Căn cứ nhỏ, hiệu quả lớn

04/05/2016 09:04 GMT+7

Mỹ và Senegal vừa ký kết một thỏa thuận hợp tác về quân sự và an ninh với nội dung chủ chốt là quân đội Mỹ có thể hiện diện thường xuyên, ở nhiều nơi và mọi thời điểm trên lãnh thổ quốc gia Tây Phi này.

Cho dù chính phủ Mỹ và Senegal quả quyết thỏa thuận này chỉ nhằm đối phó với nguy cơ xảy ra khủng hoảng an ninh và nhân đạo ở Senegal và vùng xung quanh, nhưng ý nghĩa chiến lược của nó vượt xa hơn thế rất nhiều.
Trong thực chất, thỏa thuận này đã biến toàn bộ đất nước Senegal trở thành một căn cứ quân sự của Mỹ và Senegal được Mỹ bảo hộ về an ninh.
Thời nay, căn cứ quân sự ở nước ngoài là chuyện rất nhạy cảm và phức tạp về chính trị, đồng thời rất tốn kém về tài chính. Ở châu Phi, Mỹ đã chuyển từ chiến lược quân sự và an ninh dựa vào một số căn cứ quân sự lớn sang một mạng lưới nhiều căn cứ quân sự mới nhỏ hơn trải đều trên khắp châu lục.
Những căn cứ này nhỏ nhưng rất hiệu quả đối với Mỹ, chỉ được sử dụng khi Mỹ cần đến và có thể được nhanh chóng mở rộng thành căn cứ quân sự có quy mô như ở thời trước. Chúng được kết nối hữu cơ với nhau trong khuôn khổ bố trí chiến lược chung của Mỹ ở châu Phi. Hiện tại, mạng lưới này của Mỹ đã bao gồm khoảng 60 căn cứ ở 34 quốc gia châu Phi (chiếm 60% tổng số quốc gia trên châu lục).
Trong thực chất, thỏa thuận này đã biến toàn bộ đất nước Senegal trở thành một căn cứ quân sự của Mỹ và Senegal được Mỹ bảo hộ về an ninh. Trong hình: một bãi biển ở thủ đô Dakar của Senegal Reuters
Chiến lược này giúp Mỹ tránh được những vướng mắc với dân chúng và xã hội sở tại, lại có thể nhanh chóng triển khai quân đội ở khắp châu Phi. Mỹ có thể chậm chân hơn EU, Trung Quốc, Nhật Bản hay Ấn Độ trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với châu Phi, nhưng vượt xa tất cả các đối tác này về quân sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.