Cần cú hích cho dịch vụ công

Mai Hà
Mai Hà
04/06/2022 05:49 GMT+7

Không phải ngẫu nhiên cuối tháng 5.2022, Bộ Thông tin - Truyền thông phải “sốt ruột” gửi văn bản tới các địa phương cả nước thúc giục việc triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) đi vào thực chất hơn nữa.

Lý do, tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ trực tuyến trung bình của cả nước mới đạt 23,02%; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trung bình cả nước mới đạt 24,89%.

Nói cách khác, nếu 4 người dân đi làm các thủ tục giấy tờ, thì chỉ 1 người lựa chọn nộp hồ sơ trực tuyến, 3 người còn lại vẫn chọn cách truyền thống là nộp trực tiếp. Câu hỏi đặt ra là vì sao sau nhiều nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành và một số địa phương trong việc cung cấp, tích hợp các DVCTT, người dân vẫn chưa thực sự mặn mà?

Trong một báo cáo gần đây gửi Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ VN cho biết đã triển khai mở rộng DVCTT mức độ 4 đổi giấy phép lái xe lên Cổng dịch vụ công quốc gia lên 12 tỉnh, TP. Tuy nhiên, thống kê từ cuối tháng 9.2021 đến hết năm 2021, trong số 12 sở GTVT triển khai dịch vụ, có 4 sở GTVT chưa có hồ sơ đăng ký thành công trên Cổng dịch vụ công quốc gia. 8 sở GTVT còn lại đã tiếp nhận và mới chỉ trả được hơn 130 giấy phép lái xe đăng ký thành công. Còn tính từ 1.1.2022 đến hết quý 1/2022, mới chỉ có 20 giấy phép lái xe đăng ký và trả kết quả thành công. Sở dĩ số lượng hồ sơ đăng ký giấy phép lái xe trực tuyến còn thấp do người dân phải thực hiện quá nhiều thao tác phức tạp, thiếu dữ liệu liên thông về giấy khám sức khỏe chứng thực điện tử...

Đây chỉ là một ví dụ thực tế cho thấy quá trình triển khai các DVCTT còn rất nhiều vướng mắc khiến người dân ngần ngại.

DVCTT là một trong những chỉ số đo lường quan trọng trong phát triển chính phủ điện tử. Về lâu dài, để chuyển đổi số thực sự hiệu quả, cả 4 “chân kiềng” quan trọng là chính phủ số, xã hội số, kinh tế số và công dân số đều phải chuyển động cùng nhịp. Với DVCTT, nỗ lực đưa tỷ lệ DVCTT mức độ 4 của cả nước lên 97% là bước tạo đà quan trọng trong hành trình phát triển chính phủ số tại VN.

Dù vậy, kết quả còn hạn chế trong thực hiện DVCTT trong thực tế, cho thấy nỗ lực trên là chưa đủ. DVCTT đặc biệt ở mức cao (mức độ 3 và 4) đòi hỏi phải kết nối, chia sẻ liên thông dữ liệu về dân cư, bảo hiểm, sức khỏe... giữa các ngành công an, bảo hiểm, y tế, giao thông. Điều này sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục ở mức tối đa nhất, bởi thủ tục càng phức tạp, người dân càng ngại thao tác online.

Mặt khác, thói quen truyền thống của người dân thường đến cơ quan hành chính làm thủ tục cho “chắc ăn”. Vì thế, để có chính phủ số, trước hết phải có công dân số, trước nhất từ việc thay đổi và tạo thói quen, tạo niềm tin cho người dân khi sử dụng DVCTT.

Suy cho cùng, DVCTT hay trực tiếp đều xuất phát từ trung tâm là người dân. Chỉ khi các bộ, ngành, địa phương cung cấp thủ tục đạt được mục tiêu tiện ích, đơn giản và hiệu quả nhất cho người dân thì DVCTT mới hiệu quả. Có như thế, mục tiêu Bộ Thông tin - Truyền thông đặt ra trong năm 2022 là nâng tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ đạt 65% và tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến đạt 50% mới thành hiện thực.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.