văn mẫu, dạy sát đề kiểm tra, dùng điểm số… để chiêu sinh học thêm.

Trong xã hội ngày nay, pháp luật là công cụ quản lý xã hội hiệu quả nhất. Giáo dục không phải là ngoại lệ nên cần được quản lý theo luật, trong đó có dạy thêm, học thêm. Để giải quyết triệt để vấn đề này, Bộ GD-ĐT cần luật hóa quy định dạy thêm, đưa việc dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, để những thầy cô có điều kiện đăng ký hành nghề như những ngành nghề khác được pháp luật thừa nhận. Như vậy, khi đó giáo viên cũng như học sinh có thể tự do dạy thêm và học thêm không phải lo sợ vì được phép làm điều pháp luật không cấm (cho phép). Điều quan trọng nhất là thầy cô hãy nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật, đừng vì bất kỳ lý do nào khác làm hoen ố hình ảnh người thầy để truyền thống “Tôn sư trọng đạo” được dân tộc ta trân trọng gìn giữ lưu truyền qua bao thế hệ vẫn sáng mãi.

Ngoài quản lý bằng luật, Bộ GD-ĐT nên xem lại chương trình, sách giáo khoa, nội dung đề kiểm tra thi nhằm điều chỉnh việc dạy thêm, học thêm. Cụ thể, Bộ GD-ÐT cần rà soát, điều chỉnh nội dung chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo hướng giảm tải các kiến thức hàn lâm, áp lực học tập, thi cử của học sinh, đổi mới nội dung và phương pháp kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh. Ngoài ra, cần tăng cường quản lý giáo viên nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc cắt xén chương trình đưa vào dạy thêm, hoặc ép buộc học sinh học thêm dưới bất kỳ hình thức nào.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.