Cần giải pháp cấp bách cung ứng thuốc chữa bệnh cho dân

06/07/2022 05:43 GMT+7

Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế đang diễn ra ở nhiều nơi. Trong khi các bộ ngành, địa phương còn loay hoay tìm giải pháp, thì bệnh nhân phải tự xoay trở hằng ngày, người dân lo lắng.

Là bệnh viện (BV) chuyên sâu tuyến cuối lớn của cả nước, nhưng BV Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết đang thiếu thuốc. Có mặt hàng đứt hàng, có mặt hàng chưa được gia hạn giấy phép. Trong nhiều ngày qua, rất nhiều bệnh nhân (BN) ung thư phản ánh với Thanh Niên thuốc hóa trị ở BV Chợ Rẫy đã hết nên phải ra ngoài mua.

Tình trạng thiếu thuốc gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác khám chữa bệnh cho người dân

NAM SƠN

Tại Quảng Nam, không chỉ các BV lớn mà ở các trung tâm y tế cũng lâm cảnh thiếu thuốc và vật tư y tế.

Tại Thái Bình, có tình trạng BN phải tự mua bơm kim tiêm, chỉ khâu… khi đến điều trị tại BV; bác sĩ đông y phải tìm kiếm vị thuốc về tự bào chế để phục vụ người bệnh.

Theo Bộ Y tế, thuốc, vật tư y tế bị thiếu chủ yếu là các loại thông dụng thuộc thẩm quyền mua sắm của các địa phương, đơn vị. Nguyên nhân chính là do một số địa phương và đơn vị có tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ bị thanh tra, kiểm tra, nên không dám đấu thầu, mua sắm.

TS Tô Minh Nghị, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Cà Mau, cho biết khoảng 1 - 3 tháng nữa BV sẽ thiếu thuốc, phải đấu thầu mới nhưng đang gặp 2 vấn đề: giá tăng và phải làm dự toán, thẩm định giá, trong khi khó tìm các công ty thẩm định giá…

Đi bệnh viện nhưng phải mua thuốc bên ngoài

Nhiều bạn đọc (BĐ) xác nhận đang gặp phải chuyện thiếu thuốc khi vào BV điều trị, phải mua bên ngoài. BĐ Tran Vu cho biết: “Người nhà tôi đang điều trị ung thư tại BV Chợ Rẫy nhưng BV hết thuốc hóa trị. Mỗi đợt hóa trị, gia đình tôi lại phải đi mua thuốc bên ngoài mang vào. Phải chi giá thuốc ngang ngửa nhau thì còn đỡ, đằng này nhà thuốc bên ngoài bán giá cao hơn trong BV. Bệnh tật đã mệt mỏi căng thẳng, lại còn nặng gánh chi phí thuốc thang mà nguyên nhân không phải do mình”.

BĐ Thịnh Lý dẫn chứng từ câu chuyện của bản thân: “Tháng 5.2022 tôi đi BV khám bệnh, bác sĩ kêu mua bên ngoài 1 loại thuốc, tôi ra ngoài mua với giá 900.000 đồng. Đến ngày 17.6.2022 tái khám, bác sĩ bảo ra ngoài mua 4 loại thuốc. Vì bệnh mà phải cắn răng chịu đựng mua bên ngoài 4 loại thuốc với giá 2,6 triệu đồng. Kiểu này thì “chết” BN”.

BĐ Mai Xuân Thưởng cho rằng, các BV cần đặt yếu tố quyền lợi của BN lên hàng đầu: “Vấn đề cấp bách là có đủ số lượng thuốc để trị bệnh cho người dân. Vì ngành y tế có đặc thù riêng. Dù chỉ có một đơn vị chào giá nhưng nếu thuốc đủ điều kiện thì phải mua thôi, chứ không phải đợi. Sức khỏe là vàng, thuốc chữa bệnh mà thiếu thì kể như bó tay trước bệnh tật”.

BĐ Halod Ho cùng quan điểm tất cả phải chung mục tiêu hướng về nhu cầu thuốc cấp thiết của BN: “Các BV tự chủ về vấn đề mua thuốc và vật tư y tế, phía sở, bộ y tế giám sát về giá cả, chất lượng. Vậy là được, chứ trình lên, duyệt ký, gửi công văn đi..., chờ xong có khi BN đã qua đời vì bệnh. Xin hãy giảm bớt thủ tục”.

Việc cấp bách, đừng viện dẫn “quy trình”

Theo quan sát của BĐ Phuong Kien, vướng mắc nằm ở việc dù đã được phân cấp quyền mua sắm thuốc, nhưng các địa phương, đơn vị lại e ngại, hậu quả BN lãnh đủ: “Bộ Y tế và các tỉnh, thành đã phân cấp quyền mua sắm cho các đơn vị chủ động tự đấu thầu thuốc, nhưng họ không dám làm. Các BV là nơi chữa bệnh, chịu trách nhiệm sức khỏe BN, giờ bắt họ chịu thêm trách nhiệm về giá thuốc, đấu thầu vật tư y tế nữa thì họ lúng túng cũng phải. Rốt cuộc, BN mới là những người chịu thiệt thòi”.

Nhận định việc đáp ứng thuốc cho các cơ sở y tế đang cấp bách, BĐ Thiên Long đặt vấn đề: “Bộ Y tế có tổng hợp được hiện có bao nhiêu địa phương thiếu thuốc, thiếu thuốc gì, nguyên nhân tại sao thiếu, để tìm cách tháo gỡ cho các địa phương? Chứ nếu chỉ đề nghị các địa phương, đơn vị tăng cường mua thuốc thì chưa đủ để giải quyết tình hình. Việc cấp bách mà cứ chờ báo cáo, làm theo quy trình thì sao đáp ứng được thực tiễn?”.

“Việc tháo gỡ vướng mắc về đấu thầu mua sắm, thẩm định hay gì nữa là chuyện lâu dài của ngành chức năng. Người dân có bệnh phải đến BV để điều trị, thì BV phải có thuốc để BN yên tâm về sức khỏe, tính mạng, tài chính. Nên điều người dân chúng tôi cần bây giờ là ngành y tế và các địa phương ngồi lại bàn tìm cho ra giải pháp cấp bách để chấm dứt ngay cảnh thiếu thuốc”, BĐ Xuan Quang đề xuất.

* Chung quy chuyện thiếu thuốc ảnh hưởng đến BN, nhất là người nghèo thường thua thiệt. Vào BV, thấy người nhà BN phải chạy tìm khắp nơi mua thuốc, dụng cụ y tế... mà đau lòng.

Cuong Vuong

* Chẳng hiểu các vị làm việc thế nào? Tôi khám BHYT 2 năm nay, cứ 10 lần đi khám thì bị kêu ra ngoài mua thuốc hết 7 - 8 lần.

Châu Nguyễn Ngọc

* Chuyện thiếu thuốc đã xảy ra từ mấy tháng nay và ngày càng nghiêm trọng, giải pháp thì loay hoay. Vậy rồi ai chịu trách nhiệm? Suốt ngày cứ “rà soát văn bản”, bệnh tật không có “quy trình” và người bệnh không đợi được đâu các vị à!

Liem

* BHYT phải có trách nhiệm trong việc này, thanh toán những loại thuốc người bệnh phải ra ngoài mua vì BV không có thuốc. Người dân chúng tôi đóng tiền để mua thẻ bảo hiểm và được khám chữa bệnh!

Hoang Tran Thai

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.