Căn cứ kỷ luật ông Lê Vinh Danh là luật Cán bộ, công chức hay Viên chức?

Quý Hiên
Quý Hiên
10/11/2020 20:06 GMT+7

Nhiều người cho rằng, nếu Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam xử lý kỷ luật ông Lê Vinh Danh theo luật Viên chức là sai, mà phải theo luật Công chức. Vậy khi bị kỷ luật, ông Lê Vinh Danh là công chức hay viên chức?

Tại phiên chất vấn của Quốc hội chiều 9.11, ông Ngọ Duy Hiểu, đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết khi xử lý kỷ luật (hình thức cách chức) ông Lê Vinh Danh, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Tôn Đức Thắng, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, căn cứ vào luật Viên chức.

ĐBQH Ngọ Duy Hiểu tranh luận với đại biểu Lê Thanh Vân về việc cách chức ông Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng trường đại học Tôn Đức Thắng

Sau phiên trả lời của ông Hiểu, một số ý kiến nhận xét ông Hiểu không phân biệt được công chức với viên chức, khi ông Hiểu cho rằng Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam có quyền cách chức hiệu trưởng trường đại học công lập dựa trên luật Viên chức. Theo lập luận của những người có nhận xét này, hiệu trưởng trường đại học công lập là công chức, vì thế khi xử lý kỷ luật người đang nắm vị trí này thì phải áp dụng theo luật Công chức.
Ngày 10.11, trao đổi với báo Thanh Niên, ông Ngọ Duy Hiểu vẫn khẳng định, khi xử lý kỷ luật ông Lê Vinh Danh, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam căn cứ vào luật Viên chức và các văn bản pháp quy liên quan tới luật này.

ĐBQH Lê Thanh Vân từng chất vấn Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về trường hợp ông Lê Vinh Danh

Hiệu trưởng trường đại học công lập không nhất thiết là công chức

Theo ông Hiểu, ông Danh tuy là người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập, nhưng không phải là công chức, mà vẫn là viên chức. Trong quá trình Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét để xử lý kỷ luật ông Danh, do Nghị định 112/2020/NĐ-CP (về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức) chưa ban hành, nên Tổng liên đoàn dựa vào Nghị định 27/2012/NĐ-CP (về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức) để xem xét.
Theo đó, khoản 1 điều 14 Nghị định 27, quy định: “Đối với viên chức quản lý, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật”.
“Cũng theo Nghị định 27, viên chức quản lý nếu có hành vi vi phạm pháp luật, tùy theo mức độ vi phạm, bị áp dụng 1 trong 4 hình thức kỷ luật: khiển trách; cảnh cáo; cách chức; buộc thôi việc. Căn cứ vào những sai phạm của ông Lê Vinh Danh, chúng tôi áp dụng hình thức kỷ luật cách chức”, ông Hiểu nói.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, không phải tất cả hiệu trưởng trường đại học công lập đều là công chức. Lãnh đạo một đơn vị cấp vụ của Bộ GD-ĐT, vốn là hiệu trưởng một trường đại học công lập, cho biết khi chuyển công tác về Bộ GD-ĐT, vị cán bộ này phải làm quy trình để chuyển đổi từ ngạch viên chức sang công chức.
TS Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng Trường đại học Công nghiệp dệt May Hà Nội, trường đại học công lập duy nhất hiện nay không có cơ quan quản lý (thường được gọi là cơ quan chủ quản), cho biết, cá nhân ông thậm chí không phải là… viên chức.
“Cả trường tôi không một ai là công chức hay viên chức, vì từ hơn 25 năm nay, kể cả khi đang có cơ quan chủ quản, trường tôi không được giao một chỉ tiêu viên chức nào. Vì thế, tất cả mọi cán bộ giảng viên trong trường chúng tôi đều chỉ ký hợp đồng lao động, không một ai được tuyển dụng theo ngạch viên chức. Tuy nhiên, các chế độ chính sách được chúng tôi áp dụng cho cán bộ, giảng viên là đều dựa vào luật Viên chức”, TS Hiệp nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời ĐBQH Lê Thanh Vân sau chất vấn về việc cách chức ông Lê Vinh Danh

Trong Công văn 4378/BNV-CCVV (ngày 21.8.2020) trả lời Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Nội vụ cũng xác định, “Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng là viên chức quản lý, đồng thời là người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học công lập trực thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam”.
Còn ông Hiểu cũng giải thích: “Nghị định 06/2010/NĐ-CP là nghị định mà trong đó quy định chi tiết những người là công chức. Theo khoản 3 điều 11 của nghị định này, công chức bao gồm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước cấp kinh phí hoạt động thuộc các cơ quan Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội. Trường đại học Tôn Đức Thắng không thuộc diện đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước cấp kinh phí hoạt động, vì thế hiệu trưởng và hiệu phó của trường này vãn chỉ là viên chức”.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: "Sẽ công khai kết quả vụ việc ở trường Tôn Đức Thắng cho toàn dân biết"

Vì sao rối?

Theo TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐT Trường ĐH FPT, sở dĩ trong dư luận xã hội có nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề cách chức Hiệu trưởng với ông Lê Vinh Danh là bởi sự việc xảy ra lùm xùm cả 2 năm nay, đúng thời điểm giao thời giữa cũ và mới, cũng là thời điểm tiếp nối nhiều việc.
Trường ĐH Tôn Đức Thắng thì ở giao thời giữa 2 nhiệm kỳ, hội đồng trường không có, cá nhân ông Lê Vinh Danh đã bước 1 chân sang nhiệm kỳ hiệu trưởng thứ ba. Vì thế, việc xử lý kỷ luật ông Danh lùng bùng do rơi đúng vào quãng giao thời giữa các luật và nghị định.
Luật Giáo dục đại học mới quy định chi tiết về hội đồng trường và cơ chế tự chủ - có hiệu lực từ ngày 1.7.2019, và được hướng dẫn bởi Nghị định 99 ban hành ngày 30.12.2019, đến ngày 15.2.2020 mới có hiệu lực.
Như vậy, theo ông Tùng, sau thời gian thực hiện thí điểm tự chủ 2015 - 2017, các trường đại học chuyển sang thực hiện tự chủ theo luật Giáo dục Đại học mới và Nghị định 99. Nghị quyết 39/NQ-CP của Chính phủ tháng 5.2019 có mục về mở rộng quyền tự chủ đại học chỉ nêu tên 3 trường là Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM; không có tên Trường ĐH Tôn Đức Thắng.
Cũng theo ông Tùng, luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức mới quy định người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập (trong đó có trường đại học công lập) không còn là công chức nữa mà là viên chức. Luật sửa đổi này ban hành tháng 11.2019, có hiệu lực từ ngày 1.7.2020. Trong luật này quy định công chức là cán bộ quản lý đơn vị sự nghiệp công lập sẽ trở thành viên chức, nhưng được hưởng quy định công chức đến hết nhiệm kỳ chức vụ (điều 85 luật sửa đổi, bổ sung luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức).
Nghị định 112 về kỷ luật cán bộ công chức viên chức ban hành ngày 18.9.2020, có hiệu lực từ ngày 20.9.2020. Tuy nhiên, có quy định các vụ việc đang xem xét kỷ luật thì tiếp tục xét theo quy định trước đấy.
Ông Tùng nhấn mạnh từng đấy nội dung kế thừa và nối tiếp nhau, nếu không trong việc xử lý thiếu sự nắm bắt tinh tế các quy định mới cũ này với nhau thì sẽ dễ bị rối. Để không bị rối, thì dẫu có áp dụng luật cũ hay mới, cũng chỉ cần nắm được các quy tắc xử lý sau:
Với hiệu trưởng, hội đồng trường chỉ có quyền đề nghị về việc công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm (theo luật Giáo dục đại học).
Cách chức là hình thức kỷ luật, theo luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức; khác với quyền miễn nhiệm/bãi nhiệm của hội đồng trường (luật Giáo dục đại học).
Thẩm quyền kỷ luật thuộc về cơ quan ra quyết định bổ nhiệm (theo các nghị định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.