Cần đánh giá đúng về thế hệ Z và Alpha

Vũ Thơ
Vũ Thơ
30/12/2021 06:00 GMT+7

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã hiến kế quan trọng cho tổ chức Đoàn trong nhiệm kỳ tới, để dẫn dắt thế hệ Z và Alpha thực hiện mục tiêu phát triển đất nước hùng cường .

Ngày 29.12, T.Ư Đoàn tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý, hiến kế của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội, nhà quản lý để xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, với sự tham dự và chủ trì của anh Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư Thường trực T.Ư Đoàn.

Anh Bùi Quang Huy phát biểu và chủ trì hội nghị

V.T

Làm gì để thanh niên có ý chí, khát vọng ?

Anh Bùi Quang Huy cho biết trong giai đoạn 5 năm tới và đến năm 2030, mặc dù cơ cấu dân số thanh niên có giảm nhưng vẫn chiếm khoảng 22% trong cơ cấu dân số và chiếm khoảng 1/3 dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam. Đây là nhóm xã hội nằm trong độ tuổi thuộc thế hệ Z (từ giữa thập niên 1990 đến những năm đầu của thập niên 2010) và thế hệ Alpha (từ đầu thập niên 2010 đến giữa thập niên 2020) - sinh ra và lớn lên trong thời đại kỹ thuật số phát triển và được xem là công dân kỹ thuật số, với những đặc điểm về tư duy, nhận thức, tiềm năng sáng tạo, tính cách, xu hướng và phong cách sống… hoàn toàn khác thế hệ trước.

Theo anh Huy, tiềm năng của thế hệ Z và Alpha đã được các nhà nghiên cứu nhìn nhận như là thế hệ kế tiếp và Liên Hiệp Quốc coi sự phát triển của thế hệ tương lai là thế hệ không giới hạn. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển, giới trẻ ngày nay đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới và nhiều vấn đề xã hội của thanh niên cũng đang đặt ra những yêu cầu mới trong công tác quản lý, giáo dục, xây dựng chính sách đảm bảo mục tiêu phát triển thanh niên…

Anh Huy trăn trở: “Câu hỏi đặt ra là Đoàn cần làm gì để thanh niên có ý chí khát vọng cống hiến, khát vọng vươn lên; chủ động, tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số, xây dựng công dân số, công dân toàn cầu, sáng tạo và khởi nghiệp...”.

GS-TS Hoàng Chí Bảo đóng góp ý kiến cho dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII

Phải thấu hiểu, thấu cảm thanh niên

Các đại biểu đều đánh giá cao dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII của T.Ư Đoàn và cho rằng báo cáo đã được chuẩn bị công phu, trách nhiệm, cung cấp nhiều thông tin thực tiễn về thanh niên rất bổ ích. Tuy nhiên, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng cần phải có đánh giá đúng và hiểu đúng về thanh niên thế hệ Z và Alpha thì mới khơi dậy được tiềm năng của thế hệ này.

Theo GS-TS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận T.Ư, đây là một thế hệ hiện đại, có thể tạo ra xu hướng trong cuộc cách mạng 4.0, vì vậy khi đánh giá về thanh niên không thể lấy tiêu chí của thế hệ mình áp đặt cho một thế hệ mới, phải thấu hiểu, thấu cảm thanh niên mới có cơ sở khoa học về lớp trẻ. GS Bảo cho rằng bên cạnh việc đánh giá tích cực về thế hệ trẻ thì cũng cần nhìn nhận đến nhược điểm. “Vì khi sinh sau đẻ muộn, cách xa quá khứ, thì hiểu biết về lịch sử sẽ không đầy đủ. Nếu để khoảng trống này thì sẽ rất khó giáo dục lý tưởng, chính trị cho thế hệ trẻ”, ông Bảo nhấn mạnh và lưu ý tổ chức Đoàn cần chú trọng giáo dục lòng yêu nước, giáo dục lịch sử, nhất là về Đảng, về Bác Hồ cho thế hệ trẻ.

Cần phải có đánh giá đúng và hiểu đúng về thanh niên thế hệ Z và Alpha thì mới khơi dậy được tiềm năng của thế hệ này

Đ.L

Ông Bảo cho rằng việc giáo dục lớp trẻ cần phải đổi mới, truyền cảm hứng, tránh hành chính hóa vì lớp trẻ trong sáng, hồn nhiên, nhạy cảm. Đồng thời, trước những tiêu cực, bất chính, của thế hệ “người lớn”, tổ chức Đoàn phải phê phán mạnh mẽ để không để xảy ra khủng hoảng và tiêu cực trở thành ám ảnh trong lớp trẻ.

Đồng ý với quan điểm này, PGS-TS - thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an), cho biết ông cũng thấy có nhiều ý kiến đánh giá về thanh niên thế hệ mới là chưa toàn diện, cho rằng thanh niên “lung tung” là chưa đúng. Ông Cương cho rằng: “Không được mất niềm tin vào thanh niên, vì nếu mất niềm tin vào thanh niên là tự đánh mất mình”. Theo ông Cương, người lớn là cái khuôn, nếu thanh niên làm gì chưa đúng thì trách nhiệm là do mình trước.

Nâng cao trí tuệ cho thanh niên

GS-TS Nguyễn Đình Đức (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã có những đóng góp rất trực diện về vai trò của Đoàn thanh niên trong việc giúp thanh niên làm chủ được cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Ông Đức cho rằng đất nước Việt Nam có phát triển được hay không phụ thuộc rất lớn vào giai đoạn này, phải nhận thức và nắm bắt được cơ hội của cuộc cách mạng công nghệ, trong đó có vai trò của thanh niên. Theo ông Đức, các phong trào của Đoàn phải tập trung vào học tập, nâng cao trí tuệ cho thanh niên. “Phong trào phải giúp thanh niên làm chủ được vận mệnh của đất nước. Có tri thức chưa đủ mà phải có năng lực, tầm nhìn, thể lực…”, ông Đức góp ý.

Anh Bùi Quang Huy cho biết những ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý rất sâu sắc và có giá trị. Ban soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến, để xây dựng Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII. T.Ư Đoàn cũng sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị lấy ý kiến góp ý, hiến kế của các thế hệ cán bộ Đoàn và đoàn viên, thanh niên trong và ngoài nước, đồng thời sẽ đăng tải trên các phương tiện truyền thông để lấy ý kiến của rộng rãi của toàn xã hội vào báo cáo này.

Theo ông Đức, thế hệ thanh niên thời đại mới phải đi vào mũi nhọn của công nghệ 4.0; tổ chức Đoàn phải biết tập hợp, dẫn dắt để giúp họ nắm bắt cơ hội, phát huy tiềm năng, đóng góp cho đất nước.

Đồng tình với quan điểm trên, GS-TS Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐH Quốc gia Hà Nội, còn cho rằng: “Cần giáo dục bản sắc văn hóa Việt Nam trong thanh niên, hội nhập phải tỏa sáng, muốn tỏa sáng thì thanh niên không thể trở thành người Hàn, người Pháp, mà phải trở thành chính người Việt Nam”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.