Cần gói hỗ trợ cho người dân từ 3 - 6 tháng

Mai Phương
Mai Phương
26/07/2021 14:40 GMT+7

Nhiều tỉnh thành đã và đang áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, hạn chế người dân ra ngoài đường và điều này khiến nhiều người không còn thu nhập, khó đảm bảo đời sống...

Theo ông Huỳnh Thế Du, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, trong tình hình hiện tại, khả năng áp dụng Chỉ thị 16 hoặc mạnh hơn cho nhiều tỉnh thành và tình hình có thể kéo dài trong vòng 6 tháng hoặc lâu hơn nữa cho đến khi đạt được miễn dịch cộng đồng. Trong bối cảnh đó, một trong những vấn đề đáng quan tâm nhất là đời sống người dân cần được đảm bảo. Để việc thực thi các quy định được nghiêm và người dân yên tâm ở nhà hơn, ông cho rằng Nhà nước cần có ngay gói hỗ trợ cho toàn dân tương đương với nhu cầu lương thực thực phẩm và tiêu thụ điện trong 6 tháng của nhóm có thu nhập thấp nhất.
Cụ thể, ông Du tính toán: Dựa vào mức tiêu thụ bình quân các mặt hàng thiết yếu trong điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2020, thông báo giá ngày 5.7 của Sở Tài chính Cà Mau và ước tính 68% số hộ tiêu thụ điện dưới 200 kwh/tháng (giả định mỗi hộ 4 người) thì nhu cầu chi tiêu tối thiểu hằng tháng cho các hàng hóa thiết yếu 567.000 đồng/tháng, tương đương 3,4 triệu đồng/6 tháng. Như vậy, tổng gói hỗ trợ cho 6 tháng là 334.000 tỉ đồng, tương đương với 5% GDP ước tính cho năm 2021 của cả nước.

Bảng tính chi tiêu thiết yếu của một hộ gia đình do ông Huỳnh Thế Du thực hiện

Tuy nhiên, để có thể giảm thiểu gánh nặng ngân sách, ông Du cho rằng có thể chọn phương án trước mắt hỗ trợ 3 tháng sẽ tương đương với 2,5% GDP. Nếu muốn giảm nữa có thể giảm số thịt tiêu thụ còn một nửa (phần này chiếm gần 40% tổng chi tiêu), như vậy gói hỗ trợ tương đương với 2% GDP ước tính năm 2021. Với gói hỗ trợ này, những người khá giả hơn có thể dùng để làm từ thiện cho những người yếu thế hơn. Khi đó cơ chế phân phối lại qua cộng đồng sẽ làm mọi thứ trở nên phù hợp và công bằng hơn.
Về nguồn tiền để thực hiện gói hỗ trợ chi tiêu cho người dân nói trên, ông Du phân tích: Trước tiên Chính phủ có thể đi vay tiền hoặc cách cuối cùng là dùng tiền in của Chính phủ (bản chất cũng là vay) để chi tiêu. Còn việc điều hành cung tiền sẽ là nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước để kiềm chế lạm phát. Giai đoạn này giải pháp quan trọng nhất là thuyết phục hay làm cho đa phần người dân yên tâm ở nhà. “Việc giãn cách và hạn chế hoạt động của người dân chỉ có thể tuân thủ nghiêm ngặt khi cái ăn của người dân được đảm bảo. Gói cứu trợ nêu trên cũng nhằm mục tiêu này. Khi đó, lý lẽ phải ra ngoài vì miếng cơm manh áo không còn thuyết phục nữa và lực lượng chức năng sẽ có thể mạnh tay hơn trong việc chế tài”, ông Du nói thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.