Cần giữ vững quan điểm trước áp lực của Trung Quốc ở Biển Đông

Như Trần
Như Trần
28/09/2021 07:59 GMT+7

Đây là ý kiến của Giáo sư Kentaro Nishimoto (ảnh) từ Đại học Tohoku (Nhật Bản) tại hội thảo trực tuyến về vấn đề Biển Đông do Học viện Ngoại giao và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức mới đây.

 

Ảnh: NVCC

Đã hơn 5 năm kể từ khi Tòa trọng tài quốc tế ngày 12.7.2016 đưa ra phán quyết bác bỏ bản đồ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc đối với Biển Đông. Tuy nhiên, phán quyết vẫn thường được nhắc đến trong các văn bản ngoại giao và nghiên cứu học thuật.

Trung Quốc không tôn trọng luật pháp quốc tế

Phát biểu tại hội thảo, ông Nishimoto nhận định điều này chứng tỏ phán quyết vẫn liên quan chặt chẽ đến việc giải quyết tranh chấp Biển Đông. Tuy vậy, suốt 5 năm qua, Trung Quốc luôn phớt lờ và không chấp nhận phán quyết.
Trả lời Thanh Niên, ông Nishimoto cho biết: “Hiện vẫn chưa rõ Trung Quốc sẽ thực thi luật An toàn giao thông hàng hải ở Biển Đông như thế nào. Tuy nhiên, những quy định như cấm tàu thuyền di chuyển trong các vùng hạn chế (điều 44) có thể được Trung Quốc sử dụng để tăng cường kiểm soát khu vực xung quanh các thực thể ở Biển Đông”
Ông Nishimoto cũng chỉ ra rằng phán quyết không thể ngăn Trung Quốc tiếp tục các hành động ở Biển Đông. Bắc Kinh vẫn bồi đắp, mở rộng các thực thể, thăm dò tài nguyên và có nhiều hành động khác trong “đường chín đoạn”. Đầu năm nay, Trung Quốc còn đưa hàng trăm tàu cá ra neo đậu tại đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Nishimoto cho rằng phán quyết đã giúp làm rõ và thu hẹp phạm vi tranh chấp tại Biển Đông qua việc xem xét quy chế của các thực thể tại Biển Đông và bác bỏ “đường chín đoạn”. Bên cạnh đó, hành động không tuân thủ phán quyết của Trung Quốc đã phản ánh việc Bắc Kinh không tôn trọng luật pháp quốc tế và pháp quyền.
Ông Nishimoto chỉ ra dù nhiều nước không có lợi ích trực tiếp tại Biển Đông, việc một cường quốc ngang nhiên coi thường luật quốc tế là vấn đề ảnh hưởng đến tất cả quốc gia. Điều này khiến số nước phản đối và quan ngại các hành vi của Trung Quốc tăng lên trong 5 năm qua. Malaysia, Philippines, Việt Nam, Indonesia, Mỹ, Úc, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản và gần đây nhất là New Zealand đều đã gửi công hàm về Biển Đông lên Liên Hiệp Quốc.
Các công hàm đã xác nhận lại sự ủng hộ của những quốc gia này đối với phán quyết của Tòa trọng tài, Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982 và luật quốc tế, Giáo sư Nishimoto nhận định. Học giả này cũng cho biết các tác động của phán quyết đã buộc Trung Quốc phải củng cố yêu sách của mình bằng các biện pháp khác.

Âm thầm phá hoại phán quyết của tòa quốc tế ?

Vừa qua, tờ South China Morning Post đưa tin cựu Ngoại trưởng Albert Del Rosario của Philippines chỉ ra rằng Bắc Kinh đang có động cơ ngầm khi vội vã muốn đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Trao đổi với Thanh Niên, ông Nishimoto cho biết đây là nhận định có cơ sở khi các cuộc đàm phán hướng tới COC được kích hoạt trở lại sau khi tòa ra phán quyết và rõ ràng Trung Quốc muốn “lách” phán quyết bằng COC.
“Các điều khoản về phát triển năng lượng chung và tập trận chung do Trung Quốc đề xuất trong COC nhằm cắt đứt ảnh hưởng của bên ngoài lên khu vực. Tuy nhiên, điều này không có căn cứ theo luật pháp quốc tế. Trung Quốc không có bất kỳ yêu sách hợp lệ nào đối với phần lớn Biển Đông”, ông Nishimoto cho biết.
“Các quốc gia ven biển có quyền chủ quyền trong việc thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên. Bất kỳ hành vi nào hạn chế quyền này đều không phù hợp với phán quyết và luật pháp quốc tế. Do đó, các hành động của Trung Quốc có thể được coi là một nỗ lực nhằm phá hoại phán quyết”, học giả Nishimoto nói thêm, đồng thời cho rằng Bắc Kinh còn đang củng cố yêu sách của mình thông qua việc ban hành luật trong nước như luật Hải cảnh và gần đây nhất là luật An toàn giao thông hàng hải.
“Điều quan trọng là các bên liên quan giữ vững quan điểm trước những áp lực chính trị và không nhượng bộ các yêu cầu của Trung Quốc, chẳng hạn như trong việc đàm phán COC. Các bên cũng cần khẳng định lại luật pháp quốc tế, UNCLOS và cách giải thích UNCLOS như phán quyết đã nêu ra để làm cơ sở cho việc giải quyết tranh chấp”, theo Giáo sư Nishimoto.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.